Kỷ niệm 60 năm của một trường đại học lớn từ các giai đoạn như Văn khoa, Đại học Tổng hợp đến Khoa học-Xã hội TP.HCM là một chặng đường dài nhiều kỷ niệm. Nhớ về một tờ báo được thực hiện thời sinh viên năm 1992 với các cây bút, bài báo đầu tiên là 'ký ức văn khoa' tươi đẹp.

Giao mùa trên giảng đường đầy cỏ dại...

09/12/2017, 14:49

Kỷ niệm 60 năm của một trường đại học lớn từ các giai đoạn như Văn khoa, Đại học Tổng hợp đến Khoa học-Xã hội TP.HCM là một chặng đường dài nhiều kỷ niệm. Nhớ về một tờ báo được thực hiện thời sinh viên năm 1992 với các cây bút, bài báo đầu tiên là 'ký ức văn khoa' tươi đẹp.

Thời sinh viên nhiều kỷ niệm khó quên - Ảnh: Internet

1.Trong cuộc đời đẹp nhất là tuổi trẻ. Và tuổi trẻ đẹp nhất là những tháng ngày đầu tiên bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Ngoảnh lại, tôi luôn nhớ những ngày tháng ấy. Tuy đã mất nhưng mãi đồng vọng khoảnh khắc giao mùa!

Thật thú vị khi Giao mùa cũng là tên mà chúng tôi, khóa tân sinh viên vào trường Đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1992 chọn làm tên tờ báo ra duy nhất một số của thế hệ mình.

Bây giờ sau độ lùi của gần 30 năm, tôi vẫn thấy nhớ như in những năm tháng khó khăn lớn lên cùng đất nước ấy. Chúng tôi là sinh viên thi đậu vào ĐHTH TP.HCM tập trung về học nhiều khoa như Lịch sử, Địa lý, Địa chất, Triết, Thư viện, Sinh, Ngoại ngữ… chứ không phải chỉ riêng Văn khoa. Nhưng tất nhiên khoa Văn bao giờ cũng chiếm số đông nhất - không chừng khóa đó là bằng sinh viên tất cả các khoa cộng lại. Tại sao sinh viên khoa Văn đông như thế thì không có cách lý giải. Có lẽ ngày ấy các ngành tốt nghiệp từ khoa này như Báo chí, Văn phòng… dễ kiếm được việc làm chăng? Và như thế nhiều tâm hồn trẻ tươi, thơ mộng xuất phát từ rất nhiều hoàn cảnh khác nhau từ nhiều miền đất nước đã về và gặp nhau ở sân Trường đại học Thủ Đức.

Đó là mùa hè năm 1992. Cũng là những năm cuối của thời bao cấp gạo châu củi quế. Tôi nhớ như vậy vì ký ức như vẫn còn miên man những ngày tháng đẹp với những con đường nở đầy hoa dại và khuôn viên Trường ĐHTH Thủ Đức tràn ngập cỏ biếc.

Phải nói chưa có một trường đại học nào có kiến trúc đẹp như thế ngày ấy. Và thật đáng tiếc là gần như bỏ hoang thời điểm đó. Thêm nữa điểm xuyết trên sân cỏ ngập là dê và bò. Gà và ngan ngỗng. Những vật nuôi của bác bảo vệ và người dân thả rông chạy nhảy khắp trường. Những con vật hoang dại và khoẻ khoắn. Còn nhớ trong giờ Triết học của thầy Lê Tử Thành, một con dê đực chạy lạc vào gườm gườm cặp mắt nâu nghiêng ngó. Cả lớp cười phá. Đôi mắt dê liêng liếc hiếu kỳ và trông ngố như tâm hồn tôi lần đầu soi vào logic học và triết lý Hy La cổ. Nó mới nghiêm nghị, đạo mạo, đài các như một triết lý, một từ mới, một thuật ngữ, như một chàng “vậy đó bỗng dưng mà họ lớn” khôi ngô và oanh liệt làm sao!

Phải nói cuộc sống phản chiếu mới mẻ và kỳ diệu, lấp lánh như một tấm gương sau cơn mưa bài giảng.

Bìa giai phẩm Giao mùa do sinh viên Đại học Tổng hợp thực hiện cuối năm 1992

2. Và vẫn hoài nghi trở đi trở lại một câu hỏi không ai có thể trả lời tại sao ngày ấy sân trường đại học đẹp như Thủ Đức lại bỏ hoang như một phế tích Hy La? Ngút ngàn trong sương mù, trong cỏ dại như vậy? Những hành lang dài ngái ngủ giữa cơn mưa chiều ảo mộng. Và cũng bằng sự hồn nhiên huy hoàng của tuổi trẻ chúng tôi đã đánh thức nó. Tôi nhớ vây giữa cỏ hoang chúng tôi đã nhóm lửa, cắm trại, ca hát và đọc thơ. Thoai thoải theo thung lũng ngược về Suối đá là những chuyến dã ngoại khám phá cùng dăm ba bạn bè sau một tuần học. Bơi lội hay câu cá. Tôi cũng một lần suýt chết trên cái hồ đá ấy vì không đoán được chiều sâu rộng ngút ngát của nó. Trên cái mặt hồ ngái ngủ tưởng êm đềm ấy là những hố thẳm không thể dò tới đáy. Sau này khi đã đi quá sâu vào công việc viết lách, làm nghệ thuật, tôi mới nhận ra một vết thương trong hồi tưởng. Có những giai đoạn tuổi trẻ chôn vùi trong cỏ dại và lau lách. Có những bài giảng kéo dài cho hết giờ hay miễn cưỡng minh họa. Thật uổng tiếc! Nhiều mơ ước nhưng không thể bay hết đường bay của nó. Như bản chất của đời sống vẫn thế!

3.Rồi giữa thiên nhiên bát ngát ấy, vào mùa Xuân đầu tiên của thời sinh viên chúng tôi đã háo hức cùng nhau làm báo. Phải nói cảm xúc đó thật bất ngờ, đưa đến trạng thái phấn chấn kỳ lạ. Bởi ngày ấy ra một số báo in là cực kỳ khó khăn, hoàn toàn không dễ dàng. Vậy mà chúng tôi đã làm được. Từ ý tưởng xin Ban giám hiệu và Đoàn trường cơ sở III (tức Thủ Đức) ra một giai phẩm gồm những sáng tác thơ văn sinh viên vui nhân Tết Nguyên đán 1993.

Thời gian đã quá lâu tôi không còn nhớ rõ đến từng công đoạn và cũng không còn giữ được số báo đặc biệt này. Bây giờ chỉ tìm lại được qua một số hình ảnh của bạn bè gửi trên Facebook. Thật tiếc. Chỉ có thể nói rõ đây là một số báo có giấy phép xuất bản, được đưa vào nhà in và phát hành hơn 500 số. Ngày đó, những năm 1992 được ra một tờ báo là một điều khó khăn không tưởng. Vậy mà chúng tôi những sinh viên yêu văn học, sáng tác, viết lách đã cùng nhau làm được. Bây giờ nhắc lại những kỷ niệm này vẫn thấy ngoạn mục. Chúng tôi cùng chọn cái tên Giao mùa cho giai phẩm. Vì đó cũng là những ngày cuối năm. Thời khắc chuyển giao giữa mùa thu và mùa đông. Và mùa xuân đang lấp ló. Đó cũng là nỗi hân hoan nhớ nhung của mùa xa nhà đầu tiên. Mong ngóng một chuyến xe về quê ngày giáp Tết. Và tất cả nỗi niềm xúc cảm ấy quyện trong những sáng tác của lửa tâm hồn và tình yêu chữ nghĩa của từng trái tim non trẻ.

