Theo CNN, giới phân tích nhận định quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga cũng khó thay đổi tình hình chiến sự vì nhiều lý do.
Góc nhìn

Quyết định cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công Nga liệu có thay đổi tình hình chiến sự?

Cẩm Bình 01/06/2024 11:45

Theo CNN, giới phân tích nhận định quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga cũng khó thay đổi tình hình chiến sự vì nhiều lý do.

27 tháng chiến tranh là câu chuyện về nhiều lần vượt giới hạn. Sau khi thành công đẩy lùi đợt tấn công ban đầu, Ukraine không ngừng kêu gọi phương Tây viện trợ, ban đầu là đạn dược, rồi xe tăng, bom chùm, sau đó đến chiến đấu cơ.

Mỗi lần như vậy phương Tây đều chần chừ vì lo ngại khiến cuộc chiến leo thang và Nga sẽ đáp trả. Nhưng cuối cùng họ đều đồng ý viện trợ.

Tháng trước, dù nhận được thêm vũ khí mới từ Mỹ, Ukraine vẫn chưa thể sử dụng chúng theo ý muốn trong khi Nga đẩy mạnh đánh chiếm vùng Kharkiv phía đông bắc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó đã quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga, giới hạn ở khu vực biên giới gần thành phố Kharkiv. Pháp và Đức cũng công bố quyết định tương tự. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng đây là bước tiến giúp Ukraine giữ vững phòng tuyến.

quyet.jpg
Kharkiv bị Nga tấn công dồn dập thời gian qua - Ảnh: CNN

Diễn biến trên đánh dấu giai đoạn mới của cuộc chiến, tuy nhiên giới phân tích hoài nghi quyết định từ phương Tây liệu có khiến khả năng chống trả của quân đội Ukraine tăng lên hay không.

Tháng trước, sức ép kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hạn chế rất lớn. Trong bài xã luận đăng trên CNN, cựu hạ nghị sĩ Adam Kinzinger cùng tướng lục quân về hưu Ben Hodgescho biết: “Chúng tôi nghe binh sĩ Ukraine liên tục kể về việc lực lượng Nga tấn công, bị đẩy lùi rồi an toàn rút về lãnh thổ Nga để tái tập hợp, ăn uống nghỉ ngơi, lập kế hoạch rồi lại tấn công. Ukraine khó có thể giành chiến thắng nếu Nga tấn công hàng loạt mục tiêu dân sự mà chẳng hề bị trừng phạt bằng cách rút về lãnh thổ nước mình”.

Nhà phân tích Kateryna Stepanenko (Viện Nghiên cứu chiến tranh) phân tích quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga gần biên giới sẽ làm giảm hoạt động tấn công Kharkiv. Tuy nhiên, việc tấn công như vậy không ảnh hưởng đến cơ sở hậu phương nằm sâu trong lãnh thổ Nga, nên không đủ sức tạo bước ngoặt cho cuộc chiến. Ukraine cần vũ khí tầm xa để xử lý các mối đe dọa trên bộ lẫn trên không, vì nhiều sân bay Nga hỗ trợ thực hiện không kích Ukraine nằm ngoài tầm bắn của tên lửa GMLRS.

Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa cho phép việc dùng tên lửa ATACMS tầm xa (300 - 600km) tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga nên Ukraine chỉ có lựa chọn là tên lửa tầm ngắn GMLRS tầm bắn khoảng 70km.

Nhà phân tích Franz-Stefan Gady (Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế) cho rằng Ukraine dùng GMLRS tập kích khu vực tập trung lực lượng, trung tâm chỉ huy - kiểm soát và kho tiếp tế, qua đó khiến hoạt động tấn công Kharkiv của Nga trở nên khó khăn hơn.

Học giả Mathieu Boulegue (Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu) cũng đánh giá thay đổi chính sách sử dụng vũ khí cho phép Ukraine ngăn chặn tấn công hiệu quả hơn. Việc này đóng vai trò “công cụ” tăng cường năng lực phòng thủ chứ chẳng thể thay đổi tình hình chiến sự.

Bài liên quan
Bàn đàm phán gần kề: Ukraine có thể giữ được những gì?
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào năm 2022, tình hình khu vực và toàn cầu đã thay đổi sâu sắc. Cuộc chiến không chỉ định hình lại cục diện chính trị Đông Âu mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các cường quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết định cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công Nga liệu có thay đổi tình hình chiến sự?