Vụ CHDCND Triều Tiên phóng quả tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) thứ hai qua Nhật hôm 15.9 khiến nhiều người dân Nhật phản ứng vì quân đội Nhật Bản đã không bắn hạ tên lửa Triều Tiên mà chỉ báo động qua tin nhắn điện thoại và trên truyền hình.

Dân Nhật Bản phản ứng vì quân đội không bắn hạ tên lửa Triều Tiên

16/09/2017, 13:57

Vụ CHDCND Triều Tiên phóng quả tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) thứ hai qua Nhật hôm 15.9 khiến nhiều người dân Nhật phản ứng vì quân đội Nhật Bản đã không bắn hạ tên lửa Triều Tiên mà chỉ báo động qua tin nhắn điện thoại và trên truyền hình.

Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì Ngày Cục Phòng vệ - Ảnh: AP

Sáng hôm ấy, hàng triệu dân Nhật bàng hoàng tỉnh giấc vì còi báo động vang lên, tin nhắn khẩn cấp được gửi. Hệ thống loa ở Mũi Erimo ở phía nam Hokkaido phát to: “Tên lửa phóng! Tên lửa phóng!”.

Chương trình truyền hình Bữa điểm tâm - thường chỉ cách cho trẻ ăn món bổ dưỡng và giới thiệu sản phẩm - cũng phát cảnh báo: “Hãy chui vào nhà hoặc tầng hầm!”.

Sau đó, Đài truyền hình NHK cho biết quả IRBM Hwasong-12 được phóng từ huyện Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng lúc 6 giờ 57 sáng 15.9 và bay qua không phận đảo Hokkaido của Nhật Bản lúc 7 giờ 6 phút (giờ địa phương), sau đó rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido khoảng 2.200km. Nó được cho là đạt độ cao 770km và bay trong 19 phút đạt 3.700km, xa hơn đáng kể so với đợt phóng quả IRBM qua Hokkaido ngày 29.8.

Chuyên gia Nhật Hajime Ozu nhận định tầm bay 3.700km tương tự với khoảng cách 3.400km từ Triều Tiên đến đảo Guam của Mỹ, nên thông qua đợt phóng tên lửa lần này, Bình Nhưỡng cũng muốn đe dọa Mỹ. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định quả IRBM không đe dọa Guam hoặc nước Mỹ.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố: "Tokyo không bao giờ tha thứ một hành động khiêu khích đe dọa hòa bình thế giới. Nếu Triều Tiên tiếp tục theo đuổi đường lối này, họ sẽ không có tương lai tươi sáng. Chúng ta phải buộc Triều Tiên hiểu điều đó".

Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga nói thêm: “Tokyo đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để phản đối kịch liệt với Bình Nhưỡng”.

Việc phóng tên lửa diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng dọa sẽ đánh chìm Nhật Bản và biến Mỹ thành "tro tàn và bóng tối", do Nhật - Mỹ vận động Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân vào ngày 3.9.

Bị Hiến pháp trói tay, quân đội Nhật không thể hành động

Các quan chức Nhật có thể đã xem xét việc bắn hạ tên lửa Triều Tiên, nhưng họ bị trói tay vì hai điều: Hệ thống phòng thủ tên lửa bị hạn chế và Hiến pháp yêu chuộng hòa bình (do Mỹ soạn thảo sau khi quân phiệt Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện hồi Thế chiến 2) chỉ cho phép Nhật hành động quân sự trong những tình huống tự vệ.

Sự trói buộc này đè nặng lên cuộc tranh luận vài tuần gần đây về cách Nhật đối phó với chương trình hạt nhân ngày càng tiến bộ của Triều Tiên. Hai điều tranh luận là Nhật nên giữ vai trò đồng minh của Mỹ thế nào và nên nâng cấp quân đội thế nào.

Theo báo New York Times (NYT) Nhật hết mình ủng hộ Mỹ ở hai cuộc chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên, nhưng mối quan hệ quân sự đồng minh chưa được thử thách lớn, vào lúc Mỹ - Nhật xung đột với Triều Tiên. Bất kỳ hành động quân sự nào của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump để đánh Triều Tiên đều khiến Bình Nhưỡng tấn công trả đũa Nhật, nơi đang có 54.000 quân Mỹ trú đóng.

Ngày 15.9, Bình Nhưỡng dọa “nhấn chìm các đảo Nhật” bằng vũ khí hạt nhân, nói thêm rằng “không cần Nhật hiện hữu gần chúng ta nữa”.

