Qua việc thử bom H, Bình Nhưỡng có thể khiến Washington rơi vào thế bị động và đối mặt nguy cơ phải thay đổi một cách căn bản chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á vốn đã được xây dựng và áp dụng trong hơn nửa thế kỷ qua, nhất là tính chất mối quan hệ Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn.

Thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên khiến Mỹ rơi vào thế khó

13/09/2017, 14:27

Qua việc thử bom H, Bình Nhưỡng có thể khiến Washington rơi vào thế bị động và đối mặt nguy cơ phải thay đổi một cách căn bản chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á vốn đã được xây dựng và áp dụng trong hơn nửa thế kỷ qua, nhất là tính chất mối quan hệ Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn.

Bình Nhưỡng quyết buộc Washington phải thay đổi chiến lược sau các hành động ngày càng liều lĩnh của mình

Hành động của Bình Nhưỡng khiến Washington có thể phải thay đổi chiến lược tại Đông Bắc Á

Những ngày này dư luận thế giới đều nóng lên vì vụ thử bom nhiệt hạch lần thứ hai của Triều Tiên diễn ra vào ngày 3.9, sau lần thứ nhất diễn ra vào ngày 6.1.2016. Dư luận nóng lên bởi vì sự liều lĩnh của Triều Tiên, nóng vì bất ngờ về kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên.

Như đã biết, ngày 3.9 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử thành công một quả bom nhiệt hạch - bom H - để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa mới được phát triển. Năng lượng phát ra từ vụ thử này lớn hơn bất kỳ vụ thử hạt nhân nào trước đó của Bình Nhưỡng.

Mục đích của vụ việc này được nhận diện là Triều Tiên muốn khẳng định mình, dằn mặt Mỹ và đồng minh, đồng thời tiếp tục nắn gân ý đồ của Trung Quốc. Đến giờ này, phần nào mục đích ấy đã đạt được khi ngày 11.9, tất cả thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đều thông qua Nghị quyết gia tăng trừng phạt Triều Tiên.

Như vậy, khi mục đích đạt được Bình Nhưỡng chỉ gánh thêm bất lợi. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã rất thành công qua hành động liều lĩnh của mình, mà hiệu ứng của nó không thể được đo bằng độ lớn của tiếng nổ và sức công phá của bom nhiệt hạch.

Đó là qua việc thử bom H, Bình Nhưỡng đã có thể khiến Washington rơi vào thế bị động và có thể phải thay đổi một cách căn bản chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á, vốn đã được xây dựng và áp dụng trong hơn nửa thế kỷ qua, nhất là tính chất mối quan hệ Mỹ - Nhật và Mỹ - Hàn.

Kim Jong-un đã đạt được mục đích khi gây khó cho Mỹ trong quan hệ với các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á

Điều đó thể hiện rất rõ qua phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 11.9 khi ông kêu gọi nước này cần nâng cao hơn nữa khả năng phòng thủ và khả năng tự bảo vệ cho mình, trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng lớn hơn từ chương trình phát triển kỹ thuật tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Theo giới phân tích, đây là động thái rất đáng quan ngại đối với Washington, bởi lâu nay đảm bảo cho an ninh của đất nước Nhật Bản thời hậu Thế chiến II hoàn toàn do quân đội Mỹ đảm nhận. Hơn nửa thế kỷ qua, vấn đề an ninh và an toàn trong cuộc sống tại đất nước mặt trời mọc hoàn toàn do Mỹ bảo trợ, thậm chí có thời gian Nhật Bản còn không có quân đội riêng.

Với bản Hiến pháp hoà bình được Mỹ chịu trách nhiệm soạn thảo cho Nhật Bản và Hiệp ước hợp tác an ninh chung Mỹ - Nhật, chiến lược của Mỹ được cho là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của quân đội Nhật Bản, qua đó đảm bảo ổn định cho khu vực Đông Bác Á nói riêng, cho thế giới nói chung và qua đó đảm bảo cho Mỹ không bị bất lợi trong ngoại giao nước lớn với Nga, Trung.

Mặc dù chiếc áo người Mỹ đo ni cho Nhật Bản sau hơn nửa thế kỷ đã tỏ ra chật chội và Tokyo đã có ý định nới rộng ra, nhất là từ khi ông Shinzo Abe ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2. Sau khi tái lập Bộ Quốc phòng ở nhiệm kỳ đầu tiên, ở nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Abe đã có ý định sửa đổi Hiến pháp để qua đó nâng cao năng lực của quân đội Nhật.

