Khi khảo sát chúng tôi ngạc nhiên là các số liệu về Trung Quốc không minh bạch. Số liệu về FDI thì có tương đối tốt, nhưng khảo sát về ODA Trung Quốc là bao nhiêu, vay bao nhiêu là không rõ ràng so với các nước khác. Đấy là điều tôi thấy ngạc nhiên”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành ngạc nhiên vì số liệu ODA Trung Quốc không rõ ràng

23/07/2019, 15:03

Khi khảo sát chúng tôi ngạc nhiên là các số liệu về Trung Quốc không minh bạch. Số liệu về FDI thì có tương đối tốt, nhưng khảo sát về ODA Trung Quốc là bao nhiêu, vay bao nhiêu là không rõ ràng so với các nước khác. Đấy là điều tôi thấy ngạc nhiên”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

Ảnh minh họa từ Internet

Theo báo cáo Vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố, vốn FDI từ Trung Quốc không chiếm ưu thế so với các nước khác trong việc xuất khẩu vốn vào Việt Nam.

Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam chưa nổi trội

PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho hay, năm 2017, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt khoảng 160 tỉ USD, riêng châu Á chiếm 69,5%. Châu Á là địa bàn chính của dòng vốn Trung Quốc khi luôn chiếm tỷ trọng từ 66-74% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của quốc gia này.

Trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á, vốn Trung Quốc rót nhiều nhất vào Hong Kong, tiếp theo là Singapore, Indonesia, Hàn Quốc… Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

“Cái đó gọi là FDI của Trung Quốc tuy tăng rất nhanh nhưng thực ra nằm ở Hong Kong, nước khác không chiếm nhiều tỷ trọng”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, lượng vốn Trung Quốc (gồm cả Hong Kong, Ma Cao) vào ASEAN (trừ Singapore) không nhiều so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Cụ thể năm 2017, ASEAN chỉ chiếm 21.4% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Tỷ lệ ở giai đoạn 2010-2016 lần lượt là 18,8%, 12,4%, 26,7%, 21,9%, 9,8%, 17,2%.

Chia tách vốn Trung Quốc vào ASEAN có thể thấy: vốn Trung Quốc vào đáng kể nhất là Malaysia (2016 hơn 4,8 tỉ USD, 2017 hơn 3,3 tỉ USD), Indonesia (2016 khoảng 2 tỉ USD, năm 2017 khoảng 2,5 tỉ USD), Thái Lan (năm 2016 khoảng 2,4 tỉ USD) rồi mới đến Việt Nam (2016 khoảng 1,8 tỉ USD, 2017 khoảng 1,3 tỉ USD).

So với tổng vốn FDI của các nước vào ASEAN, Trung Quốc chiếm tỷ trọng không lớn, năm 2016 là 16,3%, năm 2017 là 14,1%. Tỷ trọng của Nhật Bản lần lượt là 11,2%, 9,9%, tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan. Dù không lớn nhưng vốn Trung Quốc vẫn cao hơn các nước và tăng khá mạnh trong giai đoạn 2010-2017. Trong 7 năm, tỷ trọng vốn Trung Quốc vào ASEAN đã tăng gấp 2,4 lần.

Nếu xét riêng vốn của các nước Đông Bắc Á vào ASEAN, có thể thấy sự phân hóa khá rõ ràng. Vốn Nhật Bản đổ rất mạnh vào Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Trong khi đó, vốn Hàn Quốc chiếm ưu thế tại Việt Nam, cùng với vốn Nhật.

Tổng mức vốn FDI đăng ký hàng năm, xét riêng các quốc gia Đông Bắc Á cũng cho thấy sự vượt trội của dòng vốn Hàn Quốc, từ năm 2012-2018, vốn Hàn Quốc ăng gấp 2,5 lần, từ 25 tỉ USD lên khoảng 63 tỉ USD. Theo sau mới là Nhật Bản (năm 2018 khoảng 57 tỉ USD), Singapore (46 tỉ USD), Trung Quốc (33 tỉ USD), Đài Loan (31 tỉ USD).

Xét về ngành mà vốn đổ vào, mỗi nước có một chiến lược riêng, Trung Quốc chưa phải tay chơi lớn.

Vốn Trung Quốc vào Việt Nam năm 2016 tập trung ở các ngành dệt may (3,1 tỉ USD), bất động sản (2,3 tỉ USD), sản xuất kim loại (1,4 tỉ USD), khai khoáng (1,03 tỉ USD)…

Trong khi đó, Hàn Quốc tập trung vào điện tử (13,4 tỉ USD), bất động sản (5,3 tỉ USD sản xuất kim loại (4,7 tỉ USD), dệt may (3,2 tỉ USD).

“Qua đây ta thấy Trung Quốc, về vốn FDI chưa có điều gì đặc biệt nổi trội so với các nước đã đầu tư lâu đời ở Việt Nam. Vì sao như vậy? Vì đầu tư FDI mang tính tư nhân, kinh doanh, cho nên hành vi của nó thuần túy mang tính lợi nhuận, tính thị trường. Trong bức tranh ấy, EU, Nhật, Hàn… thì dòng vốn của Trung Quốc chưa phải là lớn”, ông Thành chia sẻ.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đến từ EPC?

