Ngày 19.9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), ông Donald Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên ở vai trò lãnh đạo Mỹ, và bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley báo trước: Tổng thống Mỹ ‘tát đúng người, ôm hôn đúng người”.

Tổng thống Donald Trump có gây bất ngờ tại Đại hội đồng LHQ?

18/09/2017, 12:19

Ngày 19.9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), ông Donald Trump sẽ có bài phát biểu đầu tiên ở vai trò lãnh đạo Mỹ, và bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley báo trước: Tổng thống Mỹ ‘tát đúng người, ôm hôn đúng người”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump-Ảnh: AP

Theo báo Washington Times dẫn lời các quan chức, ông Trump đến dự UNGA đầu tiên với nhiệm vụ xây dựng quan hệ bạn bè, vạch mặt những kẻ thù, cùng với kế hoạch thúc đẩy mạnh cương lĩnh “Nước Mỹ trên hết” của ông vào hành động ở cấp toàn cầu.

Bà Haley nói: “Tất cả mọi người rất sốt ruột muốn nghe điều Tổng thống Mỹ nói. Và tôi cho rằng ngài sẽ tạo được một tác động. Ngài sẽ tát đúng người và ôm hôn đúng người’.

Tổng thống Mỹ sẽ làm những điều bất ngờ tại UNGA

Các trợ lý cấp cao cho biết: ông Trump sẽ thúc đẩy cải tổ LHQ, xem xét lại phần đóng góp kinh phí lớn nhất của Mỹ vào tổ chức này, thương lượng những thỏa thuận kinh tế trên toàn thế giới và nỗ lực gây cảm hứng cho toàn thế giới quyết định đối đầu với CHDCND Triều Tiên, Iran, bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS cùng những mối đe dọa khác.

Bà Haley nói: “Chúng ta có thể nói sẽ là một ngày mới ở LHQ. Sẽ không có chuyện chỉ nói suông mà còn là hành động”.

Nhưng đường lối mà ông Trump vạch ra cho nước Mỹ hành động làm nhiều người trong gần 120 lãnh đạo các nước dự UNGA, kể cả những người cảm thấy thoải mái hơn với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phải lo ngại.

Họ sẽ nghe kỹ đường lối của một vị lãnh đạo khó có thể lường trước. Vì trong 8 tháng đầu tiên ở vị trí lãnh đạo Mỹ, ông Trump có nhiều tuyên bố làm ‘khó chịu’ người nghe. Ví dụ ông đột ngột thắc mắc về mối quan hệ đồng minh hàng chục năm của khối NATO, hoặc ông có những phát biểu cứng rắn làm nóng thêm những tranh chấp giữa Mỹ với Iran và CHDCND Triều Tiên.

Bên cạnh đó, ông Trump thể hiện sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự Mỹ, như phóng tên lửa tấn công căn cứ không quân Syria, có những biện pháp cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, dọa “trút lửa thịnh nộ” xuống Triều Tiên.

Vì thế, bạn bè và kẻ thù của Mỹ sẽ “soi” từng câu phát biểu của ông Trump để hiểu được tầm nhìn về vai trò tương lai của Mỹ trong thế giới sẽ là thế nào.

Bài diễn văn của ông Trump sẽ được dân Mỹ và thế giới chú ý kỹ vì những lời lẽ của ông có tiềm năng làm rúng động các quân đội, những thị trường và cả các cuộc thăm dò.

Các trợ lý nói dự kiến bài diễn văn của Tổng thống Mỹ dài 30 phút, sẽ là trung tâm của những diễn văn của lãnh đạo các nước khác trong kỳ họp 7 ngày của UNGA, khi mỗi vị đều muốn tạo dấu ấn ở diễn đàn toàn cầu này.

Nhưng ông Trump sẽ không cần đập giày lên bục phát biểu như lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev từng thực hiện, hoặc không cần giương súng và nhành ô-liu hòa bình như lãnh tụ Palestine Yasser Arafat đã đem đến UNGA.

Ben Rhodes, một cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và từng soạn 8 diễn văn cho lãnh đạo Mỹ phát biểu ở LHQ, nói:

“Chúng tôi luôn có cảm giác đó là một bài phát biểu được chú ý kỹ. Chỉ cần một câu trong diễn văn cũng có thể phát tín hiệu về một sự ưu tiên mới về một vấn đề đặc biệt, một đường lối chính sách mới, và có thể làm dợn sóng trong giới ngoại giao suốt nhiều tháng tới”.

Jon Alterman, phó chủ tịch tổ chức nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nói: “Thế giới vẫn đang cố gắng nhận xét vị tổng thống này. Lãnh đạo thế giới vẫn thức giấc lúc sáng để thắc mắc: nếu họ là bạn của tổng thống Mỹ thì bạn có nghĩa thế nào. Đối với nhiều lãnh đạo, đây là cơ hội đầu tiên của họ để thấy ông ấy, nhận xét ông ấy và cố gắng hiểu được khía cạnh tốt của ông ấy”.

