Tổng thống Donald Trump tiếp tục công kích Twitter khi cho rằng các chủ đề và nội dung xuất hiện trên phần xu hướng của mạng xã hội này khiến ông trông tồi tệ.

Tổng thống Trump: 'Các xu hướng trên Twitter thật kinh tởm, khiến tôi trông tồi tệ'

28/07/2020, 08:50

Tổng thống Donald Trump tiếp tục công kích Twitter khi cho rằng các chủ đề và nội dung xuất hiện trên phần xu hướng của mạng xã hội này khiến ông trông tồi tệ.

“Thật kinh tởm khi xem cái được Twitter gọi là xu hướng, nơi có rất nhiều xu hướng về tôi và không bao giờ là điều tốt. Họ tìm bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy, làm cho nó tồi tệ nhất có thể và thổi bùng lên, cố gắng biến nó trở thành xu hướng. Thực sự vô lý, bất hợp pháp và tất nhiên rất không công bằng!”, Tổng thống Mỹ đăng trên Twitter cách đây 2 giờ.

Tổng thống Donald Trump không đề cập đến một xu hướng (trend) cụ thể hoặc trích dẫn bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố của mình rằng Twitter đang cố tình hiển thị các xu hướng chống lại ông. Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng không nói rõ luật nào mà ông tin rằng Twitter đang vi phạm.

Tweet chỉ trích Twitter của Tổng thống Trump.

Trang web của Twitter viết rằng "xu hướng được xác định bởi một thuật toán và theo mặc định, được điều chỉnh cho bạn dựa trên người bạn theo dõi, sở thích và vị trí của bạn".

Theo Twitter, người dùng cũng có thể xem các chủ đề đang là xu hướng theo vị trí thay vì những chủ đề được cá nhân hóa cho họ.

Twitter từ chối bình luận về phát ngôn trên của ông Trump.

Tổng thống Trump có hơn 84,2 triệu người theo dõi trên nền tảng này, đứng thứ 7 thế giới và chỉ sau cựu Tổng thống Barack Obama (120,9 triệu follow) trong số các chính trị gia. Ông thường cáo buộc các công ty truyền thông xã hội có khuynh hướng chống lại quan điểm chính trị của mình.

Những lời chỉ trích của Tổng thống Trump với các trang truyền thông xã hội, đặc biệt là Twitter, đã leo thang trong những tháng gần đây khi các nền tảng này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để có hành động chống lại thông điệp mang tính thù ghét và có khả năng gây ra bạo lực cũng như thông tin sai lệch.

Ngày 26.5, Twitter đã dán nhãn cảnh báo tweet của Tổng thống Mỹ. Cụ thể hơn, ông Trump viết: "Gửi phiếu bầu qua thư là trò gian lận không hơn không kém" nhưng bị Twitter đặt nhãn cảnh báo bên dưới vì vi phạm điều khoản mà công ty này, trong đó có quy định cấm người dùng tuyên bố sai lệch, gây tranh cãi hoặc chưa được kiểm chứng.

Không lâu sau đó, ông Trump đăng tweet khác rằng: "Twitter đang can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và dập tắt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận", đồng thời khẳng định sẽ không cho phép điều này xảy ra.

Hôm 28.5, Twitter làm điều chưa từng có là ẩn đi tweet của Tổng thống Mỹ vì vi phạm quy định "tôn vinh bạo lực", đồng thời vô hiệu hóa khả năng chuyển tiếp hoặc bình luận.

Nội dung tweet của ông Trump liên quan đến thành phố Minneapolis, nơi xảy ra các cuộc biểu tình và bạo động liên tiếp sau vụ cảnh sát da trắng ghì chết George Floyd, trong đó cảnh báo "cướp bóc bắt đầu thì súng sẽ nổ" và dọa sẽ điều vệ binh quốc gia đến.

Đáp lại, hôm 29.5, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm sự bảo vệ pháp lý mà mạng xã hội được hưởng. Sắc lệnh này trao cho cơ quan quản lý quyền thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại các công ty như Facebook và Twitter liên quan đến cách họ kiểm soát nội dung trên các nền tảng của mình.

Ông Trump cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội đang có quyền lực nằm ngoài tầm kiểm soát.

Dù vậy sau đó, Twitter liên tiếp có hành động mạnh tay với các tweet của Tổng thống Mỹ vì khiếu nại bản quyền.

Hôm 19.6, Twitter cùng Facebook gỡ bỏ một video gây hiểu lầm được đăng bởi tài khoản của Tổng thống Donald Trump khi nhận khiếu nại về bản quyền. Động thái này được đưa ra sau khi Twitter hôm 18.6 đã dán nhãn “thao túng truyền thông" lên tweet của Tổng thống Mỹ kèm video này.

Trước đó, ông Trump đã đăng video có nội dung bé trai da trắng truy đuổi đứa trẻ da đen kèm đoạn chữ "Một đứa trẻ mới biết đi sợ hãi chạy khỏi bé phân biệt chủng tộc" với logo của CNN. Đoạn phụ đề này đã được thay đổi so với video gốc về bản tin về trẻ em do CNN phát sóng. Đoạn tiếp theo của video có thông điệp "Chuyện gì đã xảy ra?", cho thấy hai đứa trẻ chạy đến gần và ôm nhau. Video kết thúc bằng cách gợi ý rằng "Tin tức giả" để đổ lỗi cho cuộc tranh luận về bất bình đẳng chủng tộc đang xảy ra trên khắp nước Mỹ.

Theo CNN, Jukin Media, công ty đại diện cho phụ huynh sở hữu video trẻ mới biết đi, khẳng định ông Trump sử dụng video vi phạm bản quyền. Phía Jukin Media đã gửi đơn kiến nghị yêu cầu gỡ bỏ video này theo DMCA (Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ).

Ngày 3.6, Tổng thống Donald Trump đăng lên Twitter video có tiêu đề "Hàn gắn, không hận thù" để lên án các hành vi bạo lực trong biểu tình đòi công lý cho George Floyd, người đàn ông da đen ở thành phố Minneapolis bị cảnh sát da trắng ghì chết hôm 25.5. Sau đó, video này bị xóa kèm thông báo "Video đã bị vô hiệu hóa theo báo cáo từ người sở hữu bản quyền".

Tổng thống Mỹ gọi việc loại bỏ video là bất hợp pháp, nhưng Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey tiết lộ “xóa video vì chúng tôi đã nhận được khiếu nại DMCA từ chủ bản quyền”.

Hôm 2.7, Twitter xóa một hình ảnh từ tweet của Tổng thống Donald Trump vào ngày 1.7 vì vi phạm chính sách bản quyền.

Tweet này kèm theo ảnh ông Trump chụp cho tờ New York Times năm 2015. Đây là bức ảnh do Damon Winter, nhiếp ảnh gia từng đoạt giải thưởng Pulitzer, thực hiện.

Tổng thống Mỹ đã thêm chữ lên phía trên (Trong thực tế, họ không theo đuổi tôi mà theo đuổi bạn) và dưới cùng (Tôi chỉ ở vị trí ngáng đường) để biến ảnh thành meme.

Ảnh ông Trump chụp cho tờ New York Times năm 2015 được chèn thêm chữ phía trên và dưới.

Twitter xác nhận đã có hành động với tweet của ông Trump vì thông báo từ chủ bản quyền lên quan đến DMCA.

"Chúng tôi trả lời các khiếu nại bản quyền hợp lệ được gửi đến bởi chủ sở hữu bản quyền hoặc người đại diện do họ ủy quyền", người phát ngôn của Twitter nói với CNET.

Eileen Murphy, Phó chủ tịch truyền thông cao cấp của New York Times, tiết lộ họ đã báo cáo cho Twitter gỡ ảnh này.

Hôm 19.7, Twitter xác nhận đã xóa video mà Tổng thống Trump đăng lại (retweet) vào ngày 18.7 vì khiếu nại bản quyền. Ca khúc In the End của Linkin Park được sử dụng làm nhạc nền trong video này với những hình ảnh Tổng thống Trump và trích đoạn ông phát biểu lúc nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1.2017.

“Với chính sách của mình, chúng tôi trả lời các khiếu nại bản quyền hợp lệ được gửi đến bởi chủ sở hữu bản quyền hoặc đại diện được ủy quyền của họ”, một phát ngôn viên của Twitter cho biết.

Hôm 18.7, Linkin Park gửi thông điệp trên Twitter rằng không cho phép tổ chức chính trị của ông Trump sử dụng bất kỳ bản nhạc nào của họ.

Ông Dan Scavino, Giám đốc truyền thông mạng xã hội của Nhà Trắng, đã đăng video này lên Twitter tối 17.7 và Tổng thống Trump chia sẻ lại hôm 18.7.

Tweet chuyển tiếp video của ông Trump không còn hiển thị, bài đăng gốc từ Dan Scavino vẫn tồn tại vào sáng 19.7 song video đính kèm đã bị xóa.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Lựa chọn nhân sự của Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến Kyiv lo ngại
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố các đề cử nội các như Matt Gaetz làm Bộ trưởng Tư pháp, Tulsi Gabbard làm Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia đã thổi bùng lên mối lo ngại từ Kyiv về khả năng hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Trump: 'Các xu hướng trên Twitter thật kinh tởm, khiến tôi trông tồi tệ'