Chiều 8.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nhiều đại biểu ủng hộ thông qua Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Tú Viên | 08/06/2023, 17:15

Chiều 8.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đều bày tỏ đồng tình việc cần phải có Nghị quyết mới về các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Các ĐBQH cũng tập trung làm rõ sự cần thiết, thời điểm xem xét thông qua, tính hợp lý khả thi của các chính sách mới.

Theo các ĐBQH, TP.HCM là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%.

Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.

db.jpeg
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV - Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP.Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao về việc cần phải có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cho TP.HCM. Dự thảo nghị quyết mới dù đã có những chính sách, cơ chế mới hơn so với Nghị quyết 54 nhưng để nói đây là những chính sách mang tính mạnh mẽ, đột phá thì vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều ĐBQH.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết còn băn khoăn nhiều nội dung trong dự thảo, đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ...

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhất trí với chủ trương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TP.HCM nói riêng, các vùng kinh tế trong vùng và của cả nước nói chung.

Ông Mai cũng đồng ý với các cơ chế, chính sách dành cho Công ty đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM. Đây là công ty với vai trò quan trọng trong việc cho vay thuộc lĩnh vực đầu tư ưu tiên, cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho công ty này như phát hành trái phiếu quốc tế. Đồng thời ưu tiên đầu tư cho một số công trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, công trình dự án chống ngập vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển hệ thống đường sắt đô thị…

Về việc cho phép TP.HCM thí điểm thực hiện dự án BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, đại biểu Dương Khắc Mai tán thành cần có cơ chế đặc thù để phát triển, hiện đại hóa công trình đường bộ của TP.HCM.

Về ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, đại biểu cũng đồng tình cần có cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư. Ông Mai đề nghị cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, dù là ngân sách TP.HCM.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để TP.HCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín.

Ở góc độ y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có quy định quy mô dự án PPP thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo nhưng không thấp hơn 100 tỉ. Dù vậy, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thủ tục mua sắm khó khăn, nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở y tế công lập không nhiều.

Mặt khác, việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư quy mô dự án PPP lĩnh vực y tế là cần thiết nhằm giúp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các cơ sở y tế có thêm máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện công tác y tế dự phòng tại TP.

Đại biểu đề xuất bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế, không áp dụng hạn mức. "Nếu được Quốc hội chấp thuận, kiến nghị giao HĐND TP quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện", bà Thu kiến nghị.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều đại biểu ủng hộ thông qua Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM