Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3.4 cho biết cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ thiện chí để đạt một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm giữa hai quốc gia.
Phát biểu trên chuyên cơ Không lực một, ông Trump nói: "Tôi nghĩ Tổng thống Zelensky đã sẵn sàng cho một thỏa thuận. Tổng thống Putin cũng vậy". Dù không tiết lộ chi tiết nhưng nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh Washington đang có "nhiều cuộc trò chuyện tốt đẹp" với cả Nga và Ukraine.
Theo ông Trump, mục tiêu của Washington là kết thúc xung đột càng sớm càng tốt nhằm giảm thương vong. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng mình có thể đạt được điều mà châu Âu chưa làm được là đối thoại hiệu quả với Điện Kremlin.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp hòa bình. Đặc phái viên của Tổng thống Nga, ông Kirill Dmitriev, đã đến Washington để thảo luận với đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff. Cuộc gặp tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương và tìm kiếm giải pháp ngừng bắn cho Ukraine.
Ông Dmitriev đánh giá các cuộc trao đổi đã có tiến triển rõ rệt. Dù chưa công bố chi tiết, ông cho biết hai bên đang tiến gần đến việc xây dựng một thỏa thuận có thể trở thành cơ sở cho lệnh ngừng bắn tạm thời. Phái đoàn Nga bày tỏ đánh giá tích cực về thái độ hợp tác và lắng nghe từ phía Mỹ, đặc biệt liên quan đến các đề xuất an ninh của Moscow.
Lập trường các bên
Theo RT, một trong những điểm Moscow đánh giá cao là sự đồng thuận từ chính quyền Mỹ về vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine. Ông Dmitriev nhấn mạnh Tổng thống Putin coi việc Ukraine gia nhập NATO là "không thể chấp nhận được" và quan điểm này dường như đã nhận được sự chia sẻ từ phía Washington.
Phía Nga cho rằng việc loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO có thể tạo tiền đề thuận lợi cho một thỏa hiệp. Các cuộc gặp tiếp theo giữa hai bên đang được lên kế hoạch.
Ngoài ra, ông Dmitriev cho biết Nga sẵn sàng cân nhắc các đảm bảo an ninh cho Ukraine dưới những hình thức nhất định. Tuy nhiên, Moscow vẫn giữ nguyên các điều kiện lâu dài gồm việc Ukraine cần từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea cùng 4 vùng lãnh thổ khác là Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk. Nga cho rằng đây là các yếu tố cốt lõi dẫn đến xung đột và cần được giải quyết triệt để.
Trước những nỗ lực ngoại giao mới, các lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự thận trọng. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đến Brussels dự họp với các bộ trưởng ngoại giao NATO, đồng thời trấn an các đồng minh rằng Mỹ sẽ không vượt qua những ranh giới đỏ đã được Ukraine và châu Âu xác lập.
Đại diện cấp cao của EU, bà Kaja Kallas, cho biết ông Rubio đã đưa ra cam kết rằng "sẽ không có điều gì về Ukraine được quyết định mà không có Ukraine".
Bà nhấn mạnh mọi giải pháp cần nhận được sự đồng thuận của cả Ukraine và châu Âu vì chiến sự đang diễn ra ngay trên lãnh thổ lục địa này, theo Newsweek.
Triển vọng đàm phán và những thách thức
Dù các kênh đối thoại đang mở ra, quá trình đàm phán giữa các bên vẫn còn nhiều thách thức. Trong khi Washington thúc đẩy giải pháp ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột, Kyiv vẫn kiên định với các điều kiện chủ quyền, bao gồm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng lúc, Moscow giữ lập trường cứng rắn về các khu vực đã sáp nhập, đồng thời đòi hỏi Ukraine từ bỏ liên minh quân sự phương Tây. Sự khác biệt về quan điểm cốt lõi giữa các bên khiến việc đạt được thỏa thuận toàn diện trong ngắn hạn trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, việc cả Nga và Ukraine đều thể hiện thiện chí - cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của Mỹ - được coi là những dấu hiệu tích cực đầu tiên sau thời gian dài bế tắc. Giới quan sát cho rằng nếu các cuộc đối thoại tiếp tục duy trì ở cấp cao và đạt tiến triển thực chất, một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện tạm thời có thể là bước đệm quan trọng hướng tới hòa bình lâu dài.