Bộ Truyền thông Nhật yêu cầu báo cáo về việc tiếp xúc dữ liệu với chi nhánh Trung Quốc.

Chính phủ Nhật giám sát, thu hẹp dùng ứng dụng chat hàng đầu vì lộ thông tin với người Trung Quốc

Nhân Hoàng | 19/03/2021, 21:33

Bộ Truyền thông Nhật yêu cầu báo cáo về việc tiếp xúc dữ liệu với chi nhánh Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản đang thu hẹp quy mô sử dụng Line và điều tra cách ứng dụng nhắn tin phổ biến này được dùng trong các thành phố. Lý do vì Line đang bị giám sát chặt chẽ về bảo mật dữ liệu sau khi để 4 kỹ sư trong chi nhánh ở Trung Quốc truy cập thông tin người dùng.

Thực hiện bảo trì hệ thống cho Line, 4 kỹ sư tại một công ty ở Trung Quốc đã được phép truy cập vào các máy chủ ở Nhật Bản từ năm 2018 chứa tên, số điện thoại và địa chỉ email của người dùng. 

Nhà điều hành của Line đã thừa nhận việc trên đầu tuần này. Giờ đây, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng Ban Thư ký Nội các sẽ tạm ngừng sử dụng Line cho bất kỳ thứ gì liên quan dữ liệu cá nhân. Bộ cũng sẽ yêu cầu Line báo cáo chi tiết hơn những gì đã xảy ra.

Bộ trưởng Truyền thông Nhật - Ryota Takeda nói trong một cuộc họp báo hôm 19.3 rằng điều này có nghĩa là tạm dừng các hoạt động tuyển dụng, trưng cầu ý kiến ​​và thu thập tin tức thông qua Line. Bộ sẽ yêu cầu tất cả các chính quyền địa phương báo cáo về việc sử dụng Line của họ trước ngày 26.3.

chinh-phu-giam-sat-thu-hep-dung-ung-dung-chat-hang-dau-nhat-vi-de-lo-thong-tin-o-trung-quoc.jpg
Line để 4 kỹ sư chi nhánh ở Trung Quốc truy cập thông tin người dùng Nhật Bản

Hôm 19.3, Thủ tướng Yoshihide Suga nói trong cuộc họp của ủy ban ngân sách rằng chính phủ Nhật sẽ "nỗ lực để đảm bảo an ninh" trên Line. Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato nói với các phóng viên cùng ngày rằng ban thư ký đang "có kế hoạch tạm ngừng việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến thông tin cá nhân cho đến khi mối lo ngại của ban quản lý về vấn đề này được xóa bỏ".

Hôm 17.3, Line xác nhận báo cáo rằng 4 nhân viên của một chi nhánh ở Trung Quốc có thể truy cập vào dữ liệu người dùng được lưu trữ trên các máy chủ bên trong Nhật Bản. Dù Line cho biết không có dữ liệu nào bị rò rỉ, nhưng tiết lộ này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật và các đảng phái chính trị gia tăng lo ngại về việc lộ thông tin ở nước ngoài.

Trong cuộc họp với các quan chức của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, Line giải thích rằng chỉ những người được ủy quyền mới có thể xem thông tin và không có trường hợp nào không phù hợp.

Thành phố Ichikawa ở tỉnh Chiba lân cận Thủ đô Tokyo đã nhanh chóng đình chỉ một phần việc sử dụng Line vào hôm 17.3. Cụ thể là dừng dịch vụ nộp đơn xin cấp bản sao giấy chứng nhận cư trú. Theo thành phố, việc nộp đơn này bằng Line chỉ chiếm khoảng 1% tổng số.

Ngày 18.3, Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân đã nhận được một hợp đồng ký gửi từ Line để xác nhận xem nó có tuân thủ đúng các quy định về chuyển dữ liệu cá nhân xuyên biên giới hay không. Ủy ban sẽ điều tra sự an toàn của các nhà thầu sử dụng Line.

Yusuke Fukuura, Tổng thư ký của ủy ban, cho biết 4 kỹ sư Trung Quốc đã truy cập vào máy chủ ở Nhật Bản tổng cộng 32 lần. Theo Yusuke Fukuura, họ nói rằng "chưa bao giờ được đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu cung cấp thông tin và cũng chưa bao giờ tự đệ trình".

Yusuke Fukuura nói thêm rằng việc thuê nhà thầu để truy cập các máy chủ ở Nhật Bản là điều phổ biến. Ông nói: “Có nhiều trường hợp nhân viên của các nhà thầu ở nước ngoài truy cập dữ liệu từ các trung tâm dữ liệu ở Nhật Bản”.

Hôm 19.3, Line cho biết sẽ hoãn một hội nghị kinh doanh được lên kế hoạch với SoftBank để ưu tiên giải quyết vấn đề bảo mật. Công ty liên kết với SoftBank là Z Holdings, trước đây có tên Yahoo! Japan, đã trở thành chủ ứng dụng này sau khi hợp nhất với Line vào đầu tháng 3.2021.

Người phát ngôn của công ty cho biết Line có 186 triệu người dùng trên toàn cầu và đã chặn quyền truy cập vào dữ liệu người dùng tại chi nhánh Trung Quốc. Tại Nhật Bản, Line có khoảng 86 triệu người dùng và trở thành phần chính trong cuộc sống trực tuyến của dân đất nước Mặt trời mọc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính phủ Nhật giám sát, thu hẹp dùng ứng dụng chat hàng đầu vì lộ thông tin với người Trung Quốc