Bình luận về nguyên nhân của tình trạng cán bộ không dám làm vì sợ sai đang ngày càng trầm trọng, TS Cù Văn Trung cho rằng điều này sẽ khiến cả hệ thống chính trị ì ạch, bị gián đoạn công việc chung và vô hình trung làm suy yếu tổng thể thể chế, bỏ lỡ các cơ hội và nhịp điệu phát triển.

Cán bộ sợ sai không dám làm sẽ khiến cả hệ thống chính trị ì ạch

Trí Lâm | 07/06/2023, 10:39

Bình luận về nguyên nhân của tình trạng cán bộ không dám làm vì sợ sai đang ngày càng trầm trọng, TS Cù Văn Trung cho rằng điều này sẽ khiến cả hệ thống chính trị ì ạch, bị gián đoạn công việc chung và vô hình trung làm suy yếu tổng thể thể chế, bỏ lỡ các cơ hội và nhịp điệu phát triển.

Những tranh luận xoay quanh tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, không dám làm vì sợ sai, sợ trách nhiệm đã làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua. Đa số ý kiến cho rằng tình trạng này đang ngày càng trầm trọng, lan rộng trong những năm gần đây. Nó không chỉ khiến hoạt động công vụ trì trệ mà còn cản trở nguồn lực phát triển của đất nước.

Đi tìm nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng này, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Cù Văn Trung - chuyên gia chính trị học, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục, xoay quanh vấn đề này.

- Thưa ông, có thể nói chưa khi nào tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm… dẫn đến không làm, đùn đẩy công việc lại đáng báo động như gần đây. Thậm chí có cán bộ tâm sự rằng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

- TS Cù Văn Trung: Hiện nay tình trạng này đã hiện diện như một thực tế trong hệ thống chính trị của chúng ta. Đó không còn là những cảnh báo, những phỏng đoán mà đã trở thành một vấn đề rõ ràng. Nó được nêu ra tại nhiều hội nghị, diễn đàn và tại kỳ họp Quốc hội lần này vấn đề đó lại dậy sóng nghị trường.

Theo tôi, đây là vấn đề mới, khi chúng ta nhận diện được rồi, nêu bật được vấn đề ra nhưng chưa thực sự có những giải pháp để ngăn ngừa, khắc phục. Quan sát thời gian qua, nhân dân thấy có những lúng túng, khó khăn trong việc định hướng, chỉ đạo và tháo gỡ điều đó.

Các cơ quan quản lý nhà nước, cao nhất là Chính phủ, cũng rất quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng nay. Điển hình là từ đầu năm đến nay Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục có các chuyến công tác làm việc, thúc giục nhiều bộ ngành, địa phương nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, khó khăn về mặt quản lý nhà nước được gây ra từ nguyên nhân của vấn đề này. Có miêu tả trong một bài báo ví von người đứng đầu Chính phủ như một đốc công, như vậy là chúng ta thấy được sự vất vả, bộn bề của những nhà lãnh đạo, quản lý trước tình trạng một bộ phận cán bộ như vậy.

5.jpeg
TS Cù Văn Trung, chuyên gia chính trị học, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục

Như bất kỳ một công dân nào, tôi cho rằng vấn đề nêu trên dẫn tới nhiều bất lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tập trung tìm kiếm các giải pháp, “xốc lại đội hình” cũng như khích lệ tinh thần của một bộ phận cán bộ như vậy là trách nhiệm không chỉ của các nhà lãnh đạo mà còn là nỗi trăn trở, suy tư của không ít người Việt chúng ta.

- Vậy theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Vì sao trước đây vấn đề này ít xảy ra, nhưng hiện nay, tình trạng này lại đáng báo động?

- TS Cù Văn Trung: Tình trạng này có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, không chỉ đơn thuần là do ảnh hưởng của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực hiện nay của Đảng ta như một số ý kiến.

