Theo quy hoạch, 10% diện tích TP.Thủ Đức sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập.

TP.HCM quy hoạch TP.Thủ Đức tương lai như thế nào?

16/10/2020, 15:13

Theo quy hoạch, 10% diện tích TP.Thủ Đức sẽ là công viên. Trong đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập.

Sáng 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 bước vào ngày làm việc thứ hai. Tại phiên họp này, đại hội nghe nhiều tham luận về định hướng phát triển TP.HCM trong nhiều lĩnh vực.

Tại phần tham luận của mình, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đã nói về đề án phát triển TP.Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố 2020 – 2035.

ong-nguyen-thanh-nha-dai-hoi.jpg
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã trình bày tham luận tại đại hội - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

10% diện tích thành phố phía đông là công viên

Theo ông Nhã, khu vực phía đông TP.HCM bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha (khoảng 10% diện tích thành phố) và quy mô dân số 1.013.795 người (chiếm 12% tổng dân số thành phố). Hiện nay, khu vực này đang sở hữu nhiều thế mạnh nổi trội của TP.HCM.

Ông Nhã dự báo giai đoạn 1 phát triển (2020-2025), thành phố phía đông tạo ra khoảng 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia. Đến giai đoạn 2 (2025-2030), thành phố này tạo ra khoảng 50.000 việc làm và giai đoạn 3 (2030-2040) là khoảng 150.000 việc làm.

Trong 10 năm nữa, dân số cư trú tại TP.Thủ Đức sẽ đạt mức 1,5 triệu, đến năm 2040 là 1,9 triệu và năm 2060 là 3 triệu người.

Bức tranh đô thị khi đó là giao thông công cộng cần phải đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại; mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường 4-6 km. Ngoài ra, đến năm 2040, khu vực này đảm bảo chống ngập tới tần suất 80% (5 năm mới xảy ra ngập một lần).

Đặc biệt, ông Nhã cho biết 10% diện tích thành phố phía đông sẽ là công viên. Song song đó, 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa). Thành phố phía đông cũng dự kiến bố trí 1.000-1.200 ha đất công nghiệp để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.

dai-hoi-ngay-thu-2.jpg
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 bước vào ngày làm việc thứ hai - Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM

8 trung tâm của TP.Thủ Đức

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, thành phố phía đông sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất là Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính. Khu đô thị này sẽ thu hút các hoạt động công nghệ tài chính. Đây là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng tạo ven mặt nước trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố.

Thứ hai là khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc. Khu liên hợp này đã được quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần, khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ này tại Đông Nam Á. Đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP.HCM trở nên khác biệt với các đô thị trong vùng, giúp cho việc thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại TP.HCM.

Thứ ba là Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học. Khu công nghệ cao hiện đã có các đầu tư giáo dục quốc tế và công ty sản xuất sử dụng công nghệ cao. Còn Công viên khoa học tại phường Long Phước, quận 9 đang tiếp tục hình thành và đầu tư xây dựng.

Thứ tư là khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục. Ông Nhã cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho các dự án phát triển gần Đại học Quốc gia thành phố.

Thứ năm là khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái. TP.HCM sẽ tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực phía đông quận 9 để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực.

Thứ sáu là khu Trường Thọ - Đô thị tương lai. Ông Nhã nói đây là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị”. Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật, khu Trường Thọ có vai trò như một khu đô thị mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới.

Thứ bảy là trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ - khu cảng quốc tế Cát Lái. TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ cảng để hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ tám là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trên tất cả các khu vực được phép xây dựng công trình tại 3 quận phía đông, TP.HCM sẽ thực hiện quản lý linh hoạt cho phép tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Với 8 trung tâm trên, ông Nhã cho rằng việc quy hoạch, đầu tư và hợp tác để xây dựng một khu đô thị sáng tạo không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, tài chính mà còn mang đến cơ hội quy hoạch phát triển đô thị dài hạn bền vững, thích ứng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện của TP.HCM.

Bài liên quan
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI họp phiên trù bị
Sáng 14.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 họp phiên trù bị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM quy hoạch TP.Thủ Đức tương lai như thế nào?