Nhà văn Trần Thiện Đạo vừa qua đời tại Pháp. Ông sinh ra ở Sài Gòn Gia Định. Và cốt cách Nam bộ chất phác, tự tin, hào sảng đó đã theo ông suốt đời dù dịch giả đã định cư tại Paris hơn nửa thế kỷ. Là người yêu tri thức, cái đẹp, kết nối những vùng miền văn hóa, những trang viết ông để lại như cứ liệu quan trọng cho sứ mệnh văn học "lửa cuộc sống" và "không thể mất"...

Trần Thiện Đạo, một người Sài Gòn đã mất

11/12/2017, 20:37

Nhà văn Trần Thiện Đạo vừa qua đời tại Pháp. Ông sinh ra ở Sài Gòn Gia Định. Và cốt cách Nam bộ chất phác, tự tin, hào sảng đó đã theo ông suốt đời dù dịch giả đã định cư tại Paris hơn nửa thế kỷ. Là người yêu tri thức, cái đẹp, kết nối những vùng miền văn hóa, những trang viết ông để lại như cứ liệu quan trọng cho sứ mệnh văn học "lửa cuộc sống" và "không thể mất"...

Nhà văn Trần Thiện Đạo và Nguyễn Hữu Hồng Minh tại Pháp

1. Tôi gọi nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo là Anh, nghĩ ra có vẻ gì bất lễ. Bởi anh sinh năm 1933. Tuy nhiên không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em trẻ cũng được phép gọi anh như vậy! Mà thực ra, tôi cảm thấy anh Đạo thú vị khi được gọi như thế vì như anh trẻ ra, sung độ. Với rõ ràng văn chương, nghệ thuật hoàn toàn không có khoảng cách, biên giới. Một tác phẩm có giá trị thì đọc bây giờ hay mai sau vẫn thế! Một nhà văn kiệt xuất dường như gần với tuổi trẻ.

Mà văn học là vậy. Tôi nhận ra một điều nó quan trọng với tuổi trẻ hơn là với tuổi già. Chắc có lẽ cuộc đời luôn lầm lỗi và tuổi trẻ thì còn có dịp, còn thời gian để sửa chữa "sai lầm" chăng? Ý nghĩa lớn nhất của tác phẩm có lẽ nằm ở chỗ ấy!

Bây giờ hồi tưởng lại những kỷ niệm với anh Trần Thiện Đạo, tôi chỉ nhớ một thứ. Đó là cách anh nói với tôi về tình dục và tình yêu.-"Minh, tôi nghĩ cần phải yêu! Đó là cách con người hơn con vật. Còn không cảm xúc gì cứ dúi vào nhau. Chán lắm! Tôi tuyệt đối không làm được!...".

Một nhà văn khao khát yêu có nghĩa là khao khát viết, khao khát sống. Và cháy mãnh liệt. Trần Thiện Đạo "chịu chơi" như vậy. Cho đến khi tôi nhìn thấy tấm hình anh trên giường bệnh, nhỏ thó, teo tóp, chỉ còn một nhúm xương trên facebook anh Ngô Tự Lập tôi đã trào nước mắt. Còn đâu hình ảnh một ông anh cao lớn, dẻo dai, tràn đầy sinh lực dù đã có tuổi. Anh đã sống, đã viết, đã chân tình, đã sống đến cạn kiệt. Đến không còn phốt-pho để cháy nữa! Cháy cạn kiệt. Để tắt hẳn không dư thừa. Không luyến tiếc. Tuyệt vời lắm anh Đạo!

Nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo thời trẻ - Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp

2. Anh Đạo là một người yêu công việc viết nhưng không nghĩ mình là một nhà văn. Anh thích đọc và dịch. Giới thiệu những cái hay, vẻ đẹp của văn chương, tri thức thế giới cho các bạn trẻ hay người yêu văn học cùng biết, tận hưởng. Anh thích "uống nước tận nguồn" nên chịu khó khai phá các mạch ngầm. Hàng loạt những tác giả lừng lẫy, tiêu biểu cho văn chương Pháp và thế giới một thời đều "qua tay" anh để có thể đến với bạn đọc Việt như Saint Exupéry Cậu Hoàng con (Le petit prince), Albert Camus với nhiều cuốn Tiểu luận, Giao cảm (Noces) Bề trái và bề mặt (L envers et l endroit), Sa đọa (La chute), Jean-Paul Sartre với Kín cửa (Huis Clos), Alain Robbe-Grillet Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới (Pour un nouveau roman), Jean Bruller Im lặng của biển cả (Le silence de la mer), Voltaire Zadig, George Sand Ao quỷ (La mare au diable)… và rất nhiều tiểu luận, bài dịch rải rác của nhiều tác giả danh tiếng khác.

Những tác phẩm đó sau này cũng có nhiều dịch giả khác như không thể có văn phong Nam bộ bằng anh, phong cách duyên dáng như anh. Bởi họ thường "diễn", "tuồng chữ", làm "bộ tịch (chữ anh Đạo) còn anh thì không. Anh chỉ đơn thuần là người chuyển ngữ. Càng chính xác, càng dễ hiểu càng tốt. Ví như cuốn Le petit prince của Saint Exupéry. Dịch Hoàng tử bé nghe phê, nhưng đã làm chữ còn Cậu hoàng con thì chất phác, đúng kiểu miền Nam. Theo thông tin của dịch giả Nguyễn Đình Thành, anh còn là tác giả cuốn sách bằng tiếng Pháp về Luật bảo hiểm, một khảo luận văn học bằng tiếng Anh (The stream of consciousness in Virginia Woolf s novels). Một số tác phẩm gồm dịch thuật, tiểu luận và phê bình bằng tiếng Việt như Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, Văn học phương Tây - lý luận, phê bình và dịch thuật cùng vài ba cuốn khác in ở trong nước sau năm 1994.

Anh từng viết một bài "Thư gửi Nguyễn Hữu Hồng Minh từ Paris" trao đổi về tập thơ Chất trụ của tôi in năm 2002 để giới thiệu trên báo Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam. Sau đó bài viết này còn được anh đưa vào cuốn tiểu luận phê bình Văn nghệ những nụ cười giòn (Nxb. Hội Nhà Văn 2004). Nhiều thông tin về thơ thế giới và thơ trẻ Việt Nam anh khảo sát đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Văn chương quan trọng với tuổi trẻ hơn tuổi già. Có lẽ vì cuộc đời luôn lầm lỗi...

3. Cái hay của chữ nghĩa Trần Thiện Đạo còn ở chỗ tuy nghiêm cẩn trong viết và dịch thuật nhưng anh rất nhẹ nhàng. Thậm chí trào lộng, giễu cợt. Chẳng bao giờ quan trọng hay trầm trọng hóa vấn đề. Còn nhớ một thời gian không hiểu sao trong nước trỗi lên một quan niệm dịch thuật khá to tát, giật gân "Dịch giả chính (hay phải) là đồng tác giả". Đúng sai của quan niệm này có lẽ phải còn bàn cãi nhiều nhưng như có vẻ "cái Tôi" của người dịch lớn quá, đề cao quá. Hơn chính cả ngưới viết, là tác giả.

Tôi luôn nghĩ giữa tác giả và dịch giả nếu cần, phải đề cao tác giả, là người sáng tạo ra tác phẩm. Vì thế, tối thấy cách làm việc cũng như cách nghĩ của anh Trần Thiện Đạo là gần gũi, là thoáng đạt, khoa học nhất. Đề cao tính chân thiện mỹ. Anh chẳng bao giờ khụng khiệng, phách vẻ một cách buồn cười kiểu đòi hỏi "dịch giả phải là đồng tác giả" bao giờ! bao giờ! Ai lại mua dây buộc mình vào một "ca khó" như thế! Với anh, dịch thuật là một công việc yêu thích và trung thành.

Một lần anh cho biết: “Theo tôi, người dịch phải thông thạo ngoại ngữ mình phiên dịch chứ không chỉ biết nó là đủ, đồng thời cần hiểu tác giả và tư tưởng của tác giả. Trong quá trình dịch, phải tôn trọng văn phong của tác giả và đảm bảo độ chính xác...". Và anh kể một minh chứng khá quan trọng và sống động: Như một lần tôi dịch tác phẩm của Camus. Camus có thời viết lủng củng, tôi cũng dịch lủng củng như thế. Phía dưới tôi có chú thích rằng đó chính là văn phong của tác giả. (Thể Thao Văn Hóa, 1.2007).

Chê Albert Camus "viết lủng củng" và tôi cũng "dịch lủng củng như thế" có lẽ chưa có ai trong giới dịch giả Việt Nam dám nói và dám làm như vậy!

Dịch giả Trần Thiện Đạo bên tượng của nhà văn Camus

4. Cũng từ cách nhìn nghiêm quyết "Dịch phải tôn trọng văn phong tác giả và bảo đảm độ chính xác", Trần Thiện Đạo là người đã có ý kiến về bản dịch Văn học là gì? của Jean-Paul Sartre do nhà văn Nguyên Ngọc dịch

Theo anh, Nguyên Ngọc đã bỏ một chương và nhiều đoạn tối trọng của văn bản này. Và điều đó là phản khoa học, phản tri thức. Từ Pháp về, trong một lần gặp gỡ, tôi có gặp nhà văn Nguyên Ngọc để trao đổi với ông những điều gửi từ Trần Thiện Đạo. Nhà văn Nguyên Ngọc đồng ý là đã bỏ đi một số đoạn trong cuốn sách và nói đại ý rằng "Tình hình mình (chỉ thực tại) như thế thì chỉ có thể dịch như thế! Phải chờ một môi trường cởi mở hơn mới giới thiệu nguyên bản cuốn sách của Jean-Paul Sartre được". Đó cũng là cách làm văn hóa của ông Nguyên Ngọc. Nhưng tôi cảm thấy xa lạ với cách tiếp cận tri thức như thế. Đặc biệt khi đi quá xa văn bản. Đó là sự phản bội. Dịch thuật thấy khó là vậy!

Trần Thiện Đạo còn lên tiếng về nhiều vấn đề, nhiều bản dịch nữa. Đặc biệt là dịch thơ. Anh đã mất lòng bạn bè không ít về việc thẳng thắn này. Anh có kể cho tôi nghe câu chuyện một dịch giả trong nước, nhân dịp qua Paris đã ghé thăm và tặng bản dịch Tuyển tập Thơ Yves Bonnafoy, một thi sĩ có vị trí quan trọng trong thơ hiện đại Pháp nhờ anh góp ý thẳng thắn. Anh nhận lời, đọc thấy sai sót nhiều quá! Anh chân thành góp ý. Nhưng dịch giả kia quá sốc. Ông ta đã xin lại tập thơ rồi bỏ đi thẳng không một lần trở lại. Dịch thuật khó khăn và đầy hiểm trở như vậy!

Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà văn Trần Thiện Đạo, Ngô Tự Lập - Hà Nội 2004

5. Khi viết những dòng này về anh Đạo tôi bỗng nhớ lại hình dung những ngày cuối ở trần thế buồn thế nào! Được con dâu anh, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Thuỵ Phương báo tin: "Bố đang ở nấc thang cuối bên kia con dốc" cũng gần cả tháng. Buồn thương lạ!

Rồi anh mất sáng Chủ nhật, 26.11.2017. Trời Sài gòn biêng biếc xanh xao. Tiễn anh. Nhớ một con người phiêu du của Sài gòn đúng chất. Mà kỳ lạ, ngay lúc đó tôi đã viết một vài dòng post lên facebook tiễn anh nhưng không rõ sao mất tích, chẳng hiện lên. Phải chăng anh vẫn lưu luyến trần gian này, anh không muốn em đưa tin anh mất, anh Trần Thiện Đạo ơi!?...

Lại nhớ nước Pháp. Nhà anh là một trạm trung chuyển. Trong chuyến đi đọc thơ ở nước Đức do trung tâm LiteraturWerkstatt và viện Goethe mời, cùng nhà thơ Tô Thùy Yên (Mỹ), sau đó từ Berlin tôi đã lên tàu đến Paris. Trời tháng mười một cuối năm rét run. Lạc loằng ngoằng giữa hàng trăm cung đường, toa tàu lạ. Rồi nhớ cái sơ đồ anh chỉ. "Ông đừng quan tâm cái nhà ga dọc ngang của nó. Cứ đi thế này. Xuống ga hỏi ra cửa này. Rồi bao trăm mét rẽ trái. Đi tiếp. Khoảng bao trăm mét rẽ phải. Đi thẳng. Gặp cái biển ghi số hiệu thế này thì vòng qua nó. Rẽ trái. Rẽ phải. Vòng tròn. Thấy một toa tàu hỏng đi tuốt xuống dưới. Tôi sẽ đón ông ở ngã ba, chặng cuối cùng, toa cuối cùng...". Cứ nhắm mắt mà đi theo chỉ dẫn mơ hồ nghi hoặc như thế tôi đã thấy Trần Thiện Đạo đón tôi ở ngay vị trí đó. Paris và nước Pháp chào đón tôi nửa khuya như vậy!...

Bất ngờ hơn nữa trong thời gian lưu trú ngắn ngủi tại Pháp, tôi đã gặp ở nhà anh các gương mặt trí thức trẻ, đầy tài năng từ Việt Nam qua hay đang ở trên đất Pháp.. Đó là các dịch giả Cao Việt Dũng, Nguyễn Đình Thành, TS Nguyễn Duy Bình, nhà thơ họa sĩ Ly Hoàng Ly, nhà văn Thuận, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương sau này là con dâu anh...Cái thư phòng đó gần như không có ngày nào vắng khách văn. Đặc biệt các nghiên cứu sinh đang làm các luận án văn chương, khoa học nhân văn... Anh Đạo hướng dẫn các bạn các nguồn tài liệu, tiếp đón họ hết sức cởi mở, chân tình.

Cảm giác rõ nét nhất đầu tiên tôi nhận ra ở anh Trần Thiện Đạo là dân Sài Gòn và sự chân tình. Anh nói anh sinh ra lớn lên tại Gia Định. Thêm một người nữa tôi biết cũng là dân Gia Định là thi sĩ Tô Thuỳ Yên. Tại sao Gia Định quan trọng như vậy!? Bởi cái gốc gác đó khẳng định tính "nội địa, là bản nguyên. Nó chưa từng phai hay pha tạp. Là "Sài gòn rin". Cái nữa, văn hoá và đời sống Pháp đã kết cấu lên một con người, một tâm hồn Trần Thiện Đạo bặt thiệp, trẻ trung và ga-lăng.

Điều này hình như cũng để lại cho chính anh nhiều giai thoại hết sức phiền toái. Và nữa, sự phong độ, dẻo dai, không có tuổi tác. Nhìn anh biện luận, nói chuyện như một thanh-niên-có-tuổi chứ không phải một ông già. Đó là chỗ anh và chúng tôi rất hợp "rơ" xoá tan mọi biên giới, tuổi tác! Những ngày cùng anh lang thang Paris khám phá hàng quán, bảo tàng, bia mộ cổ, những đêm cuốc bộ xá ròng rã với anh. Qua anh giới thiệu để tôi được gặp gỡ và được chơi cùng các anh chị Thuỵ Khuê, Cổ Ngư, Trần Vũ, Nguyễn Mạnh Tiên, Võ Văn Thận, Nguyễn Thiên Đạo... cùng nhiều gương mặt văn nghệ sĩ khác ở Pháp...

Kỷ niệm với anh Đạo tôi không thể kể hết được. Nhớ quá và rưng rưng. Bởi lẽ qua anh tôi thấy nhiều mặt của một vấn đề và cuộc sống vốn bỉ thực, trụi trần chứ không phải lơ mơ lãng mạn như một tên thi sĩ cóc ké là tôi hằng tưởng.

Nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh - Hà Nội, 2002

6. Trong nhiều lần gặp nhau khi ở Pháp lúc ở Việt Nam, tôi đã soạn một tiểu sử Trần Thiện Đạo và đã đưa anh xem lại. Anh có chỉnh sửa, bổ sung, thống nhất và cho phép tôi đưa lên website sáng tạo nghệ thuật cá nhân. Tôi xin giới thiệu cùng bạn:

"Nhà phê bình - dịch thuật Trần Thiện - Đạo sinh 1933, sống và làm việc tại Paris, Pháp. Ông là người Sài Gòn gốc Gia Định. Sang Pháp cùng một người chị từ bé.

Dịch giả là người tham gia sinh hoạt văn học trong nước, cụ thể ở đây là Sài Gòn trước 1975, từ bên ngoài Tổ quốc bằng sự say mê đặc biệt. Với nhiều tư liệu văn chương từ Pháp lúc bấy giờ, ông muốn cung cấp những thông tin tri thức nghệ thuật "đầu nguồn" cho bạn đọc yêu văn chương thi ca. Tình yêu đó đến nay vẫn là ngọn lửa cháy đượm mê say trong ông.

Ngoài cái tên Trần Thiện - Đạo, ông còn có bút hiệu khác là Trần Mai Lan, Mõ Làng Văn (tên chung với nhiều nhà văn) và nhiều bút danh khác. Từng là một trong những cây bút chính của Tạp chí Văn (tạp chí xuất hiện từ 1964-1975). Tạp chí này là một bán nguyệt san văn học có vị trí khá quan trọng trong sinh hoạt văn học miền Nam tại Sài Gòn.

Trần Thiện - Đạo đã dịch nhiều tác phẩm quan trọng của các tác giả văn học hiện sinh như Albert Camus, Jean Paul Sartre và nhiều tác giả khác. ..đồng thời ông cũng viết nhiều tiểu luận, phê bình rất sắc sảo.

Nhớ lại thời làm báo Văn, ông cho biết: “Tạp chí Văn thu hút mọi đường hướng văn học, không phân biệt nhờ “tinh thần trung lập và thái độ cởi mở, nhắm tới thành phần độc giả ham đọc, hiếu học và ưa suy nghĩ, tiêu chí mà ban biên tập đã tự mình đặt ra ngay từ đầu. Vì thế nên có rất nhiều độc giả. Làm nên tờ Văn là anh Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao hơn là tôi. Nhiệm vụ chính của tôi là lo một vài số đặc biệt về nhà văn này hay nhà văn khác, và cũng chuyên về các nhà văn Tây Âu...”.

Nguyễn Thụy Phương, Gilles Tran, Nguyễn Hữu Hồng Minh làm phim họa sĩ Thái Tuấn (1918 - 2007) và giáo dục Pháp tại Việt Nam thời thuộc địa. Những thước phim quý được quay không lâu trước ngày ông mất

7. Những dòng cuối cho bài viết muộn màng về anh Trần Thiện Đạo, tôi muốn gửi đến Gilles Tran và Phương. Gilles Tran là con trai anh Đạo, một kỹ sư nông học đồng thời là một họa sĩ vẽ tranh 3D. Tôi đã từng làm việc với gallery Mai ở Sài Gòn để tổ chức một triển lãm cá nhân tranh Gilles Tran vào năm 2007. Triển lãm rất thành công, báo chí viết bài ghi nhận nhiều vì đây cũng là lần đầu tiên người yêu tranh Sài Gòn tiếp cận được thế giới tranh siêu thực vẽ từ kỹ thuật đồ họa máy tính. Gilles Tran cũng đã vẽ tặng Nguyệt Phạm hai tác phẩm "Trái táo ốc vít" rất đẹp để họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông thiết kế trình bày bìa tập thơ Mắt giấy (2008) rất ấn tượng.