Bản thân tôi cho rằng hiện tượng trên có nguyên nhân từ nhiều phía. Đó là sau một chu kỳ dài phát triển của đất nước, nguồn lực con người, tài nguyên thiên nhiên, vấn đề về xây dựng luật pháp và thể chế đã đến điểm tới hạn (chiếc áo chật). Do vậy, cần có các luồng sinh khí mới, cần có các động lực mới để khởi dậy các tiềm năng của đất nước và con người. Chính vì vậy mà trong văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng, cụm từ “khát vọng phát triển” được nhấn mạnh nhiều như thế.

Tiếp theo đó là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm thế giới và Việt Nam chững lại, nhiều nước tăng trưởng thấp. Nền kinh tế bị tác động một cách sâu sắc, từ xây dựng, đầu tư, xuất nhập khẩu… đến du lịch, dịch vụ, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đều khác trước.

Hiện nay các doanh nghiệp làm ăn khó khăn, người lao động thất nghiệp, hệ thống y tế, giáo dục gắng sức phục hồi. Thêm vào đó là ảnh hưởng của xung đột sắc tộc, tôn giáo và chiến tranh đang diễn ra trên thế giới cũng ít nhiều đến tác động đến hoạt động ngoại giao và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Giá dầu mỏ, khí đốt, ngoại thương và bang giao với nhiều nước gặp trở ngại.

Đặc biệt, một nguyên nhân nữa là công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động trong hơn 10 năm qua đạt được rất nhiều thành quả. Tuy nhiên, việc xử lý không ít cán bộ sai phạm khiến một số bộ phận cán bộ lo sợ và để đảm bảo an toàn nên họ dè chừng, cầu an, không dám làm, không dám tham mưu bởi sợ liên đới, sợ ảnh hưởng nên chắc ăn nhất là nghe ngóng, chờ đợi.

Tuy nhiên, nguyên nhân tôi coi là quan trọng nhất vẫn là vấn đề hiểu biết, nhận thức của bộ phận cán bộ đó trong hệ thống chính trị. Một nguyên lý đơn thuần là càng hiểu biết rộng, hiểu biết sâu, có kỹ năng thì năng lực làm việc, quyết đoán của con người càng nới rộng. Nếu cán bộ chỉ nhìn được những vấn đề lẻ tẻ, rời rạc thì tâm lý luôn sợ.

Khi người ta biết quyền hạn, chức năng, vị trí và vai trò của mình đến đâu, cũng như vấn đề của ngành, liên ngành, hệ thống dọc ngang, tâm lý học lãnh đạo, văn hóa học, luật học… thì cái sợ sẽ giảm đi. Chúng ta dường như đang còn bị hiệu ứng lây lan; tâm lý e ngại, sợ hãi cũng như thế, nó lan tỏa nhiều khi chủ thể cũng không biết hết là vì sao lại vậy nhưng thấy nhiều người nói, nhiều người sợ thì đâm ra sợ theo.

3.jpg
Tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm ngày càng trầm trọng

Công tác lãnh đạo, kỹ năng quản lý, thực thi công vụ tổng hợp sự hiểu biết, năng lực nới rộng của nhận thức cả về thực tiễn và pháp luật. Chỉ khi nào các cán bộ, chủ thể quyền lực tìm được điểm giữa thì mọi công việc được vận hành một cách trơn tru, thông suốt.

- Nhiều ý kiến cũng cho rằng do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau, ranh giới đúng sai không rõ ràng nên cán bộ thực thi “không vi phạm luật này cũng vi phạm luật kia” nên không dám làm. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- TS Cù Văn Trung: Chúng ta đều biết rằng nước ta có một nền lập pháp còn rất trẻ. So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển. Mặc dù nhà nước ta ra đời từ 1945 nhưng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ thực sự phát triển sau khi đất nước thống nhất năm 1975.

Từ sau 1975 đến nay, chúng ta trải qua nhiều khó khăn (đêm trước đổi mới) cũng như các cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới tây nam, phía bắc. Do vậy, khoảng thời gian thực sự chuyển mình trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp là hơn 35 năm trở lại đây.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã phát biểu tại kỳ hợp Quốc hội lần này là “các nước phát triển có luật cả trăm năm rồi, mình đang chuyển đổi thì chồng chéo là bình thường”. Sự hạn chế của lĩnh vực lập pháp có nguyên nhân từ chất lượng của những người làm luật. Hiện nay chúng ta đã có nhiều nhà lập pháp chuyên nghiệp. Thế hệ nhiều đại biểu quốc hội gần đây trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn. Chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai không xa hệ thống luật pháp của nước nhà ngày càng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, gần gũi, hiệu quả.

Một số quan điểm cho rằng hiểu pháp luật theo nhiều nghĩa trong cùng một điều khoản, hay có sự chồng chéo từ luật này hay luật kia cũng cần phải được nhận thức lại. Tôi nghĩ rằng với một thể chế như hiện nay, với những nỗ lực, quyết tâm xây dựng đảng thời gian qua do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, thì khó có thể xuất hiện lực lượng, tổ chức hay cá nhân nào tiếp tục lợi dụng sự co duỗi, nhập nhằng về các hạn chế của luật pháp hiện hành để kiếm chác thêm các lợi ích không chính đáng cho mình.

Thực tế đang minh chứng chỉ cần có những sự vụ áp dụng các điều khoản trong luật không rõ ràng, thiếu tính nhân văn và không hợp lẽ phải thì đều bị cộng đồng dân chúng, dư luận và báo chí, luật sư lên án, bảo vệ, phản biện tới cùng. Vụ cô giáo ở Nghệ An sử dụng 45 triệu đồng sai quy định mà bị xử mức án 5 năm tù là một ví dụ cho tinh thần đấu tranh vì công lý đến cùng của người dân hiện nay.

Tôi nghĩ rằng bây giờ không còn là thời của các mẹo mực, lươn lẹo, đổi trắng thay đen nữa. Một số cán bộ nhân danh nhà nước, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để làm càn, lôi kéo nhóm lợi ích hay trù dập người khác đều lãnh chịu nhiều hậu quả. Sự liên minh, liên kết không đơn giản và dễ dàng như một số sự việc trước đây.

Con người đã trưởng thành, phần đông cán bộ của chúng ta ngày càng nhận thức được rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nhân quyền được nâng lên, các quy định pháp luật đối với các cơ quan nhà nước được quy định rõ, kiểm soát quyền lực, phân cấp, phân quyền rành mạch. Sự kết cấu quyền lực, lạm dụng và khu trú quyền lực không còn dễ dàng như trước. Vì vậy, sự sợ hãi do các lỗ hổng, độ giãn của pháp luật cũng như hiểu nhiều cách khác nhau trong cùng một điều khoản khiến không ít cán bộ lo sợ cần sớm được nhìn nhận lại một cách đúng đắn và tự tin hơn.

Cán bộ sợ sai, suy yếu cả đất nước

- Tình trạng cán bộ không dám làm vì sợ sai gây ra những hệ lụy gì? Thưa ông?

- TS Cù Văn Trung: Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển của quốc gia. Chúng ta đều biết rằng mọi thể chế dù tốt hay xấu thì vấn đề chủ thể vận hành là rất quan trọng. Trong khoa học chính trị thì hành chính học là một phân nhánh chủ yếu, có lĩnh vực hành chính công, chính sách công, quản trị công… như là những nghiên cứu về sự vận hành của nhánh hành pháp trong bộ máy nhà nước. Nó quyết định tới độ nhậy, năng lực và sức mạnh của chính phủ kiến tạo do một đảng cầm quyền. Tức là mọi chủ trương, đường lối của Đảng có được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống hay không thì vai trò của chính phủ rất quan trọng. Vì vậy, cán bộ công chức của bộ phận này có ý nghĩa lớn lao như thế.

