Lần đầu tiên một quả thận lợn đã được cấy ghép vào người mà không gây ra sự đào thải ngay lập tức bởi hệ thống miễn dịch của người nhận.

Thử nghiệm thành công cấy ghép thận lợn vào cơ thể người

Đan Thuỳ | 20/10/2021, 08:02

Lần đầu tiên một quả thận lợn đã được cấy ghép vào người mà không gây ra sự đào thải ngay lập tức bởi hệ thống miễn dịch của người nhận.

Đây là tiến bộ lớn với tiềm năng có thể giúp giảm bớt sự thiếu hụt nghiêm trọng các cơ quan nội tạng con người cho mục đích cấy ghép.

Ca phẫu thuật được thực hiện tại trung tâm y tế học thuật NYU Langone Health ở thành phố New York (Mỹ) đã sử dụng quả thận của con lợn có gen đã bị thay đổi các mô không còn chứa một phân tử có thể kích hoạt sự đào thải ngay lập tức.

Các nhà nghiên cứu nói với Reuters rằng người được cấy ghép thận lợn là một nữ bệnh nhân chết não có dấu hiệu rối loạn chức năng thận.

Trong 3 ngày, quả thận mới đã được gắn vào mạch máu của bệnh nhân và duy trì bên ngoài cơ thể cô, cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi hoạt động của nó.

anh-chup-man-hinh-2021-10-20-luc-08.41.41.png
Một quả thận lợn biến đổi gen đang được làm sạch trước khi cấy ghép vào cơ thể người - Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Robert Montgomery, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả kiểm tra chức năng của quả thận được cấy ghép “trông khá bình thường”.

Ông nói quả thận tạo ra "lượng nước tiểu như mong đợi" từ một quả thận người được cấy ghép và không có bằng chứng nào về sự đào thải mạnh mẽ, sớm thấy khi thận lợn chưa biến đổi được cấy ghép vào động vật linh trưởng.

Tiến sĩ Robert Montgomery cho biết mức creatinine bất thường của người nhận thận (chỉ số cho thấy chức năng thận kém) đã trở lại bình thường sau khi cấy ghép.

Khi nồng độ creatinine tăng cao đồng nghĩa với có rối loạn chức năng thận. Vì vậy khi chức năng thận bị suy chức năng thì khả năng lọc creatinine bị giảm dẫn tới nồng độ creatinine trong máu sẽ tăng cao hơn bình thường.

anh-chup-man-hinh-2021-10-20-luc-08.42.06.png
Quả thận lợn hoạt động bình thường khi được cấy ghép vào cơ thể người - Ảnh: Reuters

Tại Mỹ, có gần 107.000 người đang chờ ghép nội tạng, trong đó có hơn 90.000 người đang chờ được ghép thận, theo United Network for Organ Sharing. Thời gian chờ để tìm được một quả thận trung bình từ 3 - 5 năm.

Các nhà nghiên cứu đã làm việc trong nhiều thập kỷ về khả năng sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép nhưng đã bị hạn chế về cách ngăn chặn sự đào thải ngay lập tức của cơ thể con người.

Nhóm của Robert Montgomery đưa ra giả thuyết rằng việc loại bỏ gen lợn để lấy một loại carbohydrate gây ra sự đào thải (một phân tử đường được gọi là alpha-gal) sẽ ngăn chặn được vấn đề.

Con lợn bị biến đổi gen có tên GalSafe được phát triển bởi đơn vị Revivicor của United Therapeutics. Nó đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào tháng 12.2020 để sử dụng làm thực phẩm cho những người bị dị ứng thịt và được coi như nguồn tiềm năng của liệu pháp điều trị cho con người.

FDA cho biết các sản phẩm y tế được phát triển từ lợn vẫn cần có sự chấp thận cụ thể của họ trước khi được sử dụng trên người.

Các nhà nghiên cứu khác đang xem xét liệu lợn GalSafe có thể là nguồn cung cấp mọi thứ từ van tim cho đến ghép da cho bệnh nhân hay không.

Là người được ghép tim, Tiến sĩ Robert Montgomery cho biết thí nghiệm ghép thận ở NYU Langone Health sẽ mở đường cho các thử nghiệm ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, có thể trong 1 hoặc 2 năm tới. Những thử nghiệm đó có thể kiểm tra phương pháp này như giải pháp ngắn hạn cho những bệnh nhân bị bệnh nặng đến khi tìm được một quả thận phù hợp để cấy ghép.

anh-chup-man-hinh-2021-10-20-luc-08.41.58.png
Tiến sĩ Robert Montgomery - Ảnh: Reuters

Thí nghiệm hiện tại chỉ liên quan đến một ca cấy ghép duy nhất và quả thận chỉ được hoạt động trong 3 ngày. Ông Montgomery cho biết bất kỳ thử nghiệm nào trong tương lai đều có khả năng phát hiện ra những rào cản mới cần phải vượt qua. Những người tham gia có thể là những bệnh nhân có tỷ lệ nhận thận người thấp và tiên lượng xấu khi chạy thận.

“Với rất nhiều người chạy thận, tỷ lệ tử vong cũng cao như với một số bệnh ung thư, chúng tôi không nghĩ đến việc sử dụng các loại thuốc mới và thực hiện các thử nghiệm mới khi nó chỉ có thể giúp họ sống thêm được vài tháng", Montgomery nói.

Các nhà nghiên cứu đã làm việc với các nhà đạo đức y tế, các chuyên gia pháp lý và tôn giáo để kiểm tra khái niệm này trước khi yêu cầu một gia đình cho phép tiếp cận tạm thời với một bệnh nhân chết não.

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thử nghiệm thành công cấy ghép thận lợn vào cơ thể người