Mỹ đòi hỏi thay đổi LHQ

Một tuần hoạt động ở UNGA sẽ thử thách kỹ năng lãnh đạo và sức bền của ông Trump, mà như bao tổng thống Mỹ trong năm đầu tiên, ông sẽ đến UNGA ở vị trí “tập sự” sinh hoạt ngoại giao quốc tế.

Một tuần làm việc được chuẩn bị kỹ cũng sẽ là một thử thách độc đáo cho ông Trump, người có khuynh hướng phát biểu ngẫu hứng, quên kịch bản.

Ông Alterman nói: “Chắc chắn Tổng thống Mỹ sẽ làm nhiều điều bất ngờ tại UNGA, những điều mà người ta sẽ nghĩ là rất tích cực, nhưng cũng sẽ có người nghĩ là quá tiêu cực. Rất khó tưởng tượng ông Trump sẽ thực hiện đúng kịch bản soạn sẵn trong suốt tuần”.

Chương trình làm việc tại New York của ông Trump đầy ắp các sự kiện, gồm bài diễn văn ở UNGA ngày 19.9.

Ngày 18.9 (giờ Mỹ) ông cùng lãnh đạo LHQ và hơn 120 nguyên thủ quốc gia bàn chuyện cải tổ LHQ.

Ông Trump khi tranh cử tổng thống năm 2016 đã viết Twitter kêu gọi tổ chức này phải thay đổi: “LHQ có tiềm năng lớn nhưng lại “trở thành một câu lạc bộ để người ta ngồi quanh nói chuyện và thư giãn. Tệ quá!”.

Ông Trump đã đề nghị cắt giảm mạnh ngân sách cấp cho LHQ và tái cơ cấu LHQ để chấm dứt tình trạng quan liêu của tổ chức này. Mỹ là nước đóng góp tiền nhiều nhất cho LHQ, chi 25% cho ngân sách hoạt động định kỳ và gần 30% cho riêng ngân sách gìn giữ hòa bình.

Bà Haley nói: “Chúng tôi đã có một vị tổng thống đề cao một nỗ lực cải tổ LHQ, và sẽ thực sự ủng hộ vị tổng thư ký. Nhưng phần ấn tượng nhất là chúng tôi đề nghị các nước khác bày tỏ sự ủng hộ cải tổ và 120 nước đã ký sẽ tham dự. Đó là một con số nhiệm màu”.

Cùng ngày 18.9, ông Trump gặp lãnh đạo Pháp và Israel, bàn nhiều việc gồm cách đối phó với những hoạt động của Iran mà Mỹ cho là gây bất ổn ở Trung Đông.

Tối 18.9, ông có bữa ăn tối làm việc tại Tháp Trump ở New York với các tổng thống Peru, Colombia và Brazil, bàn chuyện khủng hoảng ở Venezuela.

Cuối ngày 19.9, ông Trump sẽ ăn trưa với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, gặp riêng Chủ tịch UNGA là Tổng thống Miroslav Lajcak của Slovakia và Tiểu vương Qatar. Tối 19.9, ông Trump chủ trì bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao.

Ngày 20.9, ông Trump gặp lãnh đạo Jordan, chính quyền Palestine, Anh và Ai Cập. Ông cũng sẽ ăn trưa với lãnh đạo các nước châu Phi, chú trọng việc tăng cường an ninh và quan hệ kinh tế.

Mỹ sẽ lãnh trách nhiệm trước vấn nạn Triều Tiên

Ngày 21.9, ông Trump sẽ gặp lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Ukraine. Lãnh đạo Nhật-Hàn sẽ ăn trưa với ông, chủ đề nói chuyện chính là chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói: “Tổng thống sẽ nói rõ là phải tăng mạnh sức ép lên Triều Tiên”.

Ngày 17.9, Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley cảnh cáo Triều Tiên “sẽ bị hủy diệt” nếu Mỹ phải tự vệ trước Triều Tiên ngày càng hung hăng.

Bà Haley thừa nhận Hội đồng bảo an LHQ cũng đã hết cách trị khi cấm vận và áp lực ngoại giao không cản Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử tên lửa và thử hạt nhân. Bà Haley cũng nói trong tình thế này, Lầu Năm Góc sẽ lãnh trách nhiệm xử lý ‘vấn nạn Triều Tiên’.

Dự kiến ông Trump cũng sẽ có những lúc bị khó chịu, liên quan việc ông chỉ trích mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các quan chức Mỹ nói bóng gió ông Trump sẽ tìm cách hủy hoặc tái thương lượng thỏa thuận này, nhưng ông sẽ gặp phải sự phản đối trong cuộc họp các ngoại trưởng của 5 nước cùng Mỹ (thời Obama) đạt thỏa thuận này: Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức.

Khi được hỏi về thông điệp của Moscow gởi Washington, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho biết: “Giữ lại thỏa thuận hạt nhân này”.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Donald Trump có gây bất ngờ tại Đại hội đồng LHQ?