Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã tạo ra quá nhiều khác biệt trong đời sống chính trị Mỹ, từ đó khiến cho nhiều người thuộc giới tinh hoa lo ngại ông có thể làm hại nước Mỹ. Song thực ra ông đang xây dựng lại hình ảnh của nước Mỹ với nền tảng là lợi ích cho người Mỹ và định danh lại để vị thế nước Mỹ phù hợp với vai trò thực tế trong thế giới đã có quá nhiều sự đổi thay.
The New York Times ngày 13.12 có đăng bài phân tích của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken về nguy cơ Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới. Nhà ngoại giao Mỹ lo ngại khi vai trò và vị thế của Mỹ sụt giảm thì những đối thủ của Washington sẽ tạo ra một trật tự thế giới mới bất lợi cho nước này.
“Dù Tổng thống Putin không phải là Stalin và Nga không phải là Liên Xô, song ông Putin đang tìm cách hồi sinh ảnh hưởng của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh qua vị thế và vai trò của Nga trên trường quốc tế. Dù Trung Quốc vẫn phải tập trung vào ổn định đất nước, song mô hình mới của quyền lực vĩ đại đã thách thức Mỹ khi chuyển trục về châu Á - Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng ông Blinken đã quá lo hay nói đúng hơn là sự lo lắng của nhà ngoại giao Mỹ đang được tân Tổng thống Donald Trump giải toả chứ không phải làm gia tăng nỗi lo cho những người Mỹ. Tại sao lại nhận định như vậy?
Hiện nay, vai trò của nước Mỹ không còn tương xứng với vị thế của nước Mỹ
Ngày 14.3.1990, Đạo luật số N.360-I về việc sửa đổi Hiến pháp Liên Xô năm 1977 được thông qua, chức danh tổng thống nhà nước đã chính thức trở thành một định chế trong hệ thống chính trị của Liên Xô. Đây là một dấu mốc rất quan trọng lịch sử chính trị thế giới, bởi lẽ bản chất của nhà nước Xô viết đã thay đổi. Và đó là dấu chấm hết cho sự tồn tại của thế giới lưỡng cực.
Từ sau sự kiện đặc biệt đó, Washington đã nhanh chóng tạo ra thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ và qua đó tạo ra nhiều ván cờ chính trị mới, sắp đặt nhiều bàn cờ chính trị mới trên thế giới. Vai trò của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới ngày càng được khẳng định với vị thế thống soái của Washington trên trường quốc tế.
Vai trò và vị thế của nước Mỹ đã có sự lệch pha - Ảnh: Livemint
Cùng với đó là hình ảnh và dấu ấn của nước Mỹ trong các định chế, tổ chức quốc tế. Luật Mỹ trong nhiều trường hợp đã được quốc tế hoá, trở thành nguyên tắc ứng xử, quy tắc hành xử đối với nhiều vấn đề nảy sinh trên thế giới. Từ vị thế độc tôn của mình, Washington đã tạo ra một trật tự thế giới với “đội hình bay” theo thứ tự mà Washington sắp đặt theo ý muốn của mình.
Ngày 1.7.1997, Hồng Kông chính thức trở về với Trung Hoa đại lục là một sự kiện được xem là phôi thai cho một sức mạnh sẽ trỗi dậy từ phương Đông và có thể thách thức đối với sức mạnh Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, Washington đã khinh suất, không chú trọng vào sự kiện mà từ đó giá trị truyền thống phương Tây bắt đầu bị hoà tan trong giá trị truyền thống phương Đông.
Ngày 31.12.1999, khi cả nhân loại đang hào hứng đón thiên niên kỷ mới thì một sự kiện chính trị đặc biệt diễn ra tại nước Nga, đó là Tổng thống Boris Eltsin tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho vị Thủ tướng trẻ tuổi Vladimir Putin. Song Washington cũng không quan tâm nhiều đến sự kiện này vì xem Putin cũng như bao quân cờ mà Eltsin đã từng sử dụng.
Sự chủ quan, khinh suất với hai sự kiện chính trị quan trọng đã khiến Washington phải trả giá khi sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc nhờ cải cách và phát triển nóng, còn tại nước Nga thì Putin ngày càng hồi sinh sinh sức một Liên Xô siêu cường. Khi nhận ra sự nguy hại đã cận kề thì Washington lại thực hiện các nước đi một cách quá vội vã.
Có thể thấy rằng, việc Tổng thống Obama quyết định xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương là một sự vội vã, khiến Washington rơi vào cảnh móng mới chưa xây được mà móng cũ đã lung lay. Khi liên minh Nga – Trung thể hiện sự thách thức thì nước Mỹ rơi vào thế đối mặt với các đối thủ nhưng không thể tựa lưng vào các đồng minh.
Việc xoay trục của Washington khiến cho các đối tác chiến lược, các đồng minh quan trọng cảm nhận như bị vắt chanh bỏ vỏ nên đã chủ động hạ tầm trong quan hệ với Mỹ, thậm chí rời bỏ Mỹ. Trong khi đó các đối tác tiềm năng thì không thể trở thành đồng minh của Mỹ vì họ chỉ thấy Obama nói nhiều mà lợi ích từ Washington thì không như kỳ vọng.
Thực tế đó cho thấy, hiện tại Mỹ vẫn có vị thế của cường quốc số một trên thế giới, song vai trò của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới đã có nhiều đổi thay. Việc Bắc Kinh lần lượt thay thế Washington trong nhiều định chế quốc tế hay việc Moscow đưa nhiều cuộc xung đột Nga – phương Tây thành những ván cờ tàn đã chứng minh sự lệch pha giữa vị thế của nước Mỹ với vai trò của Washington trên trường quốc tế.
Trump đang lấy lại vai trò cho nước Mỹ
Ông Antony J. Blinken cho rằng Moscow và Bắc Kinh đang tìm cách làm thay đổi trật tự thế giới mà Washington đã sắp đặt, do vậy Washington phải ra tay để đảm bảo đội hình bay theo thứ tự mà Washington đã sắp xếp. Tuy nhiên, từ khi ra tranh cử đến nay, những quan điểm và hành động của ông Donald Trump cho thấy vị tỷ phú muốn nhường lại vai trò cho đối thủ.
“Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, châu Á đang lo lắng chính quyền Trump sẽ từ chối tái xuất hiện tại các khu vực mà không thể thiếu vắng Mỹ. Họ lo lắng điều đó ngay từ khi ông Trump thực hiện chiến dịch tranh cử đến việc ông phê duyệt lãnh đạo các cơ quan sức mạnh của Mỹ đều là những người chuyên quyền và ủng hộ kết nối với Putin”, ông Blinken cho biết.
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump định vị lại nước Mỹ để phù hợp với cái danh đang mang. Ảnh: Slate
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Ông Trump bàng quan trước việc Nga tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay sự can thiệp của Moscow vào Ukraine, thậm chí ông Trump còn cho rằng NATO đã lỗi thời. Ông cho rằng Mỹ phải được tăng phí bảo vệ cho Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu không đồng minh tự bảo vệ mình trước sự đe doạ của vũ khí hạt nhân”.
Ông Blinken quan ngại khi tân Tổng thống Mỹ “tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều đó chẳng khác gì từ bỏ vị thế đầu tàu kinh tế của Mỹ tại khu vực châu Á chiến lược. Những tuyên bố của ông Trump khiến cho đồng minh lo rằng Mỹ sẽ rút lui vào cái kén của mình, để cho Nga và Trung Quốc thống trị thế giới cả về chính trị và kinh tế”.
Người viết cho rằng, những suy nghĩ và hành động của ông Trump là xuất phát từ tình hình thực tế tại nước, từ thực tế vai trò và vị thế của nước Mỹ với phần còn lại của thế giới, nhất là với đồng minh quan trọng và đối tác chiến lược của Mỹ. Ông Trump đang định vị lại thực tế nước Mỹ để phù hợp với cái danh đang mang.
Có thể thấy rằng, khi Washignton thực hiện Kế hoạch Marshall, khôi phục lại Tây Âu thời hậu Thế chiến II nhằm tạo ra vị thế đối trọng tốt nhất với Đông Âu nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Những sự giúp đỡ, che chở của Mỹ đã giúp cho các đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương phát triển nhanh chóng và trở thành bức tường vững chắc cho thế giới tự do.
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh Liên Xô – Mỹ kết thúc, lợi ích từ Washington cho đồng minh sụt giảm thì nước Mỹ nhận ra ngay bản chất của các mối quan hệ được gọi là đồng minh chiến lược. Khi Washington áp cấm vận, trừng phạt Moscow vì sự kiện Crimea thì các đồng minh liên tục xé rào, khai thác lợi ích từ nước Nga.
Những hiệp ước an ninh chung với Mỹ đã giúp cho Hàn Quốc và Nhật Bản miễn nhiễm với ngoại giao nước lớn, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho phát triển và nhanh chóng trở thành các cường quốc kinh tế, thậm chí có thể thách thức cả với kinh tế Mỹ. Vậy nhưng khi đã “đủ lông đủ cánh” thì họ liên tục tìm cách để có thể xé cái áo mà Mỹ đã khoác cho họ.
Vì những lợi ích chính trị mơ hồ phục vụ cho những nước đi không rõ ràng của Washington, nước Mỹ phải bảo trợ quá nhiều cho đồng minh, cho đối tác, từ đó khiến đối thủ dần qua mặt. Với nhãn quan của nhà quản trị chuyên nghiệp, ông Trump sẽ không chấp nhận đổi lợi ích thực tế lấy lợi ích mơ hồ và đó cũng chính là mong muốn của người Mỹ khi trao quyền lực cho ông.
Có thể thấy rằng, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã tạo ra quá nhiều khác biệt trong đời sống chính trị Mỹ, từ đó khiến cho nhiều người thuộc giới tinh hoa lo ngại ông có thể làm hại nước Mỹ. Song thực ra ông đang xây dựng lại hình ảnh của nước Mỹ với nền tảng là lợi ích cho người Mỹ và định danh lại để vị thế nước Mỹ phù hợp với vai trò thực tế trong thế giới đã có quá nhiều sự đổi thay.
Ngọc Việt