Việc luật hoá chủ trương gia tăng sức mạnh cho quân đội Nhật là cái đích hướng tới việc làm giảm vai trò của Mỹ đối với Nhật và cùng với đó là lợi ích sẽ giảm sút. Vì vậy, Washington được cho là đã có những động thái kiềm chế Tokyo, trong đó có việc gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, nhằm làm giảm nguy cơ đe doạ đất nước mặt trời mọc đến từ xứ Bắc Hàn.

Tuy nhiên, những tính toán của Washington bị cho là có những điểm ngày càng thiếu chuẩn xác - dự báo không sát khả năng phát triển kỹ thuật tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, không lường được hành động ngày càng liều lĩnh của Kim Jong-un, không có biện pháp hữu hiệu hoá giải cạnh tranh ngoại giao nước lớn với Trung Quốc - khiến nguy cơ đe doạ không được hoá giải.

Sự nguy hiểm khi Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng sức mạnh quân sự chống lại đe doạ từ Triều Tiên

Việc Bình Nhưỡng cho phóng tên lửa bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản và đặc biệt là thử bom H, khiến cho mối đe doạ với Nhật Bản ngày càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, Tokyo đã phải chủ động có những nước đi mà có thể làm thay đổi mối quan hệ truyền thống Mỹ - Nhật.

Tại một cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 11.9, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh rằng Tokyo cần phải xây dựng hệ thống các biện pháp thích hợp để sẵn sàng đối phó có hiệu quả với các chương trình phát triển kỹ thuật vũ khí của Triều Tiên, vì không có một quốc gia nào có thể bảo vệ cho Nhật Bản, ngoại trừ chính họ tự bảo vệ mình.

Theo tường thuật của Japan Today, Thủ tướng Abe đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cần sớm xây dựng chiến lược quốc phòng cho Nhật Bản trong trung hạn và nhanh chóng hoàn tất kế hoạch triển khai chi tiết để sẵn sàng đối phó với mối đe doạ từ Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng, những động thái thể hiện sự thay đổi quan trọng từ xứ sở hoa anh đào trong việc tự phòng vệ trước mối đe doạ từ xứ Bắc Hàn, chắc chắn sẽ tác động tới Hàn Quốc - một trong hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại Đông Bắc Á và cũng được Mỹ bảo trợ về an ninh.

Trừng phạt Bình Nhưỡng chưa hẳn khiến các đồng minh của Mỹ yên tâm

Còn nhớ, khi chỉ trong vòng hai tuần, từ ngày 24.8.2016 đến ngày 9.9.2016, khi Triều Tiên thực hiện 5 lần liên tiếp các vụ phóng tử tên lửa, các nhà lập pháp Hàn Quốc khi đó đã kêu gọi chính quyền nước này phải cân nhắc việc xây dựng tàu ngầm hạt nhân để đối phó hiệu quả với kỹ thuật hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nay Bình Nhưỡng đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa và cả bom nhiệt hạch khiến cho Seoul không thể không tính tới gia tăng sức mạnh quân sự để đối đầu Bình Nhưỡng, chứ không chỉ thực hiện việc hoàn tất lắp đặt hệ thống phòng thủ mà thôi.

Như vậy, cho dù nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ, nhưng những hành động manh động của Bình Nhưỡng đã thực sự đe doạ chủ quyền quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc - mà đây là vấn đề Washington không thể bảo trợ được. Do đó, khó có thể tránh được tình trạng cả Seoul và Tokyo đều phải chuẩn bị có những hành động đối phó của riêng mình.

Đây là lời cảnh báo rất nguy hại với Washington, bởi theo giới phân tích, sự ngông nghênh của nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn không nguy hiểm bằng sự trỗi dậy của sức mạnh quân sự từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Song đến giờ phút này thì điều đó đã hiện hữu khi Thủ tướng Abe yêu cầu với Bộ quốc phòng Nhật Bản xây dựng chiến lược công - thủ cho mình.

Rõ ràng, việc Triều Tiên đạt được thành quả quan trọng trong kỹ thuật tên lửa và hạt nhân không chỉ là mối đe doạ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, mà hiệu ứng của nó còn tác động tới nhiều vấn đề mà Washington không muốn đụng chạm tới, trong đó có chiến lược với các đồng minh của mình tại khu vực Đông Bắc Á.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thử bom nhiệt hạch, Triều Tiên khiến Mỹ rơi vào thế khó