Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nhưng giới phân tích tỏ ý nghi ngờ khả năng hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

Trung Quốc không còn đủ sức hỗ trợ các dự án BRI

Cẩm Bình | 25/11/2020, 16:30

Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Nhưng giới phân tích tỏ ý nghi ngờ khả năng hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ phối hợp chính sách, quy định và tiêu chuẩn chặt chẽ hơn nữa với các đối tác BRI, tăng cường hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp, thương mại, đổi mới khoa học - công nghệ, y tế công và trao đổi con người”, Chủ tịch Tập phát biểu tại hội nghị cấp cao APEC.

BRI từ năm 2013 đến nay thu hút hơn 70 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu lẫn châu Phi bằng hàng loạt dự án đường sắt, đường bộ hay cảng biển. Chính quyền Bắc Kinh muốn thông qua kết nối khu vực và hợp tác kinh tế mở rộng ảnh hưởng.

Tuy nhiên hiện nay kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại cộng thêm áp lực nợ gia tăng do đại dịch COVID-19. Giới phân tích nhận định dù không từ bỏ việc hỗ trợ BRI, nước này sẽ buộc phải cắt giảm các khoản cho vay.

Không có số liệu chính thức về tổng số tiền cho vay lẫn đầu tư vào BRI, nhưng nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv xác định giá trị của các dự án trong khuôn khổ sáng kiến tính đến quý 1.2020 vượt qua mốc 4.000 tỷ USD. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính từ 2013 - 2018, dự án BRI ở 50 quốc gia đang phát triển nhận khoảng 500 tỷ USD – trong đó 300 tỷ USD được tài trợ qua hình thức nợ công hoặc nợ có bảo đảm.

Theo Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế (IIF), nợ doanh nghiệp phi tài chính tại Trung Quốc tăng từ 150% GDP (quý 3.2019) lên hơn 165% (quý 3.2020) – vượt xa mọi nền kinh tế đang phát triển lẫn nền kinh tế phát triển.

Nếu tính cả nợ của hộ gia đình cùng nợ công, tỷ lệ nêu trên lên đến gần 290% GDP.

ce0170a3.jpg
BRI gặp nhiều lực cản - Ảnh: CGTN

Nhà kinh tế học Alicia Garcia-Herrero thuộc công ty tài chính Natixis cảnh báo: “Trung Quốc sẽ lựa chọn dự án hỗ trợ tài chính kỹ càng hơn. Quốc gia BRI đang có dự án hạ tầng quan trọng và chìm trong nợ nần vì chúng có thể không tìm được nguồn thay thế để tiếp tục triển khai”.

Tập đoàn tín dụng Euler Hermes tính toán một khi Trung Quốc giảm dần hỗ trợ, 10 quốc gia châu Phi và Mỹ Latin hưởng lợi nhờ tham gia mạnh mẽ BRI một thập kỷ qua - gồm Argentina, Brazil, Ecuador, Angola, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Kenya, Nam Phi và Zambia - sẽ thiếu hụt 47 tỷ USD vào năm 2025.

Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ ra rằng trong 9 tháng của năm 2020, số lượng hợp đồng mới mà nước này ký với 61 quốc gia tham gia BRI giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay trước lúc dịch bệnh bùng phát thì hai đơn vị cung cấp tài chính hàng đầu là ngân hàng Phát triển Trung Quốc và ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc đều bắt đầu cắt giảm các khoản cho vay (do làn sóng chỉ trích từ nước vay tiền, lo ngại cán cân thanh toán mất cân bằng).

Chuyên gia Agatha Kratz thuộc công ty tư vấn Rhodium Group nhận xét ngân hàng Phát triển Trung Quốc sắp tới không muốn thúc đẩy tăng vay nước ngoài vì họ phải thực hiện mục tiêu tiếp sức cho thị trường trong nước. Một lý do khác là làn sóng yêu cầu đàm phán lại những điều khoản dự án của nhiều quốc gia BRI.

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không còn đủ sức hỗ trợ các dự án BRI