Việc Tổng thống Mỹ đắc cử D.Trump nhận định Washington có nhiều sai lầm ngoại giao trong nhiều năm qua là có cơ sở. Ông Trump tin tưởng có thể đảo ngược tình thế ấy và ông bắt đầu bằng việc bổ nhiệm giám đốc Exxon Mobil làm người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ.

Ông Trump quyết sửa chữa những sai lầm ngoại giao thời Obama

20/12/2016, 14:49

Việc Tổng thống Mỹ đắc cử D.Trump nhận định Washington có nhiều sai lầm ngoại giao trong nhiều năm qua là có cơ sở. Ông Trump tin tưởng có thể đảo ngược tình thế ấy và ông bắt đầu bằng việc bổ nhiệm giám đốc Exxon Mobil làm người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ.

Ông Donald Trump, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ

Hãng tin Bloomberg ngày 13.12 đưa tin Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã chính thức quyết định chọn giám đốc của Exxon Mobil Corp là Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ trong thành phần nội các của ông. Dư luận cho rằng ông Trump đã gạt bỏ nghi ngại về “yếu tố Nga” trong việc bổ nhiệm người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một phát biểu mới đây tại thành phố West Allis, bang Wisconsin, ông Trump ca ngợi ông Rex Tillerson là một nhà ngoại giao lớn và là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tài năng nhất hiện nay. Theo ông Trump thì vị doanh nhân 64 tuổi này có sự sáng suốt và tài năng cần thiết để đảo ngược các sai lầm và thảm họa ngoại giao của Mỹ nhiều năm gần đây.

Theo Tổng thống đắc cử Trump, ông Tillerson là người có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới và điều này sẽ tạo ra hướng đi mới cho chính sách ngoại giao của Mỹ. Thay vì liều lĩnh can dự vào hàng loạt các chiến dịch can thiệp, chính quyền mới sẽ xây dựng một chiến lược dài hạn hướng tới ổn định, thịnh vượng, hòa bình và tái thiết đất nước.

Phải chăng nước Mỹ có sai lầm trong chiến lược đối ngoại và cần một hướng đi mới hay đó chỉ là cách tân Tổng thống Trump bảo vệ quan điểm trong bổ nhiệm nhân sự của mình?

Tiến thoái lưỡng nan – sai lầm lớn nhất của Mỹ trong đối ngoại

Trong hoạt động ngoại giao nói riêng và quan hệ đối ngoại nói chung, điều nguy hiểm nhất là bị động trước đối phương, dù đó là đối thủ, đối tác hay đồng minh. Ngoại giao quốc tế hiện nay là đa phương hóa, vì vậy là phải đa dạng hóa trong việc sử dụng các biện pháp, các công cụ ngoại giao để “thiên biến vạn hóa” trước đối phương, đảm bảo tốt nhất lợi thế, lợi ích quốc gia.

Khi đã bị động trước đối phương thì việc sử dụng các biện pháp sẽ phụ thuộc vào việc ra đòn của đối phương, và khả năng “thiên biến vạn hóa” trong trường hợp này chỉ còn là “tương kế tựu kế”. Cho dù nếu tương kế tựu kế thành công, kết quả đạt được rất mỹ mãn, song đó không phải là phương châm ngoại giao nhà nước vì đó luôn là bước thứ hai mang tính dự phòng.

Như vậy, nếu để rơi vào thế bị động trước đối phương, phải chờ đối phương ra đòn mới có thể sử dụng biện pháp đối phó thì đó là thất bại và nguyên nhân là sai lầm trong chiến lược hay sách lược bang giao. Tuy nhiên, bị động trước đối phương thì chỉ là sai lầm về sách lược, song nếu bị động với chính mình thì đó là sai lầm mang tính chiến lược và nguy hiểm hơn nhiều.

Doan Tong thong Obama o 7 khach san khac nhau tai TP HCM hinh anh 1

Để nước Mỹ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan là sai lầm lớn nhất của Washington dưới thời chính quyền Obama - Ảnh: AP

Bị động trước đối phương thì chờ đối phương ra đòn rồi mới tung đòn đối phó, hóa giải; còn bị động với chính mình thì không thể ra đòn với đối phương, không thể tung đòn hóa giải nguy hại với việc ra đòn của đối phương, bởi việc ra đòn, tung đòn đều có nguy cơ gây thiệt hại cho mình trước nhất, lớn nhất. Và đó chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay, hoạt động đối ngoại của Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều trường hợp, từ đó các hành xử, đối xử của Washington đều gây hại cho nước Mỹ hay nước Mỹ luôn phải trả giá cho các nước đi của mình. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong việc chuyển trục đối ngoại từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á - Thái Bình Dương.

Việc chậm trễ trong nhận diện nhưng vội vã trong hành động khiến cho Mỹ đang rơi vào cảnh đối mặt với các đối thủ nhưng không thể tựa lưng vào các đồng minh. Hệ quả đó là do chính quyền Obama nhanh chóng chuyển trục chiến lược đối ngoại của Mỹ khiến các đồng minh tại địa bàn cũ cảm nhận bị Washington vắt chanh bỏ vỏ nên hạ tầm quan hệ, thậm chí quay lưng.

