Các báu vật mới được khai quật ở tây nam Trung Quốc cho thấy dấu vết của mộ nền văn minh cổ đại chưa từng được biết đến. Khám phá này có khả năng viết lại lịch sử Trung Quốc.

Phát hiện kho báu bí ấn khiến Trung Quốc có thể phải viết lại lịch sử

Hoàng Vũ | 21/03/2021, 09:30

Các báu vật mới được khai quật ở tây nam Trung Quốc cho thấy dấu vết của mộ nền văn minh cổ đại chưa từng được biết đến. Khám phá này có khả năng viết lại lịch sử Trung Quốc.

Theo tờ SCMP, trong cuộc họp báo hôm 20.3, các nhà nghiên cứu và giới chức Chính phủ Trung Quốc đã xác nhận các cổ vật được khai quật tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, thuộc về một nền văn minh phát triển cao, có thể đã tồn tại hàng nghìn năm nhưng chưa bao giờ xuất hiện trong bất kỳ hồ sơ lịch sử nào.

Các nhà khảo cổ đã bắt đầu tiến hành khai quật quy mô lớn ở di chỉ Tam Tinh Đôi từ năm 2019. Đến nay, Trung Quốc đã tìm thấy hơn 500 đồ tạo tác được làm từ vàng, đồng, ngọc bích, ngà voi, có niên đại hơn 3.000 năm.

Sau khi phân tích và đánh giá, giới khảo cổ Trung Quốc nhận định chất lượng và độ tinh xảo của các cổ vật này vượt xa đồ tạo tác được chế tác cùng thời ở những khu vực khác tại Trung Quốc, kể cả ở vùng Trung Nguyên, cái nôi của triều đại nhà Thương quanh đồng bằng sông Hoàng Hà.

Một trong các cổ vật mới được khai quật đáng chú ý là chiếc mặt nạ bằng vàng. Đây có thể là đồ vật được các tu sĩ sử dụng trong nghi lễ tôn giáo. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số cổ vật bằng đồng lớn và lâu đời nhất thế giới tại di chỉ Tam Tinh Đôi, trong đó có "cây sự sống" cao tới 4m.

Những cổ vật mới được khai quật là bằng chứng về một nền văn minh bí ẩn có nền kinh tế thịnh vượng và công nghệ tiên tiến từng tồn tại.

Vì những đồ tạo tác này không có mối liên hệ rõ ràng nào với nền văn hóa Trung Quốc sau này và các nhà khoa học hiện chưa thể giải mã các ký hiệu trên chúng, nên đã có rất nhiều cuộc tranh luận về mục đích của các món đồ tạo tác đó.

bau-vat(1).jpeg
Mặt nạ bằng vàng tìm thấy ở di chỉ Tam Tinh Đôi - Ảnh: Xinhua

Shi Jinsong, Phó giám đốc Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết nền văn minh Trung Quốc theo truyền thống được cho là bắt nguồn từ Trung Nguyên.

“Trung Nguyên từ lâu được cho là trung tâm của nền văn minh Trung Quốc, với sự phát triển tiên tiến nhất. Những người sống bên ngoài khu vực này bị coi là những kẻ man di”, ông nói.

Theo Shi, nhưng những khám phá mới tại Tam Tinh Đôi cho thấy câu chuyện về nền văn minh Trung Quốc có thể phức tạp hơn người ta tưởng. “Nền văn minh Trung Quốc có nhiều khả năng là sự kết hợp của các nền văn hóa cổ đại khác nhau”, Shi nói.

Zhao Congcang, nhà khảo cổ học tại Đại học Tây Bắc, Tây An, rất sửng sốt khi nhìn thấy các đồ tạo tác được tìm thấy ở di chỉ Tam Tinh Đôi.

“Một số đồ tạo tác tương tự được tìm thấy ở vùng quanh sông Trường Giang và các nước Đông Nam Á, cho thấy nền văn minh bí ẩn chưa từng được biết đến hoàn toàn không bị cô lập, mà đã tham gia giao thương với nhiều khu vực khác”, Zhao cho hay..

Được biết, Tam Tinh Đôi cũng là tên gọi của một nền văn hóa thời đại đồ đồng trước đây chưa biết mà nó là di chỉ điển hình. Di chỉ Tam Tinh Đôi được phát hiện vào những năm 1930 và vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất với giới khảo cổ học Trung Quốc.

Hiện nay nhiều nhà khoa học tin rằng Tam Tinh Đôi là địa điểm của một đô thị lớn của Trung Hoa cổ đại. Văn hóa thời đại đồ đồng mà nó thuộc về đã được tái phát hiện vào năm 1987 khi các nhà khảo cổ học khai quật một lượng đáng kể các cổ vật có niên đại cacbon phóng xạ có niên đại từ khoảng thế kỷ 12 - 11 trước Công Nguyên.

1616291817116-1616291313577-tuy-xuyen-2.jpeg
Một cổ vật làm bằng đồng được khai quật tại Tam Tinh Đôi - Ảnh: Xinhua

Song Xinchao, Phó giám đốc Cục Di sản Văn hóa Quốc gia, cho biết khám phá tại Tam Tinh Đôi là một phần của chương trình quốc gia do chính quyền Trung Quốc phát động nhằm giải đáp một số "vấn đề lớn" trong lịch sử nước này. Theo Song Xinchao, mục đích của chương trình là để hiểu rõ hơn về sự hình thành của nền văn minh Trung Quốc bằng cách “kết nối mối liên kết còn thiếu giữa các vùng khác nhau”.

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện kho báu bí ấn khiến Trung Quốc có thể phải viết lại lịch sử