4.jpg
Tình trạng cán bộ sợ sai khiến nhiều dự án kinh tế ách tắc pháp lý, doanh nghiệp khó khăn

Bộ Nội vụ là một bộ chuyên tham mưu, quản lý và xây dựng đội ngũ công chức, viên chức cho toàn thể bộ máy nhà nước, nhưng chủ yếu nhất, sát sườn và nhiều việc nhất vẫn là quản lý đội ngũ công chức của nhánh này.

Vấn đề cán bộ sợ sai không dám làm sẽ khiến cả hệ thống chính trị ì ạch, bị gián đoạn công việc chung và vô tình nó làm suy yếu thể chế. Hệ lụy lâu dài là các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bị triển khai chậm chạp, ách tắc, dẫn tới việc bỏ lỡ các cơ hội và nhịp điệu phát triển.

Cùng với đó là các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế sẽ có những đánh giá thiếu thiện cảm và sụt giảm niềm tin vào các cơ quan công quyền. Điều đó cũng ảnh hưởng tới những nỗ lực chung của Nhà nước trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, thân thiện.

Cũng không nên quá bi quan về tình trạng trên. Trong phát biểu gần đây nhất của Chủ tịch UBND TP.HCM và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tăng trưởng của địa phương và cả nước đã có nhiều chuyển biết rất tích cực. Các chỉ số phát triển đều nhích lên không ngừng. Tức là cán bộ trong bộ máy đang dần bớt sợ, đang dần tìm được điểm bấu víu từ niềm tin là tiếng nói phản biện có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà lãnh đạo cũng như sự thông tin, phản ánh liên tục, mạnh mẽ của truyền thông, báo chí.

Bộ phận cán bộ đó sẽ vượt qua tất cả những cảm giác e ngại như một người bình thường để từ ấy chuyển mình sang một trạng thái khác, tự tin hơn, mạnh dạn hơn và cống hiến hơn. Chúng ta không nên vội vã, sốt ruột bởi mỗi một giai đoạn trưởng thành cần phải có thời gian chiêm nghiệm.

Công tác lãnh đạo, quản lý và thực thi công vụ cũng có những thời điểm khác nhau. Điều đáng mừng hơn cả là hiện nay nỗ lực phơi bày những hạn chế về tình trạng ấy ra ánh sáng một cách mồn một như thế, một cách ra rả như thế đã giúp bộ máy nhanh chóng vượt qua, bước qua những trạng thái khủng hoảng tinh thần của không ít cán bộ.

- Nhiều ý kiến cho rằng nếu cán bộ không dám làm thì nên từ chức, để người khác làm việc, không thể vừa không làm vừa vẫn giữ chức vụ khiến công việc ách tắc. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

- TS Cù Văn Trung: Tôi cho rằng ý kiến như vậy là không khả thi. Vấn đề từ chức ở nước ta rất khó, thậm chí các sai phạm của không ít cán bộ thời gian qua mặc dù đã có các quy định của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức trung ương về miễn nhiệm, từ chức mà đã khó thực hiện, huống chi tự nguyện từ chức.

Thậm chí cách thức, biện pháp thay thế những cán bộ sợ sai, không làm việc cũng khó thực hiện bởi chúng ta đánh giá thế nào để quan trắc và đo lường được hiện trạng tâm lý ấy. Các quy định chưa có, tiêu chí cũng chưa có để nhận diện và làm thước đo, làm căn cứ cho việc loại bỏ, cho thôi việc những cán bộ, công chức như thế.

Nhìn chung, mọi sự tác động một cách cứng nhắc, áp đặt như thế thường không mang lại hiệu ứng tích cực. Vấn đề bây giờ là làm sao khuyến khích, động viên họ, nới rộng các nhận thức của cán bộ, tránh tâm lý lây lan và cho rằng do công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cứ nhăm nhăm và nặng nề cho rằng đó là nguyên nhân để loại trừ nhóm lợi ích, đấu đá nội bộ… đều không phải là những nhận thức đúng đắn, đầy đủ. Đây là một công việc trong rất nhiều biện pháp của Đảng về xây dựng và chính đốn đảng, nhưng nó nổi bật hơn cả và gây được sự đồng tình, chú ý của hầu hết người dân.

- Theo ông, cần những giải pháp nào để đẩy lùi căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai?

- TS Cù Văn Trung: Trong khi chờ đời sự hoàn thiện của thể chế, của luật pháp, mà có lẽ cũng không nhanh được, thì bằng sự năng động, nhạy cảm, mỗi nhà chính trị, mỗi chủ thể quyền lực và các cán bộ, công chức, viên chức phải tìm cho mình cách thức làm việc phù hợp. Độ co duỗi, giãn nở trong sự cho phép giữa thực tế đời sống và các quy định chính trị đòi hỏi các chủ thể phải không ngưng nhận thức và học tập, tham khảo lẫn nhau, trên cơ sở có các tham mưu về mặt pháp lý, pháp chế của một số cán bộ được đào tạo bài bản chính quy từ ngành luật học.

Tôi cho rằng phải tìm các bảo trợ chính trị, các đồng minh cho những quyết sách và công việc của mình. Những cơ quan, như cá nhân chính trị và các công chức phải chứng minh sự trong sáng và minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình của mình trong mọi hành động ở cơ quan.

Cần tìm kiếm những cá nhân uy tín, những nhà khoa học và các nhà lãnh đạo về hưu tham vấn cho các quyết sách chính trị của cơ quan, địa phương mình. Họ phải là những người trăn trở với cuộc sống, có tiếng nói và tấm gương mẫu mực, những người ấy được mời như điểm tựa, đưa ra những cảnh báo sớm cho mỗi cơ quan, cá thể trong bộ máy. Và dĩ nhiên họ còn đủ sức khỏe, minh mẫn để được nhờ cậy. Kết hợp lâu dài, thành ý và tôn trọng họ cũng là một cách hướng dư luận, người dân, cán bộ của ta đối với các công việc mang tính mới, đòi hỏi sự đột phá, dám nghĩ dám làm.

- Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Ông đánh giá thế nào về điều này? Theo ông, việc xây dựng nghị định nên tiến hành thế nào để vừa giúp cán bộ dám nghĩ dám làm, nhưng cũng ngăn chặn tình trạng nhân danh dám nghĩ dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân?

- TS Cù Văn Trung: Trước hết tôi đánh giá cao dự thảo nghị định này của Bộ Nội vụ, thực ra tôi biết đây là một nghị định khó xây dựng. Dù khó nhưng quyết tâm làm còn hơn không, vì tính vĩ mô, rộng và khó bao quát vào các công việc, ngành, lĩnh vực nên Bộ Nội vụ cũng đang rất ráo riết, trăn trở trong việc xây dựng một nghị định như thế. Nghị định là một bước cụ thể hóa chủ trương trong Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tôi nhắc đi nhắc lại rằng chủ trương này cần được nhìn nhận khách quan, đó là tổng kết của quá trình lãnh đạo của Đảng và yêu cầu đặt ra trong tình hình mới về công tác cán bộ cũng như thực hiện các mục tiêu về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, chứ không hẳn do công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta có chủ trương về công tác cán bộ như vậy.

1.jpg
Cần nhanh chóng ban hành chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tuy nhiên, trong hiện tại, để thực hiện cả mục tiêu phát triển đất nước và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì một nghị định có tính chất cẩm nang, thường thức, trình bày sự ủng hộ, khuyến khích, điều dám làm nên làm để cán bộ an tâm công tác là vô cùng cần thiết với năng lực, trình độ của cán bộ hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ sợ sai không dám làm sẽ khiến cả hệ thống chính trị ì ạch