Giá xăng dầu tăng cao khiến đời sống và các hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội đang gặp khó.

Trăn trở chuyện giá xăng dầu

Trần Khải | 17/07/2022, 21:52

Giá xăng dầu tăng cao khiến đời sống và các hoạt động sản xuất kinh doanh trong xã hội đang gặp khó.

Không dám chạy xe, bơm nước vì giá xăng dầu cao

Chưa bao giờ giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, trước đây từng có thời điểm xăng dầu tăng cao lắm cũng chỉ khoảng 25.000 đồng/lít là người dân, doanh nghiệp lại nháo nhào. Giờ tăng lên 30.000 đồng/lít thì cuộc sống, sinh hoạt của người dân, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp như bị xáo trộn. Hễ muốn đi đâu, làm gì, muốn ăn uống gì thì họ cũng cân nhắc chứ chẳng dám “xả lán” như xưa.

xang-2.jpg
Xăng dầu tăng cao, nhiều phương tiện vận tại thêm gánh nặng

Ngồi lọt thỏm bên hiên nhà, ông Hoàng (ngụ TP.Cà Mau) trầm tư nghĩ về những chiến hữu hay ngồi đánh cờ tướng cùng ông mỗi khi bình minh lên. Sau những đợt xăng dầu tăng giá liên tục, ông Hoàng bấm bụng đành cất con Wave Tàu trong góc nhà. Thấy ông Hoàng buồn bã, không đi uống trà, đánh cờ tướng vào mỗi bữa sớm, nên con ông thấy làm lạ, lân la hỏi mãi mới biết ông tiếc tiền xăng.

“Ngày xưa đổ xăng tầm 50.000 đồng là xe tao chạy cả tuần, tha hồ mà đi uống trà, đánh cờ tướng với mấy lão già tuổi thất tuần. Giờ ngán quá con ơi, xăng gì mà tăng cao quá, khiến cuộc sống của lão bị xáo trộn. Những thú vui không cần thiết thì lão hạn chế, biết là tiền của con cái cho, nhưng phải sử dụng cho hợp lý cháu à”, ông Hoàng trầm tư.

Rít vội điếu thuốc lá, miệng phì phèo khói, ông Hoàng phân tích, xăng dầu tăng cao, kéo theo các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng. Ngặt nỗi, khi xăng dầu giảm vài nghìn đồng thì những mặt hàng này chả thấy ai giảm. Trong khi đó, các sản phẩm của nông dân sản xuất cung cấp ra thị trường như lúa gạo, tôm, cua, cá… chẳng thấy tăng. Trái lại, nguồn vật tư cung cấp cho nông dân như phân bón, thuốc, thức ăn chăn nuôi… cũng tăng giá.

“Xăng dầu tăng khiến các mặt hàng khác cũng đua nhau “nhảy múa” chỉ khổ cho người nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối, làm lụng vất vả để có được hạt lúa, con cua, con tôm. Vậy mà, chẳng có lãi cao, xót thiệt”, ông Hoàng chua chát nói.

Cả tuần nay, miền Tây nắng ít mưa nhiều khiến cho mực nước tại các sông, rạch tăng cao. Do ảnh hưởng của giông lốc, nhiều nhà dân ở các địa phương ven biển của Cà Mau bị ngập, tốc mái. Cùng với đó, hiện nay nhiều địa phương như TP.Cà Mau và huyện Trần Văn Thời, Cái Nước đang vào mùa tháo nước vuông tôm để rửa phèn mặn chuẩn bị sạ lúa. Thế nhưng, mưa nhiều làm vuông tôm ngập nước, nhưng nhiều nông dân tiếc tiền cũng chẳng dám mua xăng dầu để bơm nước ra bên ngoài vì sợ…bơm khô rồi mưa đầy nữa thì phí tiền của.

xang-3.jpg
Giá xăng ở thời điểm hiện tại tuy có giảm nhưng vẫn còn cao

Nhìn vuông tôm đã tháo khô nước để phơi đầm từ tuần trước, nhưng chỉ sau vài ngày mưa giông tầm tã vuông tôm đã đầy nước trắng đồng, ông Diệp (ngụ TP.Cà Mau) lắc đầu: “Tuần rồi định tháo khô vài hôm nữa thuốc cá bán cho thương lái rồi phơi đầm sạ lúa. Nào ngờ trận mưa mấy ngày qua khiến cho vuông ngập nặng, giờ cũng chẳng dám mua dầu bể bơm nước ra vì lo sơ sẽ mưa ngập nữa nên đành chờ. Xăng dầu cao quá khiến cho nông dân chúng tôi tiếc tiền, lo bán cá không bù đủ tiền dầu. Chưa bao giờ giá xăng dầu tăng cao như hiện nay”.

