“Không lẽ chúng ta chấp nhận bỏ nhiều nghìn tỉ tới đây để đầu tư mạng 5G, để rồi phải tiếp tục chấp nhận bán băng thông phá giá, còn lợi ích to lớn lại tiếp tục chảy về Facebook hay Youtube hay TikTok?”, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nói.

Không lẽ bỏ nhiều nghìn tỉ đầu tư 5G, để rồi lợi ích lại chảy về Facebook, Tiktok?

Lam Thanh | 11/05/2022, 13:36

“Không lẽ chúng ta chấp nhận bỏ nhiều nghìn tỉ tới đây để đầu tư mạng 5G, để rồi phải tiếp tục chấp nhận bán băng thông phá giá, còn lợi ích to lớn lại tiếp tục chảy về Facebook hay Youtube hay TikTok?”, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nói.

Tiền từ Việt Nam chảy hết vào túi... OTT nước ngoài

Tham luận tại Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” ngày 11.5, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, với những đặc trưng về văn hóa, lịch sử và truyền thống và là một thị trường lớn gần 100 triệu dân. Vậy mà 80% doanh thu quảng cáo trên mạng thuộc về Facebook, Google, TikTok, với doanh số hàng năm xấp xỉ 1 tỉ đô la tại thị trường Việt Nam.

“Các nhà mạng viễn thông của Việt Nam vẫn đang vất vả tìm xem có cách nào để tăng doanh thu từ nội dung số, trong khi vẫn thi nhau bán phá giá các gói nội dung video, truyền hình. Các công ty nội dung truyền hình và phim truyện xuyên biên giới thì cứ thoải mái khai thác thị trường Việt Nam mà chưa phải chịu bất cứ hình thức tiền kiểm nào về nội dung và về các điều kiện kinh doanh khác. Tại sao chúng ta lại phải chấp nhận thực trạng này? Chúng ta đang mất cảnh giác và mất kiểm soát ở chỗ nào?”, ông Lâm đặt câu hỏi.

ht-2.jpg
Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”

Theo ông Lâm, đã qua rồi cái thời mà chúng ta cứ phải chấp nhận không được là “chủ chợ”, không được làm người “chia bài” trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và kinh doanh các sản phẩm báo chí, truyền thông và nội dung số ngay chính trên sân nhà của mình.

“Sự áp đảo, tính ưu việt của các nền tảng xuyên biên giới là một thực tế. Nhưng nếu cứ tiếp tục coi đó như một trật tự thế giới mới, chúng ta sẽ vào trận với một tâm thế “chưa đánh đã thua, chưa chiến đấu đã đầu hàng.

Không lẽ chúng ta chấp nhận bỏ nhiều nghìn tỉ tới đây để đầu tư mạng 5G, để rồi phải tiếp tục chấp nhận bán băng thông phá giá, còn lợi ích to lớn lại tiếp tục chảy về Facebook hay Youtube hay TikTok?”, ông Lâm nói và cho biết một phần doanh thu của Facebook, Google đến từ việc chấp nhận quảng cáo cho nội dung xấu, tin giả, sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp, để rồi dùng chính nguồn lực đó để chi trả cho những cá nhân, tổ chức đang phát tán tin giả, nội dung xấu.

Phải "tiền kiểm" thay vì "hậu kiểm"

Do đó, ông Lâm đề nghị mạnh dạn khẳng định quan điểm phải bảo hộ một cách hợp lý đối với các doanh nghiệp trong nước; khuyến khích các mắt xích trong 1 hệ sinh thái số của Việt Nam bắt tay, hợp tác làm ăn với nhau theo một tỷ lệ ăn chia văn minh hơn, có lợi hơn cho các nhà sáng tạo nội dung trong nước.

Đồng thời đã đến lúc cần tới sự tham gia quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành liên quan yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về quản lý nội dung, lưu trữ dữ liệu, quản lý quảng cáo, quản lý thuế và thanh toán.

“Đây không phải là Việt Nam gây khó khăn cho các công ty xuyên biên giới, cũng không phải là vấn đề quan hệ song phương giữa Việt Nam với nước này, nước khác, mà chính là để tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; xóa bỏ định kiến rằng quản lý nhà nước đang bảo hộ ngược doanh nghiệp nước ngoài do thiếu quy định khả thi để quản lý họ”, ông Lâm nêu quan điểm.

Cũng theo lãnh đạo Cục Báo chí, có một điểm mấu chốt không thể nhượng bộ nếu ta muốn quản lý nội dung số từ các đơn vị cung cấp cả trong và ngoài nước, đó là ta bắt buộc phải thực hiện “tiền kiểm” (kiểm soát nội dung trước khi cung cấp lên các nền tảng số) chứ không thể chỉ “hậu kiểm”.

ott-2.jpg
Đề xuất tiền kiểm các OTT nước ngoài thay vì hậu kiểm

Với thực trạng hiện nay, những nền tảng (OTT) xuyên biên giới đang cung cấp các dịch vụ nội dung do người dùng tạo ra đang cung cấp nội dung không hề được “tiền kiểm”, đẩy sức ép rất lớn lên khâu “hậu kiểm” và xử lý, với nhiều hệ lụy về mặt văn hóa, tư tưởng mà ta không kiểm soát hết được.

Nếu để các nền tảng cung cấp nội dung chuyên nghiệp của nước ngoài cũng có thể thoải mái cung cấp nội dung không qua khâu “tiền kiểm” (như thực tế hiện nay với Netflix, Amazon, Apple...) thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT trong nước sẽ bị “trói chân trói tay” so với nước ngoài, và chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh sòng phẳng với các OTT xuyên biên giới. Lợi ích quảng cáo cũng vì thế mà tiếp tục chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài, lấy đi nốt nguồn tài chính quan trọng cho ngành công nghiệp nội dung của Việt Nam.

Thúc đẩy công nghiệp sáng tạo, kinh tế số

Theo ông Lâm, việc truyền thông chính thống (cả từ phía các cơ quan nhà nước và từ hệ thống báo chí) gần như bỏ trống trận địa mạng xã hội hiện nay khiến cho thông tin mất đối xứng, thiếu cân bằng và thiếu công bằng trên môi trường mạng xã hội. Xu thế này cần phải thay đổi.

Mặt khác, đã đến lúc xem xét sửa đổi chính sách để mở rộng không gian sáng tạo nội dung, đa dạng hóa các hình thức biểu đạt của người Việt, của các cơ quan truyền thông và kích thích sự đổi mới, sáng tạo.

Theo đó, cần đưa công nghiệp nội dung số trở thành một ngành tạo nhiều công ăn việc làm, trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp sáng tạo và kinh tế số, đưa nội dung số trở thành một khu vực kinh tế rộng lớn, quan sát, đo đếm được, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và cho tăng trưởng.

“Chúng ta hãy cùng tưởng tượng một kịch bản mọi người Việt nam, từ lúc mở mắt thức dậy đến khi lên giường đi ngủ đều lên Youtube và Facebook, TikTok để xem, đọc tin mà không cần quan tâm đâu là tin thật, đâu là tin giả. Trẻ em thì tìm cảm hứng và định hướng lối sống trên mạng qua các video của Khá Bảnh, Thơ Nguyễn hay bà Tân Vlog…. và không bao giờ còn cần biết biết đến các kênh truyền hình trong và ngoài nước.

Với những chiếc điều khiển tivi được cài sẵn các nút bấm tắt để xem Youtube, Netflix, việc bật tivi gần như đồng nghĩa với việc bật Youtbe, Netflix để xem. Không còn ranh giới giữa cái tivi truyền thống với kho tàng nội dung video trên Internet.

Nghe đến đây, có lẽ chúng ta đều thấy rằng đó không còn là tương lai, mà đã là một phần thực tế cuộc sống của chúng ta ngày nay. Và tình hình này hoàn toàn có thể sẽ còn tệ hơn, nếu chúng ta không hành động ngay, một cách sòng phẳng, quyết liệt và đồng bộ, để bảo vệ các giá trị văn hóa, tư tưởng và sáng tạo của người Việt trên môi trường mạng”, ông Lâm nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không lẽ bỏ nhiều nghìn tỉ đầu tư 5G, để rồi lợi ích lại chảy về Facebook, Tiktok?