Còn với nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Thụy Phương? Hình như nhớ Phương tôi đã thấy kỷ niệm về cái tủ sách đồ sộ của anh Trần Thiện Đạo. Một buổi sáng còn ở Pháp, khi thức dậy, hai anh em nói chuyện trong phòng văn, nhìn cái giá sách quá lý tưởng, tôi buột miệng: -"Trời, anh tích lũy bao nhiêu tư liệu văn học, nghệ thuật Việt quý như thế! Nhưng rồi một mai trên đất Pháp này ai sẽ là người kế thừa?". Anh cười.lặng lẽ: "Cũng không biết! Chẳng biết có ai?...". Rồi anh bỗng quên ngay, nói sang chuyện khác, rất vui:"-Ờ, mà ngày xưa tôi đặt mua đầy đủ các số báo Văn, Bách Khoa... cũng như rất nhiều tác phẩm đấy! Rồi cũng phải chờ rất lâu. Từ Sài Gòn qua Pháp nhiều khi nhận được là cả tháng...".

Lúc ấy tôi chưa biết hai bạn Phương và Gilles Tran đang yêu nhau. Đó cũng điều bí mật tuyệt vời để cái giá sách đồ sộ trong thư phòng anh Đạo còn có hơi ấm của bàn tay mở. Và tôi nghĩ, đó cũng là mơ ước thầm lặng của anh Đạo trên đất Pháp.

Phòng văn của nhà văn dịch giả Trần Thiện Đạo, nơi đón tiếp nhiều bạn bè, trí thức văn nghệ ở Paris Pháp

Sau khi Gilles Tran và Phương cưới nhau, trong chuyến đầu tiên hai bạn trẻ cùng về Việt Nam, anh Đạo có viết thư cho tôi. Anh muốn tôi giúp Gilles Tran và Phương lúc đó đang muốn làm một phim tư liệu về nền giáo dục hay những thành tựu, dấu ấn của giáo dục Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa. Tôi đã liên lạc với trường Đại học Hoa Sen của giáo sư Bùi Trân Phượng để nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương có một buổi gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên.

Sau đó tôi kết nối, làm việc được với các hoạ sĩ Thái Tuấn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, TS Nguyễn Thị Oanh... những tri thức, nghệ sĩ có uy tín, là những gương mặt trí thức tiêu biểu chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp thời kỳ đó. Thật may mắn hai bạn đã được tiếp đón nồng hậu, chu đáo để quay lại những thước phim có giá trị về giáo dục một thời, những trả lời "người thật việc thật" cụ thể. Thời gian hoang phế đã phủ bụi bặm lên ký ức và tuổi tác. Tái hiện lại nền tảng kết cấu ưu việt, tươi đẹp của giáo dục một thời là mơ ước hy vọng của tương lai để đi tới. Có những người như họa sĩ Thái Tuấn đã mất không lâu sau phim tư liệu đó. Những thước phim quý giá.

Anh Đạo ơi, hôm nay, khi em viết những dòng này anh cũng đã mất. Có những quý báu và quý giá anh để lại cho văn học, cho cuộc đời, cho tình bạn vong niên không tuổi tác giữa chúng ta không thể nói hết!

Hai quyền lớn nhất của người Nghệ sĩ là phản kháng và hy vọng! Anh và em cũng nhiều lần nói đến chuyện này. Và trong mỗi trang viết chúng ta gửi gắm, thắp lên ít nhiều ánh lửa về ước mơ này!

Em nghĩ, bên kia thế giới, về mọi điều, Trần Thiện Đạo vẫn có quyền hy vọng!

Sài Gòn, rạng sáng 11.12.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Thiện Đạo, một người Sài Gòn đã mất