Ngư dân, doanh nghiệp e ngại

Xăng dầu tăng cao khiến cho chi phí hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân cũng “đội” lên cao hơn trước. Theo một ngư dân ở cửa biển Rạch Gốc, cứ một chuyến biển từ 7 – 10 ngày là họ hao tốn từ hơn 100 triệu đồng dành cho nhiên liệu. Dù ngại vươn khơi vì giá xăng dầu cao nhưng với những người làm nghề khai thác hải sản trên biển thì họ vẫn phải ra biển để đánh bắt. Vì đó là nghề nghiệp của họ, giờ vào bờ cũng chẳng biết làm gì.

“Giờ cứ mỗi chuyến vươn khơi vài ngày khi cập bến phải bán được hơn 100 triệu đồng thì mới có lãi, chứ dưới 100 triệu thì xem như chuyến đó thua lỗ. Mong sao nhà nước sớm có biện pháp can thiệp làm hạ nhiệt giá xăng dầu để những chuyến biển ra khơi của chúng tôi giảm bớt gánh nặng về nhiên liệu”, một ngư dân ở cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh mong muốn thư thế.

Toàn huyện U Minh hiện có 888 phương tiện khai thác thủy sản lớn, nhỏ đang hoạt động khai thác thủy sản biển với 3.857 thuyền viên. Trong đó đội tàu đánh bắt xa bờ 232/888 phương tiện.

Ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh đánh giá, nhìn chung giá xăng, dầu tăng trong thời gian vừa qua là do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã có nhiều lần điều chỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản, làm tăng chi phí chuyến biển nhất là đội tàu khai thác xa bờ. Đồng thời, ảnh hưởng một phần đến các chuỗi hoạt động khai thác, đánh bắt, bảo quản, chế biển, vận chuyển sản phẫm thủy sản.

xang-1.jpg
Ngư dân chịu nhiều áp lực bởi giá xăng dầu cao

“Đối với các loại nghề như, câu mực, câu mồi, lưới rê chi phí tăng từ 12 đến 40 triệu đồng, riêng nghề lưới kéo và nghề dịch vụ hậu cần chi phí tăng từ 50 đến 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, tình hình giá một số mặt hàng thủy sản khai thác không tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của người dân, từ đó lợi nhuận đem lại cho ngư dân thấp hơn đáng kể so với thời gian trước”, ông Thịnh cho biết.

Theo vị lãnh đạo UBND huyện U Minh, ở thời điểm hiện tại, tình hình sản xuất, khai thác biển của ngư dân vẫn tạm ổn định. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng mạnh như hiện nay đang gây áp lực rất lớn đến những ngư dân hành khai thác hải sản và những nghề khác có liên quan, nhất là nhóm nghề lưới kéo do chi phí cao.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Thịnh cho hay, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan, UBND các xã ven biển, các chủ tàu theo dõi, nắm thông tin và báo cáo kịp thời tình hình hoạt động sản xuất của ngư dân trên địa bàn huyện do ảnh hưởng của giá xăng, dầu tăng. Khuyến cáo người dân, theo dõi sát tình hình, an tâm sản xuất, xử lý đúng tình huống, không nóng vội, tránh bị lợi dụng. Phối hợp với Chi cục Thủy sản triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nắm bắt thời tiết thông báo ngư trường cho ngư dân.

“Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, kịp thời phát hiện tình trạng găm hàng, tăng giá, mua bán hàng giả, hàng lậu... nhất là đối với xăng dầu”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Nhắc tới xăng dầu, ông T. một nhà thầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Cà Mau, Bạc Liêu lắc đầu, đầu năm tham gia đấu thầu thì giá xăng dầu chỉ có 17.000 – 18.000 đồng. Đến khi ký hợp đồng và bắt tay vào việc thì giá xăng dầu đồng loạt tăng phi mã nhưng vẫn phải làm và căn cứ theo đơn giá ký kết với chủ đầu tư thì ở thời điểm hiện tại nhà thầu phải chịu lỗ gần 50%.

Áp lực do ảnh hưởng của giá xăng dầu suốt nhiều tháng qua đã khiến cho đời sống, xã hội của người dân như bị xáo trộn. Mọi khâu sinh hoạt đều trở nên khó khăn hơn. Với việc xăng dầu tăng giá thì ngư dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh là người chịu nhiều áp lực nhất. Nếu cứ giữ giá như thời điểm hiện nay, chẳng biết thời gian tới sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuyên bố phá sản.

Mong rằng, các cơ quan có trách nhiệm sớm có biện pháp hợp lý để bình ổn thị trường xăng dầu, giúp cho người dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh an tâm sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở chuyện giá xăng dầu