Các chuyên gia đã cảnh báo kế hoạch xây đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc trên dãy Himalaya có thể đe dọa hệ sinh thái.

Dự án siêu thủy điện của Trung Quốc đe dọa hệ sinh thái

Hoàng Vũ | 13/04/2021, 12:27

Các chuyên gia đã cảnh báo kế hoạch xây đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc trên dãy Himalaya có thể đe dọa hệ sinh thái.

Theo Kế hoạch 5 năm chiến lược lần thứ 14 được công bố vào tháng trước, Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy thủy điện lớn ở hạ lưu sông Brahmaputra, một trong những con sông lớn của châu Á chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh và đổ ra vịnh Bengal.

Đập thủy điện này được xác định có công suất 60 GW, có thể trở thành đập thủy điện lớn nhất trên thế giới, vượt qua đập Tam Hiệp - công trình thủy điện trên sông Trường Giang - với công suất 22,5 GW.

dfqror7owzulq5fzuivkztrehqmr1dxen3dy6q3gxwaxgd3mbiqacxur8roxjqkoem5.jpg
Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc xả lũ - Ảnh: Xinhua

Phía Trung Quốc cho biết dự án này là một giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch vốn thân thiện với môi trường. Dự án siêu đập thủy điện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà hoạt động môi trường và các nước láng giềng như Ấn Độ và Bangladesh.

Brian Eyler, giám đốc chương trình năng lượng, nước và tính bền vững tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn của Mỹ, cho rằng “xây dựng một con đập có kích thước khổng lồ là ý tưởng thực sự tồi tệ vì nhiều lý do".

Theo ông, ngoài mối lo về hoạt động địa chấn, khu vực sông Brahmaputra còn chứa đựng sự đa dạng sinh học độc đáo. Nếu được xây dựng, con đập sẽ chặn quá trình di cư của cá, cũng như dòng chảy phù sa làm màu mỡ đất trong các trận lũ lụt theo mùa ở vùng hạ lưu sông Brahmaputra.

Ngoài ra, hàng triệu cư dân sống dọc lưu vực sông Brahmaputra cũng có thể sẽ buộc phải di dời tới nơi ở mới để nhường đất để xây đập.

“Di sản văn hóa Tây Tạng rất phong phú ở những khu vực này, và bất kỳ công trình xây dựng đập nào cũng sẽ gây ra sự phá hủy sinh thái, nhấn chìm các bộ phận của khu vực đó. Nhiều cư dân địa phương sẽ buộc phải rời khỏi nhà của tổ tiên”, Tempa Gyaltsen Zamlha, một chuyên gia về môi trường cho biết.

Sayanangshu Modak, thành viên cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát với chuyên môn về quản lý nước xuyên biên giới và quản lý rủi ro lũ lụt, khẳng định khu vực hạ lưu sông Brahmaputra có lịch sử về tuyết lở và lở đất và cũng là khu vực dễ xảy ra rủi ro vì nó đang hoạt động về mặt kiến tạo.

“Nếu có một tai nạn và vỡ đập, nó sẽ san bằng tất cả. Nhưng phía Trung Quốc sẽ không mất gì vì vị trí là nơi con sông thoát ra khỏi Trung Quốc. Nó sẽ tác động đến Ấn Độ, ở hạ nguồn”, Modak nói và nhấn mạnh rằng với việc kiểm soát dòng chảy của sông, Trung Quốc cũng có thể “gây ra lũ lụt ở hạ lưu” thông qua việc xả nước sông đột ngột.

rts1xn70_layout_-_comp.jpg
Một đoạn sông Brahmaputra chảy qua Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài nguyên nước Ấn Độ tiết lộ chính quyền New Delhi đã lên phương án giảm thiểu tác động bằng việc xây dựng một con đập khác ở hạ nguồn sông Brahmaputra để dự trữ nước.

“Việc cần thiết hiện nay là phải xây dựng một con đập lớn để giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án đập của Trung Quốc. Đề xuất của chúng tôi đang được xem xét ở cấp cao nhất trong chính phủ”, vị này nói, đồng thời tiết lộ thêm kế hoạch của Ấn Độ sẽ tạo ra một nơi trữ nước có dung tích lớn để bù đắp tác động của các con đập Trung Quốc đối với dòng chảy.

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc hiện đang kiểm soát nguồn gốc của phần lớn nguồn cung cấp nước ở khu vực Nam Á. Họ lo ngại khả năng Bắc Kinh vũ khí hóa nguồn nước bằng cách sử dụng việc kiểm soát dòng chảy để gây ra lũ lụt hoặc hạn hán tại hạ lưu.

Trước đó, vào năm 2016, Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc đã chặn luồng chảy một nhánh của sông Brahmaputra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp nước của quốc gia này.

“Trung Quốc có thể tận dụng sức mạnh trung tâm ở thượng nguồn Tây Tạng đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu nhất, đó chính là nước", nhà khoa học chính trị của Ấn Độ Brahma Chellaney nói và cảnh báo thêm rằng hoạt động địa chấn có thể biến hồ chứa phía trong đập của Trung Quốc trở thành một "quả bom nước" đối với cư dân ở hạ lưu.

"Vẫn còn nhiều thời gian để Ấn Độ đàm phán với Trung Quốc về tương lai của siêu đập và những tác động của nó. Một kết quả tồi tệ sẽ phải chứng kiến thêm một con đập khác được xây dựng ở khu vực hạ lưu”, Chellaney cho biết thêm.

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án siêu thủy điện của Trung Quốc đe dọa hệ sinh thái