Kết quả các cuộc khảo sát trước đó của Gan Li là một trong những chủ đề gây tranh cãi lớn nhất trong xã hội Trung Quốc, khi nó đưa ra kết luận rằng bức tranh thu nhập của người dân khác xa với những báo cáo chính thức của chính phủ nước này. Đặc biệt, chỉ số bất bình đẳng trong xã hội hiện đang cao gấp rưỡi mức được xem là bất ổn.
Ở thời điểm hiện tại, nhà kinh tế học Gan Li cùng các nhà nghiên cứu đồng sự của ông tại trường đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô đang chuẩn bị cho một cuộc điều tra có quy mô quốc gia về thu nhập và tài sản của người dân và các hộ gia đình ở Trung Quốc theo dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 7 tới.
Mục tiêu của cuộc điều tra cứ 2 năm lại diễn ra 1 lần này tập trung vào đo lường tài sản của 1,4 tỉ người dân Trung Quốc: thu nhập trung bình của họ là bao nhiêu, số căn hộ và đất đai họ sở hữu, và cách sử dụng tài sản của họ như thế nào. Kết quả các cuộc khảo sát trước đó của Gan Li là một trong những chủ đề gây tranh cãi lớn nhất trong xã hội Trung Quốc, khi nó đưa ra kết luận rằng bức tranh thu nhập của người dân khác xa với những báo cáo chính thức của chính phủ nước này. Đặc biệt, chỉ số bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc theo tính toán của Gan Li và các đồng sự hiện đang cao gấp rưỡi mức được xem là bất ổn.
Dù về lý thuyết là cứ 2 năm cuộc khảo sát sẽ diễn ra 1 lần, nhưng lần thực hiện khảo sát gần nhất của Gan Li và các đồng sự là vào năm 2012. Kết quả cuộc khảo sát năm 2012 được đánh giá là một cú sốc thực sự đối với xã hội Trung Quốc khi nó chỉ ra rằng Trung Quốc là một xã hội có mức bất bình đẳng về thu nhập lớn nhất thế giới.
Cuộc khảo sát của Gan Li cho thấy hệ số Gini – một chỉ số về mức độ chênh lệch trong thu nhập – của Trung Quốc đã lên tới mức 0,61, cao hơn nhiều so với mức được các nhà kinh tế thống nhất là ngưỡng có thể gây ra bất ổn xã hội là 0,4. Theo đó, 1% những người giàu nhất đang nắm giữ khoảng hơn ¼ tài sản của toàn bộ Trung Quốc, trong khi số người vẫn đang phải vật lộn mưu sinh hàng ngày ở nước này lên tới 430 triệu người.
Ngay lập tức, chưa đầy 24 giờ sau khi kết quả khảo sát của Gan Li được công bố rộng rãi, 6 quan chức của Cục Thống kê quốc gia đã xuống phòng nghiên cứu và yêu cầu kiểm tra những dữ liệu được sử dụng cho việc tính toán kết quả khảo sát. Gan Li bình an vô sự sau sự việc, nhưng các cuộc khảo sát tiếp theo đã bị trì hoãn và chỉ có thể khởi động lại vào tháng 7 năm nay.
Đây là điều dễ hiểu khi các chỉ số thống kê về kinh tế từ lâu đã có một vai trò đặc biệt ở Trung Quốc: dưới thời Mao Trạch Đông, cục Thống kê là một cánh tay đắc lực của Ủy ban kế hoạch nhà nước. Theo Carsten Holz, chuyên gia về thống kê Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, thì thống kê ở Trung Quốc đến hiện tại vẫn đang chịu sự chi phối của chính phủ nước này và sẵn sàng chỉnh sửa số liệu nếu cần thiết.
