Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin tiết lộ Trung Quốc nhiều lần thăm dò Hàn Quốc chuyện gia nhập Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) do Mỹ dẫn đầu.

Trung Quốc lo sợ Hàn Quốc gia nhập Quad

Cẩm Bình | 25/04/2021, 14:39

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin tiết lộ Trung Quốc nhiều lần thăm dò Hàn Quốc chuyện gia nhập Đối thoại An ninh 4 bên (Quad) do Mỹ dẫn đầu.

Quad - hiện có 4 thành viên là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc - ra đời nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Tuy nhiên, theo nguồn tin, Trung Quốc tìm cách thăm dò chuyện gia nhập tổ chức này của Hàn Quốc nhưng chính phủ Hàn Quốc trả lời rằng họ không hề nhận được lời mời gia nhập.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia Trung Quốc, vẫn không loại trừ khả năng Seoul đổi ý. Giáo sư Tiền Dũng thuộc ĐH Chiết Giang bày tỏ lo ngại: “Mỹ luôn lôi kéo Hàn Quốc và tìm cách hợp nhất các liên minh của mình. Nếu Hàn Quốc gia nhập Quad, một liên minh tam giác Mỹ - Nhật - Hàn như NATO nhỏ tại Đông Á sẽ thành lập, đem lại thách thức an ninh lớn cho Trung Quốc”.

Học giả Tất Dĩnh Đạt thuộc ĐH Sơn Đông cũng cảnh báo một liên minh chống Trung ở Đông Á đem lại sức ép rất lớn cho Trung Quốc và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

“Liên minh chống Trung thúc đẩy Trung Quốc xích lại gần Nga, sát cánh cùng CHDCND Triều Tiên trong các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Khi ngày này đến, tình hình sẽ phát triển thành thế đối đầu giữa 2 phe. Trong lịch sử thì đây thường là con đường dẫn đến chiến tranh”, học giả Tất phân tích.

quad.jpg
Rất có khả năng Quad kết nạp thêm thành viên - Ảnh: SCMP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng công khai gọi Quad là NATO tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan hệ giữa Bắc Kinh với từng nước thành viên Quad cũng ngày một xấu đi.

Mỹ không ngừng thách thức Trung Quốc trên hàng loạt vấn đề và tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Giữa Nhật Bản với Trung Quốc lâu nay tồn tại tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, nay lại thêm vấn đề Đài Loan.

Quan hệ Trung - Úc rơi vào tình trạng tồi tệ nhất do cáo buộc can thiệp chính trị nội bộ, điều tra nguồn gốc COVID-19, cấm nhập khẩu hàng hóa. Căng thẳng biên giới Trung - Ấn vẫn còn đó và từng leo thang gần đây.

Quad trước đây đã bàn về khả năng kết nạp thành viên mới, thời gian qua họ còn mời nhiều quốc gia cùng tham gia thảo luận về vấn đề an ninh và kiểm soát đại dịch.

Một số nước châu Âu cũng bắt đầu tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Pháp tập trận cùng Úc, Ấn vào tháng 4 đồng thời ngỏ ý thúc đẩy hợp tác “kiểu Quad” trong khu vực. Anh tuyên bố sẽ đưa tàu đến Biển Đông.

Đến nay, Seoul vẫn từ chối chọn phe. Quốc gia Đông Bắc Á cố gắng cân bằng giữa mối quan hệ đồng minh với Mỹ và quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Giáo sư Quan hệ Quốc tế Thời Ân Hoằng thuộc ĐH Nhân dân (Bắc Kinh) nhận xét: “Quad cung cấp cho Mỹ cùng đồng minh một khuôn khổ đa phương để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng hướng mở rộng chính của Quad là từ Anh và một số thành viên NATO khác. Các nước Đông Nam Á không muốn tham gia vì hiểu rõ hệ quả nếu vướng vào đối đầu Mỹ - Trung, họ cũng đủ khả năng giữ vai trò độc lập”.

Trong khi đó, một giáo sư Quan hệ Quốc tế khác là Đường Hiểu Dương thuộc ĐH Thanh Hoa lo lắng Quad sẽ lập nên một vòng vây địa chính trị từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Vị này cho rằng các thành viên liên minh tình báo Five Eyes như Anh, Canada, New Zealand sẽ có hứng thú gia nhập.

 

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lo sợ Hàn Quốc gia nhập Quad