Theo ông Nguyễn Đức Thành, sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng việc mổ xẻ vốn FDI không phải là yếu tố chính. Một nước ảnh hưởng đến nước khác thông qua sự hiện diện về thương mại, đầu tư, nhưng Trung Quốc lại chưa phải nhiều đến mức này. Vậy Trung Quốc chọn cái gì để hiện diện tại Việt Nam, ODA hay tổng thầu (EPC)?

“Khi khảo sát chúng tôi ngạc nhiên là các số liệu về Trung Quốc không minh bạch. Số liệu về FDI thì có tương đối tốt, nhưng khảo sát về ODA Trung Quốc là bao nhiêu, vay bao nhiêu là không rõ ràng so với các nước khác. Đấy là điều tôi thấy ngạc nhiên!”, ông Thành nói.

Chuyên gia này nhận định, FDI không phải là cái Trung Quốc gây ảnh hưởng được ở Việt Nam, bởi vì đó là của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì cạnh tranh, cách nó đi vào mang tính thị trường.

“Tôi cho rằng ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc đến từ các gói tổng thầu. Đây là kênh gây nhiều tranh luận nhất ở Việt Nam hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.

Tại buổi công bố báo cáo, TS. Phạm Sỹ Thành đã chỉ ra 3 vấn đề về kỹ thuật, tác động môi trường và chậm tiến độ của các nhà thầu Trung Quốc. Hai nhà máy nhiệt điện Hải Dương (EPC Trung Quốc) và Mông Dương 1 (EPC Hàn Quốc) cùng được đưa ra vào cuối năm 2011, đầu năm 2012.

Trong khi tổng thầu nhà máy Mông Dương 1 nhiều lần xin gia hạn tài chính, lùi tiến độ và đến tháng 7.2018 mới chỉ thi công được 30% tiến độ, nhà máy Hải Dương đã hoàn thành cả 2 tổ máy vào năm 2015. Đến nay, nhà máy do Hàn Quốc phụ trách đã sản xuất được 12,86 tỷ kWh điện.

Về kỹ thuật, so sánh giữa nhà máy nhiệt điện Na Dương (EPC Nhật Bản) và Cẩm Pha (EPC Trung Quốc), TS.Phạm Sỹ Thành dẫn chứng nhà máy do Trung Quốc phụ trách nhiều lần xảy ra sự cố với hậu quả nghiêm trọng. Nhà máy nhiều lần phải dừng hoạt động do cháy nổ phòng ác quy, cánh quạt tổ phát điện bị hỏng...

Trong số 30 nhà máy nhiệt điện của EPC Trung Quốc đang được vận hành, 19 nhà máy có các phản ánh về vấn đề môi trường. Với lĩnh vực hạ tầng, VEPR nêu ví dụ về tình trạng đội vốn 315 triệu USD của đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay, dự án này đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác thương mại.

Thực tế, theo ông Phạm Sỹ Thành, vốn Trung Quốc dù với lãi suất thấp cũng không rẻ hơn so với EU, Nhật Bản. Bởi tổng thầu Trung Quốc thường tính thêm các chi phí liên quan đến hợp đồng. Khi cộng lãi, mức lãi suất thực tế của nước này xấp xỉ các nước có công nghệ tiên tiến.

Tình trạng ham rẻ, móc ngoặc, phong bì

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định, bắt đầu từ năm 2010 Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài. Hiện họ đầu tư nước ngoài còn lớn hơn nhận đầu tư. Việt Nam thì đang nới room đầu tư ngoại cho nên phần này rất quan trọng, cần nghiên cứu.

“Trong điều kiện Trung Quốc đang chuyển đổi công nghệ đương nhiên họ có xu hướng đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài. Nước nào cũng thế thôi. Quan trọng nhất đây là lỗi của chúng ta chứ không phải lỗi của phía Trung Quốc”, ông Tuyển nói.

Theo ông, quyền lựa chọn dự án đầu tư là của Việt Nam, lựa chọn nhà thầu, công nghệ cũng là của Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam vẫn có tình trạng tiêu cực, ham rẻ, móc ngoặc, phong bì.

“Hàn Quốc tôi không biết, cũng có thể có, nhưng Trung Quốc thì ghê lắm. Riêng cái Cát Linh - Hà Đông, tôi xin nói Trung Quốc rất giỏi xây dựng hạ tầng. Họ xây dựng kinh khủng, cực nhanh, nhưng tại sao họ lại làm ở Việt Nam như vậy? Lỗi là tại chúng ta, chúng ta vay vốn của họ nhưng không kèm bất cứ cứ điều kiện nào, cần phải giám sát chặt. Sự yếu kém, tác động xấu từ đầu tư Trung Quốc trước hết là lỗi của cơ quan quản lý Việt Nam”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Ông Tuyển nhấn mạnh: “Phải thấy rằng càng ngày Trung Quốc sẽ càng đầu tư ra ngoài nhiều, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc muốn tạo ảnh hưởng. Còn chúng ta phải nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm lên để lựa chọn dự án, nhà thầu, công nghệ. Đừng cứ ham rẻ, mà chưa chắc đã rẻ, như Cát Linh có rẻ nữa đâu...”.

Lam Thanh

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Nguyễn Đức Thành ngạc nhiên vì số liệu ODA Trung Quốc không rõ ràng