Các nhà cổ sinh vật học gần đây đã phát hiện ra một loài động vật cổ đại có hình dáng kỳ dị từ hóa thạch nguyên vẹn ở Canada.

Phát hiện hóa thạch 450 triệu năm tuổi của sinh vật biển kỳ dị

Long Hải | 25/04/2022, 13:00

Các nhà cổ sinh vật học gần đây đã phát hiện ra một loài động vật cổ đại có hình dáng kỳ dị từ hóa thạch nguyên vẹn ở Canada.

hoa-thach.png
Hình ảnh mô phỏng loài Tomlinsonus dimitrii vừa được phát hiện

Hóa thạch “được bảo quản đặc biệt tốt” trong một mỏ đá được coi là điểm nóng của các hóa thạch biển, gần bờ phía đông của hồ Simcoe ở miền nam Ontario, Canada. Các nhà khoa học đã đặt tên cho khu vực này là “Paleo Pompeii”.

Được đặt tên là Tomlinsonus dimitrii, loài vật đại diện cho mẫu vật là một phần của nhóm động vật chân đốt Marrellomorph đã tuyệt chủng, sống trong kỷ Ordovic cách đây khoảng 450 triệu năm. Các hóa thạch da gai phát hiện trong khu vực thường chứa các bộ phận cơ thể đã khoáng hóa được bảo tồn theo thời gian, nhưng hóa thạch này hoàn toàn là thân mềm khiến việc khám phá ra nó trở nên hiếm có.

Tác giả chính của nghiên cứu Joseph Moysiuk, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về sinh thái học và sinh học tiến hóa tại Đại học Toronto, cho biết: “Chúng tôi không mong đợi tìm thấy một loài thân mềm tại địa điểm này. Khi nói đến hóa thạch, chúng ta thường nghĩ đến những thứ như xương và vỏ cứng. Tuy nhiên, việc bảo quản mô mềm là rất hiếm và chỉ được ghi nhận tại một số địa điểm trên khắp thế giới”.

Mẫu vật có kích thước 6 cm và có thể nằm gọn trong lòng bàn tay người. Nó có một tấm chắn đầu được trang trí công phu có chứa hai chiếc sừng cong được bao phủ bởi gai giống như lông vũ. Cơ thể nhiều đốt của con vật giống các động vật chân đốt khác, như côn trùng và nhện, và chứa nhiều bộ chi phân đoạn - trong đó có một cặp rất khác thường.

“Bên dưới phần đầu của nó có một cặp chi cực kỳ dài. Chúng tôi nghĩ nó có thể được sử dụng để phát hiện vật cản đường dưới đáy biển. Loài này cũng có vẻ như không có mắt”, Moysiuk cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra loài động vật chân đốt kỳ lạ vào mùa hè năm ngoái trong một cuộc khai quật mỏ đá đang hoạt động thuộc sở hữu của Tomlinson Group, công ty dịch vụ cơ sở hạ tầng có trụ sở tại miền đông Canada.

Trước cuộc khai quật này, George Kampouris, đồng tác giả của nghiên cứu, đã điều tra các lớp hóa thạch của mỏ đá từ năm 2014, chủ yếu được tìm thấy tại các địa điểm hóa thạch cũ hơn. Theo các nhà cổ sinh vật học, mẫu vật mới được mô tả giống một loài động vật chân đốt thân mềm khác đã tuyệt chủng có tên là Marrella glamens được tìm thấy tại Burgess Shale.

Tương tự như Burgess Shale, mỏ đá hồ Simcoe từng bị nhấn chìm trong nước và là một phần của vùng biển nông nhiệt đới bao phủ phần lớn khu vực là Canada ngày nay. Trải qua hàng triệu năm, đáy biển bị bao phủ bởi lớp trầm tích do bão gây ra.

Moysiuk nói: “Những gì chúng ta đang thấy là sự chôn vùi nhanh chóng của những sinh vật sống dưới đáy đại dương và liên tục bị vùi lấp bởi những dòng bùn lớn dưới đáy biển do các trận bão gây ra”.

Moysiuk và các nhà nghiên cứu hy vọng khám phá này sẽ giúp “thu hẹp khoảng cách” trong hồ sơ hóa thạch của nhóm động vật chân đốt tiền sử. Mẫu vật Tomlinsonus dimitrii hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hoàng gia Ontario và được trưng bày tại phòng Willner Madge như một phần của cuộc triển lãm mang tên “Bình minh của sự sống”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
2 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện hóa thạch 450 triệu năm tuổi của sinh vật biển kỳ dị