Trong khi đó, tại địa bàn chiến lược mới thì Washington chưa thể vững chân trụ nên bị đối thủ dồn ép làm mất thế và kết quả là các đối tác tại địa bàn mới cảm nhận lợi ích chiến lược mà họ có được chỉ do Tổng thống Obama nói nhiều hơn là hành động thực tế của Washington. Điều đó khiến cho Mỹ chưa thể có các đối tác chiến lược tại địa bàn mới khi trục xoay.

Khi trục mới chưa xây được trụ móng nhưng trụ cũ đã lung lay khiến cho Washington rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan – tiếp tục xoay trục về địa bàn mới thì gặp quá nhiều khó khăn, mà xoay trục trở lại địa bàn cũ cũng gặp khó khăn không kém. Đây là nguyên nhân chính khiến Washington đang phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm là đồng minh xa lánh, đối tác hạ tầm.

Những thất bại lớn nhất của Washington

Có thể thấy rằng, khi Mỹ chuyển trục về châu Á - Thái Bình Dương thì xung đột tại Biển Đông được xem là vấn đề quyết định với việc xoay trục của Tổng thống Obama, song Washington đã việt vị trước Bắc Kinh trong nhiều nước đi chiến lược.

Phán quyết của Tòa trọng tài về đơn kiện của Phillipines đối với Trung Quốc - trong đó nghiêng về phía Manila - được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho các bên đang có tranh chấp tại Biển Đông, song với Washington thì đây lại không được xem là thắng lợi bởi lẽ với phán quyết ấy thì việc tạo ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này đã bị khoanh vùng nên giảm nhiều công lực.

Khi Bắc Kinh và Manila chủ động giải quyết xung đột, thậm chí có thể đưa vấn đề vào giải quyết song phương thì việc quốc tế hóa xung đột tại Biển Đông theo quan điểm của Washington có thể bị vô hiệu. Xung đột tại Biển Đông hiện nay vẫn rất phức tạp, song với Washington thì dường như vấn đề Biển Đông đã thành nước cờ tàn vì vai trò của Mỹ đã bị hạn chế rất nhiều.

Trong khi đó ở địa bàn chiến lược cũ, khi ông Putin làm hồi sinh sức mạnh Nga và tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine thì Mỹ và đồng minh nhanh chóng đưa vấn đề thành ván cờ nguy hại với Moscow. Tuy nhiên, khi Putin tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước Nga thì vấn đề xung đột tại Ukraine đã nhanh chóng trở thành ván cờ tàn với Mỹ.

Kết quả hình ảnh cho picture of Rex Tillerson

Bổ nhiệm CEO Exxon Mobil Corp Rex Tillerson là nước đi đầu tiên của tân Tổng thống Trump trong việc đảo ngược sai lầm, khắc phục thảm hoạ ngoại giao cho nước Mỹ. Ảnh : Common Dreams

Cho dù Mỹ và các đồng minh của Mỹ vẫn quyết sử dụng Ukraine vào mục đích trừng phạt Moscow nhưng việc gây thiệt hại cho đối phương không thua gì làm thiệt hại cho đối tác khiến Washington “lợi bất cập hại” trong ván cờ này. Đặc biệt, qua cách hành xử trong ván cờ Ukraine, Washington đã đẩy mạnh Moscow về phía Bắc Kinh, từ đó giúp hình thành liên minh chiến lược Nga - Trung, thách thức cả Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Washington chọn vấn đề vũ khí hóa học của chính quyền Assad để tìm cách xuất hiện một cách hợp pháp tại Syria, từ đó có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề xung đột tại Syria theo ý muốn của mình. Tuy nhiên, khi Moscow chọn biện pháp giao vũ khí hóa học của chính quyền Assad cho Washington giám sát và tiêu hủy, thì Washington đã bị tước mất cơ hội có thể đạo diễn ván cờ Syria.

Dù Washington và đồng minh chỉ trích Moscow và chính quyền Assad phạm tội ác chiến tranh nhưng việc Liên Hợp Quốc không thể thông qua một nghị quyết lên án Moscow và chính quyền Assad là một thất bại của Washington. Khi liên quân Nga - Syria giải phóng Aleppo khỏi sự kiểm soát của phe đối lập được Washington và đồng minh bảo trợ thì vấn đề Syria cũng gần như thành ván cờ tàn với Mỹ tại Trung Đông.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều quan chức kỳ cựu của đảng Cộng hòa, bao gồm 2 cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và James Baker, cùng các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Robert Gates đã dành nhiều lời khen ngợi cho ông Tillerson, khi ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ, cho dù năm 2014 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng ông Tillerson Huân chương Hữu nghị, vinh dự cao nhất của Nga dành cho một người nước ngoài. Và chính ông Tillerson cũng là người đã có những lập luận chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh châu Âu đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014.

Điều đó cho thấy, việc Tổng thống đắc cử Trump nhận định Washington có nhiều sai lầm và thảm họa ngoại giao trong nhiều năm qua là có cơ sở. Ông Trump tin tưởng có thể đảo ngược tình thế ấy và ông bắt đầu điều đó bằng việc bổ nhiệm giám đốc Exxon Mobil làm người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ. Vậy những nước đi tiếp theo vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ là gì, chúng ta hãy chờ xem.

Ngọc Việt

Bài liên quan
Ông Trump chọn tỷ phú giỏi đầu tư làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Đài CNN dẫn lời Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22.11 thông báo chọn tỷ phú Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump quyết sửa chữa những sai lầm ngoại giao thời Obama