Những cây bút sinh viên trong ban biên tập cũa Giai phẩm Giao mùa

4. Một ban biên tập cho giai phẩm Giao Mùa được bầu ra. Tôi được đề cử làm Trưởng ban, tuy học khoa Lịch sử. Có lẽ vào ngày ấy tôi đã có nhiều tác phẩm đăng trên các báo như Mực Tím, Áo Trắng, các tạp chí, ấn phẩm như Văn… Và ba thành viên khoa Văn trong ban biên tập là Quốc Sinh, Gia Hòa, Vân Anh. Bây giờ tất cả đều là những cây bút viết văn, làm báo tên tuổi nổi tiếng. Một họa sĩ thiết kế là bạn Nguyễn Trường Hải, học khoa Sinh. Chúng tôi đã chia nhau công việc tổ chức, biên tập các chuyên mục sáng tác như văn, thơ, chuyện học đường, vui cười… Và ở nhóm bài nào cũng có những tác giả, những gương mặt sinh viên đóng góp xuất sắc. Ví dụ như thơ các bài Nắng Sài Gòn anh nhớ nắng Cao nguyên của Hoàng Thanh Thanh (Thư viện) Em có về không? thơ Nguyễn Văn Hải (Ngữ Văn), thơ của Huỳnh Đức Thiện (Sử), Chử Huy Tuấn, Trường Sơn (Văn)… Văn xuôi các truyện ngắn Cội nguồn, O Đẽo, Con gà và cái bếp điện, Romance thằng Gù… cùng các bài tản mạn, chuyện vui cười của Hoài Hương, Thanh Hằng, Nguyễn Quỳnh Châu, Ngọc Yến… và nhiều cây bút khác đã tạo nên chất lượng, duyên dáng của giai phẩm Giao Mùa.

Thú vị nhất là tôi đã thực hiện chuyên mục “Nhân vật văn nghệ” và đã viết bài giới thiệu chân dung Nhà thơ “Đỗ Trung Quân - Lung linh hoa cỏ”. Bài này tôi kể lại những kỷ niệm khi gặp nhà thơ “Quê hương” lần đầu tiên ở Sài Gòn trong một dịp cùng với các nhà văn Nguyễn Tuân, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Gia Bảo… Tôi còn được anh Hoàng Tường, họa sĩ nổi tiếng vẽ tặng riêng cho giai phẩm Giao mùa một ký họa nhà thơ họ Đỗ khá oách với những nét cà khịa, râu ria ngổ ngáo để in kèm bài cho độc đáo.

Giấy phép thông qua Ban giám hiệu và Đoàn trường ĐHTH. Chịu trách nhiệm xuất bản ấn phẩm là Phan Thành Hổ, Bí thư Đoàn cơ sở III Thủ Đức, bạn học chung khoa Sử tại ĐHTH TP.HCM khoá 1992 với tôi. Đặc biệt hơn là tờ báo có sự góp mặt của gần hết các cây bút yêu viết lách là sinh viên của tất cả các khoa học năm thứ nhất ở Thủ Đức, chứ không chỉ riêng khoa Ngữ văn hay Sử. Hình bìa giai phẩm là diễn viên Võ Sông Hương, cũng là một sinh viên của trường ngày đó.

Tôi còn nhớ buổi giao lưu, ra mắt tờ báo tại giảng đường lớp nhất ngày ấy ở Thủ Đức, rất đông các bạn sinh viên háo hức đến dự. Cầm tờ báo còn thơm mùi mực in trên tay, những cây bút yêu văn chương với những sáng tác đầu tay được chọn in lâng lâng cứ ngỡ như đang bay trong mơ.

Và mùi mực in đó không phai theo năm tháng. Còn thơm mãi trong tâm tưởng đến tận bây giờ…

Kỷ niệm 60 năm Văn Khoa - Đại học Tổng hợp 11.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giao mùa trên giảng đường đầy cỏ dại...