Quy định không cho tách thửa đất xây dựng mới, đất hỗn hợp để chặn đầu nậu phân lô bán nền đang khiến hàng ngàn hộ dân ở TP.HCM gặp khó vì xin tách thửa.

Quy định chặn đầu nậu phân lô bán nền, hàng ngàn hộ dân khốn đốn khi xin tách thửa

Phan Diệu | 08/11/2020, 20:00

Quy định không cho tách thửa đất xây dựng mới, đất hỗn hợp để chặn đầu nậu phân lô bán nền đang khiến hàng ngàn hộ dân ở TP.HCM gặp khó vì xin tách thửa.

Hàng ngàn người dân gặp khó khi xin tách thửa

Bắt nguồn từ việc thiếu giám sát, buông lỏng quản lý khiến một số doanh nghiệp bất động sản và đầu nậu lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền, kinh doanh bất động sản trái với quy định khi áp dụng quyết định 33/2014 thì năm 2017, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 60/2017 thay thế quyết định 33/2014.

Sự ra đời của quyết định 60 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản TP.HCM phát triển lành mạnh, bền vững. Sau hơn 2 năm áp dụng, quy định này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, khiến việc xin tách thửa của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, quy định không cho tách thửa đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp làm ách tắc hoạt động tách thửa đất trên địa bàn thành phố, nhất là tại các quận ven và huyện ngoại thành trong hơn 2 năm qua. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng và nhu cầu tách thửa của hàng ngàn cá nhân, hộ gia đình. Trong khi đó, các địa phương khi giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân đều phải căn cứ theo Luật Đất đai, bởi luật là cơ sở pháp lý cao nhất.

dat-nen-phan-lo-tphcm.jpg
Quy định về tách thửa hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế - Ảnh: Phan Diệu

Cần sớm sửa quy định về tách thửa

Trước tình trạng này, ngày 8.11, ông Lê Hoàng Châu thông tin HoREA vừa kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các thửa đất ở có đất nông nghiệp xen cài được chuyển đổi mục đích sử dụng đất (với phần đất nông nghiệp) rồi thực hiện thủ tục tách thửa.

Ông Châu cho biết HoREA thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường là chỉ giải quyết tách thửa với đất ở đô thị, đất ở nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể của TP.HCM. Tuy nhiên, đề nghị quy định cần xét tới thực tiễn của thành phố. Cụ thể, tại các quận và các thị trấn, các điểm dân cư nông thôn thuộc các huyện có nhiều thửa đất vừa có phần diện tích đất ở, vừa có phần diện tích đất nông nghiệp xen cài, thuộc các khu dân cư hiện hữu, ổn định.

Bên cạnh đó, quy định cũng cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, nhất là với các thửa đất ở có xen cài đất nông nghiệp.

Vì vậy, hiệp hội này đề nghị dự thảo quyết định thay thế (hoặc sửa đổi, bổ sung) quyết định 60 của UBND TP.HCM cần bổ sung quy định cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất với phần đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện thủ tục cho phép tách thửa.

Theo đó, với trường hợp thửa đất không thuộc khu vực Nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt, UBND quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể. Việc này nhằm giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, sau đó thực hiện tách thửa đất theo quy định. Thửa đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa phải đảm bảo các điều kiện quy định về tách thửa.

Trường hợp sau khi tách thửa đất ở ra nhỏ hơn mà người sử dụng đất của từng thửa này tự nguyện thỏa thuận dành một phần diện tích của mỗi thửa đất để làm “thông hành địa dịch” gồm lối đi chung, xây dựng công trình cấp nước, cấp điện, thoát nước… thì diện tích đất ở của mỗi thửa đất vẫn được ghi nhận đầy đủ, kể cả phần diện tích đất làm “thông hành địa dịch” trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Hiệp hội cũng thống nhất đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường không quy định tách thửa với đất nông nghiệp và các loại đất khác, bỏ các quy định về thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp; bỏ quy định về tách thửa có hình thành đường giao thông trong quyết định thay thế (hoặc sửa đổi, bổ sung) quyết định 60c.

Ngoài ra, HoREA đề xuất bỏ thêm quy định về những trường hợp không được tách thửa tại điều 4 quyết định 60 của UBND TP.HCM, vì pháp luật về đất đai không giao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh.

Với người sử dụng đất nông nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hay xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp; người sử dụng thửa đất ở có nhu cầu tách thửa mà việc tách thửa có hình thành đường giao thông thì HoREA đề nghị họ phải lập dự án đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bài liên quan
TP.HCM quy hoạch TP.Thủ Đức tương lai như thế nào?
Theo quy hoạch, 10% diện tích TP.Thủ Đức sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định chặn đầu nậu phân lô bán nền, hàng ngàn hộ dân khốn đốn khi xin tách thửa