Maldives đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ với Trung Quốc từ chính quyền tiền nhiệm. Quốc đảo này lo ngại sẽ bị sa lầy trong "bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Quần đảo Maldives lo ngại sập ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc

Hoàng Vũ | 16/09/2020, 14:51

Maldives đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ với Trung Quốc từ chính quyền tiền nhiệm. Quốc đảo này lo ngại sẽ bị sa lầy trong "bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Khi ông trùm kinh doanh Maldives Ahmed Siyam gấp rút xử lý khoản vay 127,5 triệu USD từ Ngân hàng quốc doanh Xuất nhập khẩu Trung Quốc, Siyam đã xoa dịu mối lo ngại về việc quốc này rơi bẫy nợ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, khoản thanh toán nợ vào tháng 8 của ông Siyam đã nhắc nhở cho nhiều người nỗi lo ngại về rủi ro liên quan tới việc Maldives đang phải gánh những khoản nợ tổng trị giá hàng tỉUSD với Trung Quốc từ thời chính quyền tiền nhiệm.

Phía ngân hàng Trung Quốc đã khiến chính phủ Maldives gặp khó hồi tháng 7 khi yêu cầu ông Siyam phải trả 10 triệu USD vào đầu tháng 8. Công ty Ahmed Siyam Holdings (ASH) của ông Siyam được cho không thể thanh toán khoản tiền vào thời điểm mà phía Trung Quốc đưa ra.

Ngân hàng quốc doanh Xuất Nhập khẩu Trung Quốc sau đó đã yêu cầu chính phủ Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih xử lý khoản tiền trên nếu ASH vỡ nợ bởi khoản vay tới ASH đã được chính phủ Maldives bảo lãnh trước đó.

Một quan chức cấp cao từ văn phòng Tổng thống Solih tiết lộ, ASH phải trả lãi, trả nợ và phí cam kết vào tháng 7. Nếu ASH không trả được nợ đúng hạn, chính phủ, với tư cách là bên bảo lãnh, sẽ bị yêu cầu gánh nợ thay vì các điều khoản trong thỏa thuận.

Động thái siết chặt của Trung Quốc đối với cả doanh nhân và chính phủ là chưa từng có tiền lệ ở quốc gia Nam Á có vị trí chiến lược này. Các nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm nhận định rằng điều này như một lời cảnh báo cho các nước khác trong khu vực.

Cách xử lý khoản nợ cho ASH của ngân hàng Trung Quốc là một ví dụ điển hình trong hàng loạt khoản vay tiền với những điều khoản “mập mờ” mà Bắc Kinh đã cho Maldives vay dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen. Nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông Yameen kết thúc vào năm 2018 với dấu ấn rõ rệt nhất là chính sách nồng ấm với Trung Quốc.

Chính quyền của ông Yameen đã từng bước gia nhập vào "quỹ đạo" chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trải dài tới hàng chục quốc gia của Trung Quốc. Cụ thể, ông Yameen đã cho Bắc Kinh thuê một hòn đảo gần thủ đô với giá ưu đãi và mời các nhà thầu Trung Quốc tới xây dựng một cây cầu dài hơn 1,5km, hàng nghìn căn hộ, một đường cao tốc mới, một trạm bơm nhiên liệu máy bay và nhà ga hành khách tại sân bay quốc tế.

Với số lượng công trình nói trên, hoạt động xây dựng đã xuất hiện nhiều và nhanh chưa từng thấy tại đảo quốc ở vùng Ấn Độ Dương chỉ với khoảng 500.000 dân này. Theo những người trong cuộc, gần như tất cả các công trình đều được xây dựng dưới các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu và với mức giá cao đến nỗi một số người không khỏi đặt ra nghi vấn về tình trạng tham nhũng. Ông Yameen bị bắt vào năm ngoài vì cáo buộc thực hiện hoạt động rửa tiền.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đạt được thỏa thuận với ASH hồi đầu năm 2016 về việc xây khu nghỉ dưỡng lớn nhất Maldives và Wang Fukang, đại sứ Trung Quốc tại Maldives, đã tham dự lễ ký kết. Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Male mới chỉ đăng tải những thông tin chung chung về dự án trên trang web của mình.

Trùm kinh doanh Maldives Ahmed Siyam từng là thành viên Quốc hội Maldives và là một người ủng hộ liên minh cầm quyền của cựu Tổng thống Yameen. Khoản vay của doanh nhân này nằm trong tổng số 1,4 tỷ USD mà Maldives đang nợ Trung Quốc. Các đồng minh của Tổng thống đương nhiệm Ibrahim Mohamed Solih tin rằng khoản nợ thực tế cao hơn rất nhiều, từ 3,5 tới 5 tỷ USD. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này.

Sau khi lên nắm quyền hồi năm 2018, Tổng thống Solih đã yêu cầu mở một cuộc điều tra liên quan tới những giao dịch tài chính dưới thời người tiền nhiệm Yameen, bao gồm cả các khoản vay từ Trung Quốc. Tới nay, các nhà điều tra thuộc Ủy ban về Tham nhũng và Thu hồi Tài sản vẫn đang sàng lọc các tài liệu do "tính chất phức tạp của vụ việc”.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính Maldives, Trung Quốc đã cho các công ty quốc doanh của Maldivies vay 935 triệu USD theo dạng chính phủ Maldives bảo lãnh. Bắc Kinh được cho là đã cho chính phủ Maldives vay thêm 600 triệu USD. Ngân sách từ sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc đã đổ vào loạt dự án ở Maldives như việc xây cầu, mở rộng sân bay, nâng cấp mạng lưới điện. Các khoản cho vay của Trung Quốc tới Maldives đã bùng nổ sau chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc đảo hồi năm 2014.

Câu chuyện ở Maldives đã gợi nhắc về kế hoạch của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng đường xá, cơ sở hạ tầng và đường dây liên lạc trải dài gần 70 quốc gia – Sáng kiến “Vành đai con đường”. Giới phê bình cho rằng những cây cầu, đường cao tốc, nhà máy điện và cảng biển hầu như được thiết kế để đảm bảo những mục tiêu an ninh và ngoại giao của Trung Quốc, chưa kể các nước nghèo sẽ buộc phải bàn giao lại đất và các tài nguyên khác để thế chấp.

Tại một số quốc gia Châu Á, những quan ngại về nợ Trung Quốc đã trở thành vấn đề chính trị nóng bỏng khi bộ máy chính quyền mới phải "xử lý" những thỏa thuận do chính quyền tiền nhiệm để lại. Viễn cảnh khiến các nhà lãnh đạo tại Maldives lo lắng nhất chính là chuyện xảy ra tại Sri Lanka khi quốc gia này thất bại trong việc thỏa thuận lại các khoản nợ Trung Quốc và buộc phải cho Bắc Kinh sử dụng cảng biển quan trọng ở phía nam đất nước với thời hạn 99 năm.

Trung Quốc hiện cũng đã vấp phải sự chỉ trích, chủ yếu từ các nước phương Tây, cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng thao túng những người nghèo, các quốc gia đang phát triển với khoản nợ không bền vững, và đang tìm cách sử dụng điều này để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị.

Về phần mình, phía Trung Quốc cho biết, các khoản vay của họ rất được hoan nghênh và rất cần thiết, và chỉ ra rằng họ cung cấp cho các nước nghèo các khoản vay mà không có điều kiện tiên quyết về chính trị và cung cấp tiền cho những quốc gia mà các nhà tài trợ phương Tây bỏ qua.

Hoàng Vũ (theo Nikkei)
Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quần đảo Maldives lo ngại sập ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc