Theo Giám đốc điều hành DeepMind thuộc sở hữu của Google, trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ như bộ não con người có thể xuất hiện trong vòng vài năm tới.

Ông chủ Google DeepMind: AI mạnh mẽ như bộ não người có thể xuất hiện vài năm tới

Sơn Vân | 03/05/2023, 22:52

Theo Giám đốc điều hành DeepMind thuộc sở hữu của Google, trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ như bộ não con người có thể xuất hiện trong vòng vài năm tới.

Demis Hassabis, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập DeepMind (công ty có trụ sở tại London, thủ đô Anh), tin rằng AI mạnh mẽ như bộ não con người sẽ xuất hiện khi nghiên cứu AI tăng tốc.

Phát biểu tại hội nghị của Wall Street Journal, Demis Hassabis thừa nhận rằng "sự tiến bộ trong vài năm qua là khá khó tin". Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có các hệ thống AI có khả năng học hỏi và tự cải thiện một cách tự động vài năm tới”.

Các bình luận của Demis Hassabis được đưa ra khi Google đang cố gắng tăng cường kinh doanh bằng cách tập trung gấp đôi vào lĩnh vực AI, nhằm chống lại sự cạnh tranh từ OpenAI (công ty phát triển ChatGPT được Microsoft hậu thuẫn), đồng thời bảo vệ đơn vị tìm kiếm cốt lõi của mình.

Demis Hassabis đang đóng vai trò trung tâm trong sứ mệnh của Google nhằm nâng cao khả năng AI. Vào tháng 4, Google đã công bố Demis Hassabis là lãnh đạo đơn vị mới thành lập, nơi kết hợp DeepMind với Google Brain (bộ phận nghiên cứu AI riêng biệt).

Sau khi được thành lập vào năm 2010, DeepMind đã thực hiện sứ mệnh của mình là giải câu đố về trí thông minh bằng cách chế tạo những cỗ máy có khả năng học hỏi, suy nghĩ và hành động theo cách của con người. DeepMind trở nên nổi tiếng trong năm 2016 sau khi chương trình AlphaGo của họ đã đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử máy học.

Công ty đã tạo ra mạng lưới thần kinh biết cách học chơi game, làm việc, tư duy… tương tự như con người. Mạng lưới thần kinh này sẽ bắt chước những hành vi của não bộ, từ đó đưa ra những hành động độc lập hoặc được lập trình sẵn nhằm thực hiện những việc có tư duy cao. Vào năm 2014, Google đã mua lại DeepMind với giá 500 triệu USD.

ong-chu-google-deepmind-ai-manh-nhu-nao-nguoi-co-the-xuat-hien-vai-nam-toi.jpg
Demis Hassabis tin rằng AI mạnh mẽ như bộ não con người có thể xuất hiện vài năm tới - Ảnh: Getty Images

"Cần phát triển các công nghệ generative AI thận trọng"

Hiện các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI ngày càng chia rẽ về lợi ích của việc tạo ra generative AI. Điều này đặc biệt đúng khi các mô hình ngôn ngữ lớn hiện tại, nền tảng cho ChatGPT và Google Bard, đang đối diện với các vấn đề về độ chính xác và lạm dụng. Các vấn đề này đã trở thành mối quan ngại của những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI vì có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn và tiềm ẩn nguy cơ với xã hội, loài người.

Generative AI là loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Tuy nhiên, Demis Hassabis cho biết trong hội nghị của Wall Street Journal rằng ông không thấy bất kỳ lý do nào tiến độ AI sẽ chậm lại, nhưng có gợi ý rằng việc phát triển các công nghệ generative AI cần phải được thực hiện "một cách thận trọng bằng phương pháp khoa học", đòi hỏi thực hiện các thí nghiệm và kiểm tra nghiêm ngặt.

Mới đây, Geoffrey Hinton (có biệt danh “Bố già của AI” ở Google) đã rời bỏ sự nghiệp kéo dài hơn một thập kỷ tại công ty. Điều đáng nói là Geoffrey Hinton hối tiếc về vai trò cốt lõi mà ông đóng góp vào việc phát triển AI.

"Tôi tự an ủi mình với lý do bình thường: Nếu tôi không làm thì người khác sẽ làm. Thật khó để biết làm thế nào bạn có thể ngăn những kẻ xấu sử dụng AI cho mục đích xấu", Geoffrey Hinton nói với tờ The New York Times.

Việc Geoffrey Hinton rời Google diễn ra vào thời điểm cuộc đua phát triển các sản phẩm AI giống ChatGPT và Bard đang nóng lên.

Có những đóng góp vào lĩnh vực AI từ nhiều thập kỷ trước, mở đường cho việc tạo ra các chatbot đó, Geoffrey Hinton nói rằng giờ đây ông lo ngại công nghệ này có thể gây hại với loài người.

Ông cũng lo ngại về cuộc đua AI đang diễn ra giữa những gã khổng lồ công nghệ và đặt câu hỏi rằng liệu có quá muộn để tạm dừng lại hay không.

Hôm 1.5, sau cuộc phỏng vấn với The New York Times, Geoffrey Hinton tweet rằng ông rời đi để có thể "nói về sự nguy hiểm của AI mà không cần xem xét điều này tác động đến Google như thế nào", đồng thời tuyên bố công ty cũ đã hành động rất có trách nhiệm.

"Geoffrey Hinton đã tạo ra những bước đột phá quan trọng cho lĩnh vực AI và chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của ông trong suốt thập kỷ qua tại Google", Jeff Dean, nhà khoa học trưởng của Google, nói với trang Insider.

Một số nhân viên Google lo ngại về Bard

Dù Geoffrey Hinton không chỉ trích Google riêng lẻ trong nhận xét tổng thể về AI, một số nhân viên Google bày tỏ lo ngại về Bard.

Sau khi các nhân viên Google được giao nhiệm vụ thử nghiệm Bard, một số người nghĩ rằng chatbot này có thể gây nguy hiểm, theo trang Bloomberg. Các nhân viên này nghĩ Google không ưu tiên đạo đức AI và đang cố gắng phát triển công nghệ đó một cách nhanh chóng để bắt kịp ChatGPT. Hai nhân viên đã cố gắng ngăn Google phát hành Bard, theo báo cáo trước đó từ The New York Times.

"Chúng tôi vẫn cam kết thực hiện một cách tiếp cận có trách nhiệm với AI. Chúng tôi không ngừng học hỏi để hiểu những rủi ro mới nổi, đồng thời cũng mạnh dạn đổi mới", Jeff Dean cho biết trong một tuyên bố. Ông cũng giới thiệu với trang Insider về Nguyên tắc AI của Google và hai bài đăng trên blog công ty trình bày chi tiết cách họ đang phát triển AI.

Geoffrey Hinton nói rằng ông lo lắng các sản phẩm AI sẽ dẫn đến việc phổ biến thông tin, ảnh và video giả mạo trên internet, khiến công chúng không thể xác định được điều gì là đúng hay sai.

Ngoài ra, Geoffrey Hinton cũng nói về việc công nghệ AI có thể loại bỏ sức lao động của con người, gồm cả trợ lý luật sư, phiên dịch viên và trợ lý. Đây là mối lo ngại mà Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, và các nhà phê bình khác về AI đã đưa ra.

Hồi tháng 3, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs đã công bố một báo cáo ước tính 300 triệu việc làm toàn thời gian có thể bị tác động bởi các hệ thống generative AI như ChatGPT, đặc biệt là những người làm công việc pháp lý và hành chính, dù mức độ có thể khác nhau. Các kỹ sư phần mềm cũng ngày càng lo ngại công việc của họ sẽ bị thay thế bởi AI.

Theo Goldman Sachs, các hệ thống generative AI có thể tạo ra những nội dung không thể phân biệt được so với hoạt động sáng tạo của con người. Điều này có thể kích hoạt sự bùng nổ năng suất, giúp nâng GDP toàn cầu tăng thêm 7% hàng năm trong 10 năm tới.

Sự kết hợp giữa tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho những người lao động không bị đào thải mở ra khả năng cho cuộc cách mạng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chúng tôi ước tính rằng AI có thể giúp tăng GDP toàn cầu hàng năm lên 7%”, theo báo cáo của Goldman Sachs.

Một nghiên cứu của OpenAI cho thấy generative AI có thể đảm nhận ít nhất 10% nhiệm vụ của 80% lực lượng lao động ở Mỹ.

Bài liên quan
Chủ tịch Microsoft: Open AI, Google sớm đối mặt sự cạnh tranh gay gắt về generative AI từ Trung Quốc
Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, đã cảnh báo rằng sự phát triển generative AI ở Mỹ có thể sớm phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tổ chức nghiên cứu và công ty Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông chủ Google DeepMind: AI mạnh mẽ như bộ não người có thể xuất hiện vài năm tới