Nhật ở phía đông Triều Tiên, cũng có nghĩa tên lửa Bình Nhưỡng bắn tới Mỹ, đương nhiên sẽ bay qua lãnh thổ Nhật. Nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa triển khai khắp Nhật Bản, trên bệ phóng di động, chỉ nhằm ngăn chặn tên lửa bay xuống, chứ không ngăn chặn được tên lửa Triều Tiên đang bay qua Mỹ. Trong khi đó, các hệ thống phòng thủ tên lửa trên 4 khu trục hạm Nhật có thể bắn tên lửa đang bay, nhưng chúng phải có mặt đúng lúc và đúng chỗ.

Năm 2015, Thủ tướng Abe đã thúc đẩy luật an ninh để cho phép quân đội Nhật chiến đấu ở nước ngoài, phối hợp với quân đồng minh với lý do “phòng vệ tập thể”. Luật mới quy định rằng nếu Nhật muốn tham gia hoạt động quân sự chung này thì trước tiên an ninh của Nhật phải bị đe dọa. Vài nhà phân tích thắc mắc theo định nghĩa này, liệu các nghị sĩ có cho phép một nỗ lực bắn hạ tên lửa địch bay tới Mỹ hay không.

Tsuneo Watanabe, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội Hòa bình Sasakawa (ở Tokyo) nói: “An ninh và những hạn chế pháp lý của Nhật là một sự phức tạp đến phi lý”.

Những người khác nhận định rằng một cuộc tấn công vào đồng minh quan trọng nhất của Nhật thì phải được định nghĩa cũng là sự đe dọa Nhật, khi Mỹ chính là “người bảo vệ chủ lực” của Nhật.

Giáo sư Noboru Yamaguchi của Đại học Quốc tế Nhật bản nói: “Nếu Nhật thấy các căn cứ Mỹ sắp bị đánh, có thể xem đó là một tình hình mà nếu chúng tôi không cứu họ thì sự tồn tại của Nhật cũng bị nguy hiểm. Như vậy thì chúng tôi có thể can thiệp”.

Dù Bộ Quốc phòng Nhật gần đây tăng chi quân sự hàng năm lên mức kỷ lục 5,26 ngàn tỉ yen (48 tỉ USD), mức chi này vẫn tương đối nhỏ so với các nước khác. Và Nhật có thể mua thêm các phương tiện quân sự mong muốn như có thêm chiến đấu cơ hoặc tàu đổ bộ.

Giáo sư Yamaguchi nói: "Nếu thiếu vốn thì chúng tôi phải ưu tiên. Triều Tiên không là vấn nạn duy nhất. Chúng tôi còn phải đối phó nạn khủng bố toàn cầu, và chúng tôi cần có thỏa thuận trên tinh thần xây dựng với Trung Quốc", ám chỉ việc Bắc Kinh giành chủ quyền biển đảo trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Muốn mua vũ khí cũng phải dè chừng Trung Quốc

Cũng chưa rõ Hiến pháp yêu chuộng hòa bình có cho phép bắn hạ một tên lửa bay qua Mỹ hay không, chưa nói đến chuyện tấn công phủ đầu một tên lửa còn nằm trên dàn phóng ở Triều Tiên, dù một số người Nhật cho rằng nên chuẩn bị cuộc tấn công phủ đầu này.

Vài tháng qua, chính phủ Nhật bàn chuyện mua tên lửa hành trình - có thể phóng từ trên bộ, trên biển và trên không - để củng cố khả năng tấn công phủ đầu vị trí phóng tên lửa của Triều Tiên nếu như Nhật phát hiện dấu hiệu rõ ràng Bình Nhưỡng sắp tấn công.

Năm 1956, chính phủ Nhật tuyên bố rằng một cuộc tấn công phủ đầu để thực hiện quyền tự vệ là được phép. Nhưng một số nghị sĩ nói triển khai tên lửa hành trình là “vượt lằn ranh” và phá bỏ chính sách lâu nay là tránh sử dụng vũ khí tấn công.