Kết quả các cuộc khảo sát của Gan Li, vì thế được xem như một cuộc cách mạng thực sự trong ngành thống kê Trung Quốc. Nhà kinh tế này cho biết: “Ở Trung Quốc rất nhiều lĩnh vực gần như hoàn toàn ở trong bóng tối, chứ không phải chỉ là lờ mờ và không rõ ràng như nhiều người vẫn nghĩ”. Để thực hiện cuộc khảo sát, sẽ có khoảng 2.500 sinh viên đại học Tây Nam đến từ khắp các vùng miền trên cả nước, họ sẽ trải qua 2 tuần tập huấn trước khi quay về quê nhà phỏng vấn khoảng 40.000 gia đình để đưa ra các số liệu về tình hình thu nhập và tài sản của người dân trên khắp cả nước.
Dù tạm ngưng tiến hành khảo sát sau sự cố vào năm 2012 và không còn đưa ra hệ số Gini cập nhật một cách thường xuyên kể từ đó, nhưng Gan Li vẫn cho rằng bất bình đẳng về thu nhập chính là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của Trung Quốc. Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc đã thiết lập các chương trình phúc lợi xã hội mới bao gồm trợ cấp hàng tháng cho những người nghèo nhất, thì thực tế là tiêu dùng hộ gia đình trong xã hội vẫn không tăng lên là bao vì thu nhập không thực sự được cải thiện nhiều.
Tỷ lệ tiết kiệm rất cao ở Trung Quốc phần lớn được thực hiện bởi một số ít những người giàu có hoặc thuộc mức trên của tầng lớp trung lưu. Quan điểm của Gan Li là sự tái điều chỉnh về phân phối thu nhập, chủ yếu thông qua việc tăng mức đánh thuế tài sản và thuế thừa kế với những người giàu và sử dụng cho các chương trình phúc lợi xã hội – cả 2 việc trên đều chưa được thực hiện một cách đúng nghĩa ở Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.
Tom Orlik, chuyên gia kinh tế châu Á của Bloomberg Intelligence, cho biết: “Những gì Gan Li công bố đã cho chúng ta một cách nhìn nhận mới về nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc hiện tại không phải đối mặt với thách thức về việc phải xây dựng một chương trình phúc lợi quy mô ngày càng tăng như các nước phương Tây, mà phải đảm bảo sự tái phân phối thu nhập đồng đều và bớt chênh lệch hơn, thực tế điều này còn khó hơn rất nhiều”.
Kết quả nghiên cứu của Gan Li về lĩnh vực nhà ở tại Trung Quốc cũng tạo ra một làn sóng tranh cãi thực sự. Gan Li cho rằng 70% tổng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc đến từ giá trị căn hộ mà họ sở hữu. Ngoài ra, hiện có khoảng 50 triệu căn hộ đang bị bỏ trống và chưa có người mua, nhiều hơn mức ước tính của một số ngân hàng Trung Quốc.
Kết quả về số căn hộ dư thừa này ngay lập tức gây ra tranh cãi lớn, nhưng sau đó có vẻ như đã được chấp nhận rộng rãi hơn khi chính phủ đưa ra một số chính sách thúc đẩy người mua nhà ở Trung Quốc. Nhà kinh tế này cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách chủ yếu đều ngồi ở Bắc Kinh và đưa ra những quyết định trên trời. Khi giá nhà đất tại một thành phố tăng lên, họ lập tức kết luận rằng thành phố đó cần nhiều căn hộ hơn nữa. Kết quả là giờ đây tình hình đã đảo ngược 180 độ, và Trung Quốc trở nên quá thừa mứa các bất động sản”.
Hiện tại, ngày càng có nhiều chuyên gia trong nước tỏ ra đồng tình với kết quả khảo sát của Gan Li. Li Shi, một nhà kinh tế học tại đại học Bắc Kinh, cho rằng hệ số Gini ước tính khoảng 0,61 của Gan Li không quá chênh lệch với con số thực theo ông vào khoảng 0,45 dù cả 2 kết quả đều thừa nhận rằng bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc đã ở mức đáng báo động.
Theo ông, trong tương lai chính phủ Trung Quốc sẽ phải dành nhiều nguồn lực và nỗ lực hơn nữa để tái cân bằng về phân phối thu nhập trong xã hội trước khi những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Dù điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận giảm tăng trưởng đáng kể, nhưng nó là điều cần thiết hơn để duy trì ổn định trong xã hội và nền kinh tế Trung Quốc.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)