Bị cáo Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) bị tuyên phạt mức án 15 năm tù.

Nhận hối lộ của ‘trùm’ buôn lậu, cựu tướng cảnh sát biển lĩnh án 15 năm tù

Nhã Thanh | 15/07/2022, 21:14

Bị cáo Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) bị tuyên phạt mức án 15 năm tù.

Chiều 15.7, sau thời gian xét xử dài ngày và nghị án, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã đưa ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án “buôn lậu”, “nhận hối lộ”, "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” liên quan đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng.

HĐXX nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn, uy tín của các cơ quan, tổ chức...

Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) mức án 15 năm tù, bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) lĩnh án 12 năm tù, bị cáo Phạm Văn Trên (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) nhận 10 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Cùng tội danh trên, 8 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

buon-lau-xang-dau-2-.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) bị tuyên phạt mức án chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chịu là tù chung thân.

Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu trưởng phòng xăng dầu Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) lĩnh án 7 năm tù về tội “Buôn lậu”. Bị cáo Cao Phước Hoài (lao động tự do, trú tại Bình Định) bị phạt 6 tháng 21 ngày tù về tội “Không tố giác tội phạm”.

Ngoài hình phạt tù, HĐXX cũng tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính.

Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư của bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Kiên Giang, cựu Phó chánh Văn phòng, thuộc Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Cụ thể, bào chữa cho thân chủ của mình là bị cáo Nguyễn Thế Anh, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng trong giai đoạn từ tháng 10.2019 – 1.2021, các vị trí, chức vụ của ông Nguyễn Thế Anh không có chức năng, nhiệm vụ chống tội phạm, không liên quan hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh), mà chỉ được giao nắm bắt thông tin, giúp việc, đề xuất văn bản hoạt động cho các cơ quan này.

Do đó, luật sư Cường cho rằng cáo trạng của VKS cáo buộc thân chủ của mình có chức vụ trong phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu nhưng không thực hiện, để cho Phan Thanh Hữu thực hiện hành vi buôn lậu, là không có căn cứ.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, bị cáo Nguyễn Thế Anh đã khẳng định tại tòa không vi phạm kỷ luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Ngược lại, bị cáo Nguyễn Thế Anh có nhiều thành tích trong phòng chống tội phạm...

Về hành vi nhận tiền hối lộ để bảo kê hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu, luật sư Cường cho hay do không có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp liên quan tới hoạt động này nên không thể cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh tội “Nhận hối lộ” vì thân chủ của ông không làm theo yêu cầu nào của Phan Thanh Hữu.

hdxx.jpg
Vụ án được HĐXX Tòa án Quân sự quân khu 7 đưa ra xét xử 

Bao che cho hoạt động buôn lậu

Theo hồ sơ vụ án, sau khi quen biết, lợi dụng ảnh hưởng của ông Phùng Danh Thoại đối với lực lượng Cảnh sát biển, để thuận lợi việc buôn lậu xăng, Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương, Hải Phòng) đã nhiều lần rủ ông Thoại góp vốn cùng mình và Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh) để kinh doanh xăng dầu.

Thoại sau đó đã chuyển cho Viễn 5 tỉ đồng để góp vốn kinh doanh xăng dầu. Cơ quan chức năng xác định bị cáo Thoại đã tham gia buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị gần 2.800 tỉ đồng, thu lợi tổng số tiền hơn 22 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định hành vi của Phùng Danh Thoại đã đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu, với vai trò đồng phạm với Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn...

Bị cáo Nguyễn Thế Anh với các cương vị là Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đều có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng.

Nhưng theo VKS, vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ để bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu, Thế Anh đã đồng ý và nhận hối lộ của Hữu với số tiền 6,2 tỉ đồng và 560.000 USD.

Thế Anh đã nhờ bị cáo Nguyễn Văn An (em họ của Thế Anh) đi nhận tiền hộ từ Hữu. Mặc dù nhận thức rõ việc Hữu chi tiền là đưa hối lộ cho Thế Anh để giúp đỡ việc làm ăn phi pháp, nhưng An vẫn cố ý thực hiện hành vi giúp Thế Anh nhận tiền hối lộ của Hữu trong một thời gian dài.

Bài liên quan
Hàng loạt cựu tướng, tá cảnh sát biển nhận hối lộ trong vụ buôn lậu xăng dầu
Ngày 12.7, Tòa án quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “nhận hối lộ”... liên quan nhiều cựu sĩ quan cảnh sát biển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận hối lộ của ‘trùm’ buôn lậu, cựu tướng cảnh sát biển lĩnh án 15 năm tù