Trước mối lo ngại về tình hình căng thẳng đang dâng cao giữa Ả Rập Saudi và Iran có thể biến thành một cuộc xung đột quân sự toàn diện, Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh tiếng để làm trung gian hòa giải giữa hai cường quốc tại khu vực Trung Đông.
Ngày 5.1, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói Ả Rập Saudi và Iran nên sử dụng các kênh ngoại giao để làm dịu căng thẳng giữa hai nước sau vụ chính quyền Riyadh chặt đầu giáo sĩ nổi tiếng thuộc dòng Shiite Nimr al-Nimr, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có thể đứng ra làm trung gian hòa giải.
"Các kênh ngoại giao phải được mở ra ngay lập tức. Chúng tôi, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp những sự trợ giúp mang tính chất xây dựng, chúng tôi có thể đưa ra những giải pháp", ông Davutoglu nói trong một cuộc họp của đảng AK cầm quyền, về chuyện căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran đang tăng cao.
Ngày 3.1, Ả Rập Saudi đã cắt hết mọi quan hệ với Iran từ kinh tế cho tới ngoại giao sau vụ xử tử giáo sĩ Al-Nimr.
Khi được các phóng viên hỏi khi nào thì quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran có thể phục hồi, Đại sứ Ả Rập Saudi tại Liên Hợp Quốc, Abdallah Al-Mouallimi cho biết: "Rất đơn giản, Iran ngừng và chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, trong đó có chúng tôi".
"Nếu họ làm như vậy, chúng tôi tất nhiên sẽ khôi phục quan hệ bình thường với Iran. Chúng tôi không phải là kẻ thù truyền kiếp của Iran", ông Al-Mouallimi nói thêm.
Ngày 4.1, Bahrain và Sudan cũng đã theo bước Riyadh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Trong khi đó Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir nói với Reuters rằng Riyadh sẽ "đóng cửa" không lưu và cắt đứt mọi giao thương với Iran.
Ông Jubeir cho biết động thái của Riyadh là để đáp trả lại "chính sách hung hăng" của Iran với các nhà ngoại giao, ám chỉ vụ người biểu tình Iran xông vào đốt phá Đại sứ quán Ả Rập Saudi hôm 2.1.
Iran ngược lại cáo buộc Ả Rập Saudi dùng vụ đốt phá Đại sứ quán hôm 2.1 như là một "cái cớ" để cắt đứt quan hệ đồng thời kích động căng thẳng tôn giáo tại Trung Đông.
Thiên Hà (theo Reuters)