Trồng lúa trong đô thị, tìm kiếm và phát triển nguồn protein thay thế là cách Singapore củng cố an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động sâu rộng đến nhiều khu vực trên thế giới.
Sản xuất lúa gạo thường gắn liền với hình ảnh những cánh đồng lúa lớn ngập nước, nhưng đội ngũ nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu Khoa học đời sống Temasek (TLL) lại thử nghiệm trồng lúa trong đô thị.
Sau khi lúa nảy mầm trong nhà kính của TLL, chúng được chuyển đến trang trại công nghệ cao 6 tầng thẳng đứng xây dựng dựa vào bức tường trụ sở Cục Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB).
Hệ thống tưới nhỏ giọt chính xác cung cấp lượng nước cùng chất dinh dưỡng phù hợp đến rễ lúa, đảm bảo từng cây phát triển tối ưu. Netatech - công ty công nghệ quản lý trang trại - cho biết làm vậy giúp giảm lượng nước cần dùng để trồng 1 kg lúa từ khoảng 3.000 lít xuống chỉ còn 750 lít.
Không chỉ có hệ thống tưới nhỏ giọt chính xác giúp sản xuất lúa gạo bền vững và có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu hơn, cả bản thân loại lúa TLL thử nghiệm cũng là giống lai tạo đặc biệt chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán, lũ lụt.
Giám đốc điều hành TLL Peter Chia giới thiệu: “Chúng tôi xem xét lại thư viện về tính đa dạng của lúa và chọn ra những đặc tính bị mất khi con người muốn thu được năng suất cao hơn, sau đó lai tạo những đặc tính này vào loại lúa chất lượng tốt để cho ra đời giống lúa chúng tôi có hiện nay với tên gọi Temasek”.
Lứa gạo đầu tiên vừa được thu hoạch vào tháng 2, được TLL sử dụng cho công tác nghiên cứu cách trồng bền vững hơn, tạo ra giống lúa giàu dinh dưỡng hơn.
Dự án trên là một trong rất nhiều nỗ lực nghiên cứu thực phẩm thích ứng với khí hậu cũng như phương pháp canh tác bền vững tại Singapore, khi đảo quốc này tìm cách củng cố an ninh lương thực.
Theo báo cáo công bố tháng 2, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự báo nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ làm tăng khả năng xảy ra các đợt nắng nóng và lũ lụt ở châu Á. Việc này khiến khu vực đối mặt với mối đe dọa khan hiếm lương thực cùng hàng loạt nguy cơ sức khỏe.
Tình hình trên đặt ra thách thức lớn cho Singapore - quốc gia nhập khẩu đến hơn 90% thực phẩm. Báo cáo IPCC cũng chỉ ra biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thay đổi đáng kể về tài nguyên đất và nước cần thiết cho sản xuất lúa gạo cũng như năng suất lúa ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Stanford cũng khuyến cáo trong điều kiện khí hậu ở tương lai, năng suất lúa có thể giảm khoảng 40% vào năm 2100 - đem đến hậu quả nghiêm trọng cho thế giới với 3,5 tỷ người phụ thuộc vào gạo như lương thực chính.
Trong khi đó, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính nhu cầu gạo toàn cầu đang tăng khoảng 5 triệu tấn mỗi năm.
Để tiết kiệm và tăng năng suất, nông dân, kỹ sư nông nghiệp, nhà nghiên cứu tìm đến phương pháp tưới tiêu tốn ít nước cùng ngân hàng gien lưu trữ hàng trăm nghìn giống lúa sẵn sàng được phân phối hoặc lai tạo thành giống mới thích ứng khí hậu tốt hơn.
Năm 2016, hạt giống lúa Temasek được gửi vào kho dự trữ hạt toàn cầu Svalbard phòng trường hợp xảy ra thiên tai hoặc chiến tranh đe dọa đến tồn vong của nhân loại.
Tìm nguồn protein thay thế
Theo đánh giá độc lập của tổ chức phi lợi nhuận The Good Food Institute, Singapore hiện sở hữu mạng lưới công nghệ sản xuất protein từ thực vật tiên tiến nhất Đông Nam Á. Chính phủ đảo quốc dành ra hơn 105 triệu USD cho công tác nghiên cứu - phát triển nhằm sản xuất lương thực bền vững trong đô thị, tạo ra thực phẩm protein dựa trên công nghệ sinh học cũng như đổi mới trong an toàn thực phẩm. Hơn một nửa kinh phí này dành cho khoảng 30 dự án.
Những bước đi tiến bộ trên thu hút được một số thương hiệu toàn cầu như nhà sản xuất sữa thực vật Opris (Thụy Điển) cùng công ty khởi nghiệp thực phẩm lên men Perfect Day (Mỹ) đến Singapore hoạt động.
Năm 2020, công ty công nghệ thực phẩm NamZ (Singapore) tung ra loạt sản phẩm mới trong đó có mì ăn liền và sữa với thương hiệu WhatIF Foods. Chúng được làm từ hạt lạc Bambara cùng chùm ngây - hai loại thực vật có thể sống sót trong điều kiện khô hạn, đất nghèo dinh dưỡng.
Giáo sư William Chen thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) tin rằng giải pháp chính để đối phó khủng hoảng lương thực là tìm ra và phát triển nguồn protein thay thế như nấm hay côn trùng. Nhóm nghiên cứu của ông đang làm việc với một số công ty để tạo ra thực phẩm từ nấm giàu protein lẫn vi chất.
“Chúng ta không nên chờ đến lúc khủng hoảng lương thực nổ ra mới đi tìm thực phẩm thay thế, khi đó đã quá trễ”, giáo sư Chen nhận định.