Grab sắp công bố việc sáp nhập với công ty mua lại với mục đích đặc biệt của Altimeter Capitol (Mỹ) hôm 13.4. Qua đó sẽ định giá Grab ở mức gần 40 tỉ USD và niêm yết công khai ở Mỹ, 3 nguồn tin Reuters cho hay.
Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) được thành lập bởi một nhóm nhỏ các nhà đầu tư sành sỏi hoặc các chuyên gia đầu ngành (gọi chung là các nhà sáng lập SPAC) và tiến hành huy động vốn thông qua phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục tiêu là thu mua hoặc sáp nhập với một công ty chưa niêm yết đang hoạt động.
Việc sáp nhập này sẽ biến Grab trở thành thương vụ công ty mua lại với mục đích đặc biệt (công ty séc trắng, hay SPAC) lớn nhất từ trước đến nay.
Altimeter Capital là một công ty đầu tư tập trung vào công nghệ
có trụ sở tại Thung lũng Silicon. Altimeter Capital quản lý quỹ đầu tư công dài/ngắn hạn và quỹ đầu tư tư nhân giai đoạn tăng trưởng.
Các nguồn tin cho biết thỏa thuận của Grab với Altimeter Growth, công ty mua lại có mục đích đặc biệt do Altimeter Capital hậu thuẫn bao gồm cả khoản đầu tư tư nhân trị giá 4 tỉ USD vào vốn cổ phần công cộng (PIPE) từ một nhóm các nhà đầu tư châu Á và toàn cầu, trong đó có Fidelity International và Janus Henderson.
Các giao dịch sẽ cung cấp cho Grab khoảng 4,5 tỉ USD tiền mặt.
Grab cho biết quyết định trở thành công ty đại chúng của họ được thúc đẩy bởi hoạt động tài chính mạnh mẽ vào năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19.
Altimeter Capital quản lý hơn 15 tỉ USD đầu tư vào công nghệ gồm cả vốn tư nhân và đại chúng, được biết đến với vai trò hỗ trợ các công ty chuẩn bị ra mắt công chúng. Altimeter đã huy động được 850 triệu USD cho 2 công ty mua lại với mục đích đặc biệt.
Năm 2015, Altimeter đầu tư vào 15,1% cổ phần công ty phân tích dữ liệu Snowflake, giá trị 4,4 tỉ USD khi niêm yết tại New York năm ngoái.
Thỏa thuận mới với Grab có trụ sở ở Singapore, mà các nguồn tin trước đây cho biết chỉ trị giá hơn 16 tỉ USD vào năm ngoái, là chiến thắng lớn cho công ty ủng hộ nó ban đầu như SoftBank Group (Nhật Bản) và Didi Chuxing (Trung Quốc).
Anthony Tan, người đồng sáng lập Grab, hiện sở hữu khoảng 2% cổ phần công ty.
Việc niêm yết tại Mỹ sẽ mang lại cho Grab thêm sức mạnh tại thị trường chính là Indonesia, nơi đối thủ địa phương Gojek sắp sửa ký kết hợp nhất với doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu nước này là Tokopedia.
Với doanh thu thuần tăng 70% vào năm ngoái, Grab vẫn chưa có lãi nhưng hy vọng mảng lớn nhất của mình - kinh doanh giao đồ ăn - sẽ hòa vốn vào cuối năm 2021, khi nhiều người tiêu dùng chuyển sang giao đồ ăn trực tuyến sau đại dịch COVID-19.
Hai nguồn tin cho biết mức định giá gần 40 tỉ USD dựa trên giá trị vốn chủ sở hữu theo quy ước.
Năm ngoái, Mitsubishi UFJ Financial Group và công ty dịch vụ CNTT - TIS đã đầu tư 856 triệu USD vào Grab khi mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Mức định giá bội thu xác thực chiến lược của ông Anthony Tan nhằm tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực mới, gia tăng thị phần bằng cách bơm hàng tỉ USD để nội địa hóa các dịch vụ của mình và đầu tư vào các nền kinh tế tăng trưởng cao.
Grab đã thu hút sự chú ý toàn cầu vào năm 2018 khi mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á của Uber sau một cuộc chiến 5 năm tốn kém và đổi lại là cổ phần của công ty.
Giao dịch này của Grab sẽ vượt qua thỏa thuận trị giá 24 tỉ USD của nhà sản xuất xe điện Lucid Motors đã ký với công ty mua lại với mục đích đặc biệt vào tháng 2.2021.
Hoạt động tại 8 quốc gia và 398 thành phố, Grab đã trở thành công ty khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á. Tận dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ gọi xe bắt đầu vào năm 2012, Grab đã mở rộng sang cung cấp dịch vụ giao hàng thực phẩm và hàng tạp hóa, dịch vụ chuyển phát nhanh, thanh toán kỹ thuật số và đang thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bảo hiểm, cho vay ở khu vực 650 triệu dân.
Giàu tiền mặt và được niêm yết tại Mỹ, Sea cũng đang tập trung vào các dịch vụ tài chính và giao hàng thực phẩm ở Indonesia.
Cả Grab và Sea đều giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore vào năm ngoái.