Nguồn tiền nhàn rỗi tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Quang Huy - Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho biết tổng số phí thực thu trong nửa đầu năm nay là hơn 3.500 tỉ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, Bảo hiểm Tiền gửi không phải chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Tính đến ngày 20.6, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi được đầu tư tại đơn vị là hơn 52.000 tỉ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2018. Hầu hết lượng vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi được đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Trong nửa đầu năm nay, Bảo hiểm Tiền gửi hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 210 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt 46% kế hoạch cả năm 2019.
Hiện tại, toàn hệ thống tín dụng đang có 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, hơn 1.280 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, với nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ bảo hiểm với các khoản tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm.
Theo quy định, Thủ tướng là người quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, hằng năm các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam một khoản phí bằng 0,15%/năm tính trên toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia.
Cũng theo quy định hiện hành, toàn bộ khoản tiền gửi bằng tiền Việt Nam của người dân tại các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi nêu trên đều được tham gia bảo hiểm. Trong đó, mức bảo hiểm tối đa với các khoản tiền gửi của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng hiện nay quy định là 75 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi).
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo thống kê, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền.
Tuyết Nhung