Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31.12.2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025

Hoài Lam | 09/06/2023, 10:45

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31.12.2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Sáng 9.6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo luật tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở.

Tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. Dự thảo luật sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Cụ thể, dự thảo luật đã bổ sung việc áp dụng một số trường hợp theo pháp luật chuyên ngành tại điều 4 như: trình tự, thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất; việc xác lập, thực hiện hợp đồng, giao dịch dân sự đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...; bổ sung các nguyên tắc sử dụng đất liên quan đến tài nguyên và giá trị đi kèm với đất tại điều 6; chỉnh lý quy định tại điều 10 làm rõ hơn việc phân loại đất để sử dụng vào các mục đích.

Ngoài ra, rà soát, hoàn thiện điều 12 tách các khoản riêng về các hành vi bị nghiêm cấm của cơ quan quản lý nhà nước và của người sử dụng đất; bổ sung một số hành vi nghiêm cấm đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.

khanh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Quốc Khánh

Dự thảo luật cũng điều chỉnh quy định điều 17 theo hướng Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời làm rõ địa bàn được áp dụng chính sách; xác nhận quyền của người sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, điều chỉnh, công bố, công khai, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Bồi thường thu hồi đất phải bảo đảm công bằng

Liên quan đến việc thu hồi, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Bộ trưởng Khánh nhấn mạnh đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại; thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa; quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.

Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại điều 78; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, các luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại điều 81; quy định rõ việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư.

Theo đó, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền.

Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ…

Làm rõ nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất; bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.

Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

khanh-2.jpg
Quốc hội họp kỳ thứ 5, khóa 15

Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Đồng thời, dự thảo tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, dự thảo bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết ngày 31.12.2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Ngoài ra, dự thảo quy định UBND cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025