Hàn Quốc lãnh một thất bại rõ ràng về tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) sau khi phóng quả tên lửa này để phản đối đòn khiêu khích tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên. Sự thất bại dẫn đến dấu hỏi phải chăng quân đội Hàn Quốc sẽ đánh không thắng được Triều Tiên, theo hãng tin CNBC.
Sáng 15.9, Triều Tiên phóng một quả IRBM Hwasong-12 từ huyện Sunan gần sân bay Bình Nhưỡng, qua không phận Nhật Bản, rơi xuống vùng biển thuộc đảo Hokkaido của Nhật.
Đây là cách Bình Nhưỡng thách thức lệnh cấm vận Triều Tiên mới mà Hội đồng bảo an LHQ thông qua ngày 11.9. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quả tên lửa bay trong 19 phút ở độ cao 770km, với phạm vi bao phủ 3.700 km, tức có thể bay đến cả đảo Guam thuộc Mỹ vốn cách Triều Tiên chỉ 3.880 km.
Bình Nhưỡng đã từng dọa phóng 4 quả IRBM xuống vùng biển quanh đảo Guam, và ngày 29.8 cũng đã phóng quả Hwasong-12 ngang qua Nhật.
Thành phần chủ lực trong dây chuyền sát thủ" bị trục trặc kỹ thuật
Ngay sau đó, Hàn Quốc phóng 2 tên lửa Hyunmoo-II, được cho là có khoảng cách tương ứng từ địa điểm diễn tập tới bãi phóng tên lửa của Triều Tiên ở huyện Sunan gần thủ đô Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn tuyên bố của Hội đồng tham mưu quân đội Hàn Quốc: một quả Hyunmoo “bắn trúng mục tiêu” ở khoảng cách 250 km trên biển Hoa Đông.
Hàn Quốc xác nhận đây là hành động đáp trả đối với Triều Tiên, và qua đó cho thấy tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Nhưng Yonhap cũng khẳng định quả Hyunmoo thứ hai bị “trục trặc kỹ thuật ngay từ đầu” và rơi xuống biển. Giới truyền thông Hàn Quốc ngày 15.9 nói: quân đội vẫn đang tìm nguyên nhân chính xác của vụ “trục trặc kỹ thuật”.
Harry Kazianis, chủ nhiệm khoa nghiên cứu quốc phòng của tổ chức nghiên cứu Trung tâm vì quyền lợi quốc gia (do cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon lập) nói, trong vài tháng tới Triều Tiên sẽ lại thử những quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM):
“Họ không thử từ tháng 7 rồi, và tôi cược là họ sẽ thả quả kế tiếp ở giữa Thái Bình Dương hoặc cách bờ biển Mỹ khoảng 200-300 dặm để chứng tỏ với dân Triều Tiên rằng họ có thể làm thế”.
Hãng tin CNBC khẳng định 2 tên lửa Hàn Quốc không bắn trúng mục tiêu và đặt câu hỏi liệu trong một cuộc chiến tranh Triều Tiên phần 2, Hàn Quốc có sẵn sàng đương đầu với Triều Tiên có vũ khí hạt nhân?
Ông Kazianis nói: “Tôi không chú ý nhiều về một tên lửa hỏng. Khi xây dựng một công nghệ cao, những vụ này vẫn thường xảy ra”.
Chắc chắn là ngay cả những lực lượng quân sự giỏi nhất vẫn gặp phải những vụ vũ khí hỏng hóc. Nhưng hồi tháng 6, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố với các nhà báo: “Tên lửa Hyunmoo-II là “thành phần chủ đạo trong dây chuyền sát thủ của chúng ta để đối phó tên lửa tấn công của Triều Tiên”.
Các nhà phân tích nói quân đội Hàn Quốc đã khá hơn so với 10 năm trước, cả về khả năng phòng thủ và tấn công. Theo ông Kazianis, nhờ đạt nhiều tiến bộ ở lĩnh vực kỹ thuật cao, Seoul đã có thể phát triển công nghiệp quân sự nội địa, có khả năng tự sản xuất tên lửa đạt độ chính xác cao, tự đóng được tàu ngầm và tàu chiến hiện đại.
Ông Kazianis nói: “Hải quân Hàn Quốc hiện là một trong những lực lượng mạnh nhất châu Á. Nên về lý thuyết, họ có thể chiếm ưu thế trước quân đội Triều Tiên. Tôi không biết họ có thể hoàn toàn đánh thắng Triều Tiên hay không. Để làm được điều này, bạn phải xâm chiếm toàn bộ Triều Tiên. Nhưng Hàn Quốc sẽ thắng trong một cuộc xung đột quân sự truyền thống”.
Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân như Triều Tiên
Vấn đề là chế độ Kim Jong-un được cho là có 1.000 quả tên lửa đạn đạo, và nhiều người còn nhận định: một loạt tên lửa Triều Tiên sẽ “nuốt chửng” Hàn Quốc.
Tuần này, báo Chunichi (Nhật Bản) đưa tin Triều Tiên sắp đóng xong một kiểu tàu ngầm mới, có thể lặn dưới biển lâu hơn và phóng nhiều tên lửa đạn đạo.
Bài báo còn nêu Bình Nhưỡng còn có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, càng đẩy cao khả năng Triều Tiên đe dọa Hàn Quốc.
Việc Mỹ dàn đủ 6 hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc giúp giảm thiểu mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, nhưng có thể nó không thể bảo vệ thủ đô Seoul.
Trung Quốc đã phản đối vụ triển khai THAAD, với lý do radar hiện đại của hệ thống này không chỉ giúp Mỹ-Hàn phát hiện tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay đến, mà còn có khả năng “nhìn sâu” vào Trung Quốc để giám sát hoạt động quân sự của nước này.
Tầm che chắn của THAAD được cho là tối đa 200 km, và THAAD được dàn ở làng Seongju, cách thủ đô Seoul 227 km về phía đông nam.
Nhưng gần 26 triệu dân sống trong vùng Seoul, có nghĩa một nửa dân số Hàn Quốc sẽ không được THAAD bảo vệ.
Ngoài khả năng hạt nhân, Bình Nhưỡng còn có kho vũ khí hóa học. Theo vài ước tính, Triều Tiên có khoảng 5.000 tấn chất độc hóa học, xếp hạng ba thế giới về loại vũ khí này.
Dù bộ binh và hải quân Hàn Quốc giỏi, các chuyên gia nói Seoul vẫn phải trông nhờ sự giúp đỡ của không quân và bộ binh Mỹ, nếu xảy ra chiến tranh lớn với Triều Tiên. Mỹ có hơn 28.000 quân trú đóng ở Hàn Quốc và khoảng 50.000 quân ở Nhật.
Nhưng Seoul vẫn muốn có riêng tên lửa đạn đạo, và muốn tăng tầm bắn của vũ khí để ngăn chặn sự đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên.
Đầu tháng này, chính phủ Mỹ đồng ý sửa một thỏa thuận tên lửa mà Mỹ-Hàn thông qua năm 2012, cho phép đầu đạn của Hàn Quốc có thể vượt quá 500 kg.
Với hỏa lực mới này, Hàn Quốc có thể phá hủy các mục tiêu được bảo vệ kỹ, ví dụ hầm chỉ huy, lô-cốt cùng các cơ sở quân sự nhạy cảm của Triều Tiên.
Bảo Vĩnh (theo CNBC)