Trong khi dân Nhật lo sợ Triều Tiên, họ cũng bị chia rẽ vì khả năng quân sự của nước mình, theo Richard Samuels, một chuyên gia về Nhật và là giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Hai ngày sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 3.9, Tổng thống Mỹ viết Twitter vời hàm ý ông muốn Nhật - Hàn tăng chi mua vũ khí. Ông nói ông sẽ cho phép Nhật - Hàn “mua thật nhiều phương tiện quân sự cực kỳ hiện đại của Mỹ”. Theo NYT, không rõ ông Trump muốn bán loại vũ khí nào hoặc có gồm tên lửa hành trình hay không.

Tại Nhật, một phần bài toán chính trị là Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu Nhật mua vũ khí. Giáo sư Koji Murata của khoa quan hệ đối ngoại thuộc Đại học Doshisha (ở Tokyo) nói: “Đó sẽ là cớ để Trung Quốc càng nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Và ngay cả ở Hàn Quốc cũng sẽ bùng ra vài dạng cảm xúc bài Nhật”.

Giáo sư Yamaguchi thuộc khoa quan hệ đối ngoại Đại học Quốc tế Nhật Bản và là cựu trung tướng Cục phòng vệ Nhật (SDF) nói: “Về trường hợp Nhật, tôi không nghĩ chúng tôi có thể bắn trước khi chúng tôi bị bắn. Nhiều khả năng là khi chúng tôi bị bắn và quả tên lửa thứ hai hoặc thứ ba đang còn trên đất Triều Tiên thì chúng tôi mới có thể bắn trả”.

Một số nhà phân tích nói rằng các quan chức chính phủ Nhật cẩn trọng trong ngôn ngữ để không đánh động sự lo sợ nơi người dân. Theo những cuộc thăm dò, khoảng một nửa số người được hỏi đều phản đối việc mua tên lửa để Nhật tấn công phủ đầu.

Nhưng khi Triều Tiên ngày càng phóng nhiều tên lửa và tăng cường thử hạt nhân, chính phủ Nhật có thể có lý lẽ mạnh hơn để mua tên lửa. Jeffrey W. Hornung, nhà khoa học chính trị ở tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) nói: “Họ có thể nói: “Đồng bào nhìn xem Triều Tiên đang làm gì. Vậy chúng ta phải lo tự vệ”.

Tên lửa Patriot được triển khai ở Nhật

Nhật Bản có sẵn sàng với canh bạc lớn?

Một số nhà phân tích nói Nhật nên mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để chặn tên lửa địch ở cao độ cao hơn.

Nhưng chính phủ Nhật có kế hoạch trang bị và triển khai thêm các khu trục hạm có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Bộ Quốc phòng Nhật cũng muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên bộ Aegis Ashore, vốn có thể chặn tên lửa trên khí quyển phóng xuống và có cao độ cao hơn THAAD.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói phòng thủ tên lửa vẫn chưa hoàn toàn che chắn được cuộc tấn công của Triều Tiên.

Patrick M. Cronin, chủ nhiệm Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới) nói: “Phòng thủ tên lửa vẫn bị hạn chế và rất đắt tiền nên hiện tại Nhật vẫn còn may mắn. Để có ý chí chính trị khi bắn, bạn phải đối mặt với một canh bạc vì nếu bắn hụt thì sẽ không hay chút nào”.

Bình Nhưỡng đã nói thẳng ý định phát triển vũ khí hạt nhân để có thể tấn công nước Mỹ và dọa tấn công xuống vùng biển quanh đảo Guam ở phía tây Thái Bình Dương.

Đằng sau tình hình này còn có câu hỏi Nhật sẽ phát triển vũ khí hạt nhân hay không, nhằm đối phó mối đe dọa của Triều Tiên?

Khi tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã gợi ý “tốt nhất Nhật nên có vũ khí hạt nhân riêng”, nhưng dư luận Nhật kiên quyết phản đối.

Nay Nhà Trắng lại phản đối Nhật (và các nước châu Á khác) có vũ khí hạt nhân, theo một quan chức cấp cao cho biết. Nhưng Mỹ cũng cảnh báo Nga và Trung Quốc rằng sự phổ biến vũ khí hạt nhân là không thể tránh được nếu Triều Tiên không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân.

Giáo sư trợ giảng Ken Jimbo ở Đại học Keio (ở Tokyo) lưu ý Nhật là quốc gia duy nhất bị tấn công hạt nhân, khi Mỹ trút hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Ông kết luận: “Vậy thì giải pháp Nhật có vũ khí hạt nhân riêng sẽ chỉ là lựa chọn cuối cùng”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân Nhật Bản phản ứng vì quân đội không bắn hạ tên lửa Triều Tiên