“Thủ tướng cũng đặt vấn đề là làm sao tín dụng này không chảy vào một số 'đại gia' mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

‘Phải có giải pháp để tín dụng không ‘chảy’ vào một số đại gia’

Trí Lâm | 18/07/2017, 16:01

“Thủ tướng cũng đặt vấn đề là làm sao tín dụng này không chảy vào một số 'đại gia' mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Sáng 18.7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, trong 477 nhiệm vụ mà Chính phủ giao, NHNN đã hoàn thành 397 nhiệm vụ. Đến nay, nhiệm vụ mà NHNN chưa hoàn thành còn 83 vụ, trong đó có 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành và quá hạn, còn lại chưa hoàn thành nhưng vẫn trong thời hạn.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vấn đề tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất là hết sức quan trọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18-20%.

“Thủ tướng cũng từng đặt vấn đề là làm sao tín dụng này không chảy vào một số 'đại gia'mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN. Năm 2016, cả nước có 110.000 DN thành lập mới, 6 tháng đầu năm có xấp xỉ 60.000 DN mới, nhưng số DN dừng hoạt động, đóng cửa cũng nhiều, trong đó có yếu tố liên quan tới tín dụng”, Bộ trưởng Dũng nói.

Theo đó, Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%.

“Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỉ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các DN dành được 50.000 tỉ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỉ đồng, riêng tiền thuế thu nhập DN đã có 2.000 tỉ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỉđồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỉ đồng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

"Đề nghị Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng thương mại cố gắng giảm lãi suất, quản lý nợ xấu... để minh bạch tài chính, thanh khoản, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết “Thủ tướng nhắc đi nhắc lại 3 lần” là NHNN nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực rất lớn trong dân. “Làm sao huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân; thay vì gửi với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này, hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư".

“NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này. Chúng ta vẫn phải mua trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%, vậy huy động trong dân thế nào”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Đề cập đến vấn đề sở hữu chéo, Bộ trưởng Dũng cho biết sau khi NHNN ban hành Thông tư 36 thì việc sở hữu chéo được kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải không còn. Ví dụ trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, thì đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông tư 36, đây là giải pháp căn cơ.

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, ông Dũng cho biết muốn hạ lãi suất thì phải xử lý nợ xấu, nhưng không thể trong một chốc một lát. NHNN phải có giải pháp thực hiện sớm, thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết, có hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng từ việc bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu… “Không xử lý nợ xấu không thể hạ lãi suất”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rằng, qua tiếp xúc thì một số DN đang rất khó khăn với các thủ tục liên quan tới tài sản trên diện tích đất thuê. “Thống đốc tính toán thế nào để tạo thuận lợi cho DN, dù đất thuê nhưng tài sản trên đất làm sao có thể thế chấp để vay vốn”.

Mặt khác, liên quan tới Nghị định 67, tại Khánh Hòa có 17/54 trường hợp đủ điều kiện vay vốn đóng tàu nhưng ngân hàng không cho vay, ở Thanh Hóa cũng có một số trường hợp. Đồng thời chú ý triển khai gói tín dụng 100.000 tỉđồng cho nông nghiệp công nghệ cao, không sử dụng ngân sách mà NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành gói tín dụng này với lãi suất thấp hơn thông thường.

Nói về điều này, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN thông tin, hiện đã có 7 ngân hàng cam kết số vốn trên 100.000 tỉ cho vay nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, gói này hiện vẫn chưa triển khai giải ngân do còn một số vấn đề về thủ tục pháp lý của các địa phương liên quan tới đất đai.

Hoài Phong
Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Phải có giải pháp để tín dụng không ‘chảy’ vào một số đại gia’