Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp chưa bảo đảm.

Thao túng giá thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi

Lam Thanh | 11/05/2022, 16:38

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp chưa bảo đảm.

Ngày 11.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.

Có 5/12 chỉ tiêu không đạt

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu NSNN đạt khoảng 1,56 triệu tỉ đồng, tăng 202,9 nghìn tỉ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thấp hơn dự toán là 4%.

Đồng thời, xuất siêu đạt hơn 4 tỉ USD; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng cao hơn mức đã báo cáo.

qh.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo

Có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (từ 3 - 3,5%).

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Chính phủ, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…

Ngoài ra, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 03, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật…

Thao túng chứng khoán ngày càng tinh vi

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, nhu cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát.

“Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các bộ, cơ quan này, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

vht.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Ngoài ra, vấn đề tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch COVID-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng… cũng được Ủy ban Kinh tế lưu ý cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng.

Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn hạn chế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục.

Đồng thời, ủy ban đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện đúng quy định trong quản lý, tăng cường chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi NSNN, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành.

qh3.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm.

Ngoài ra các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Do đó, đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thao túng giá thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi