Brad Smith, Chủ tịch Microsoft, đã cảnh báo rằng sự phát triển generative AI ở Mỹ có thể sớm phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các tổ chức nghiên cứu và công ty Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với trang Nikkei Asia, Brad Smith nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tham gia vào cuộc đua đổi mới và trở thành nhà lãnh đạo trong việc phát triển generative AI.
Generative AI là loại trí tuệ nhân tạo (AI) mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Cạnh tranh trong việc phát triển generative AI rất khốc liệt và các công ty như OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, Google và Học viện Trí tuệ Nhân tạo Bắc Kinh đang đi đầu trong công nghệ này, theo Nikkei Asia.
Brad Smith tuyên bố rằng các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực này về mặt đổi mới chỉ cách nhau vài tháng chứ không phải nhiều năm.
Generative AI có thể tạo ra văn bản và hình ảnh với mức độ tinh vi gần giống với con người. Song có những lo ngại rằng công nghệ này có thể thay thế việc làm, góp phần truyền bá thông tin sai lệch, vi phạm bản quyền và dữ liệu.
Brad Smith tin rằng giải pháp cho những lo ngại này không phải là ngừng đổi mới mà là sử dụng và cải tiến các sản phẩm hiện có. Chủ tịch Microsoft nhấn mạnh rằng AI có thể hoạt động như một công cụ và vũ khí, đưa ra một ví dụ về các cuộc tấn công mạng.
Ngoài ra, Brad Smith cũng nêu bật tiềm năng của AI trong việc giải quyết tình trạng thiếu lao động. Đó là một trong những thách thức quan trọng nhất mà châu Á phải đối mặt. Ông giải thích rằng dân số trong độ tuổi lao động đang phải nuôi sống lượng người nghỉ hưu ngày càng tăng lên. Những người nghỉ hưu phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế vì cần sự hỗ trợ tài chính từ nguồn thu nhập như tiền lương hưu và khoản trợ cấp xã hội. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu của những người này và đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế, cần tìm ra các nguồn tăng trưởng năng suất mới, có thể đến từ sự đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc sự nâng cao năng lực lao động.
Brad Smith cho rằng việc kết hợp những bộ óc giỏi nhất với công nghệ tốt nhất có thể giúp các nền dân chủ trên toàn thế giới vượt qua các đối thủ của họ về generative AI.
Ông cũng chia sẻ rằng Microsoft đã sử dụng AI để xác định các cuộc tấn công mạng mới trong thời gian thực và ngăn chặn chúng. Hơn nữa, Microsoft đang sử dụng AI để phát hiện các hoạt động gây ảnh hưởng trên mạng của các chính phủ nước ngoài và các chiến dịch đưa thông tin sai lệch.
Ra mắt vào tháng 11.2022, ChatGPT của OpenAI không chỉ khiến cả thế giới choáng ngợp với công nghệ mang tính cách mạng mà còn tạo ra những lo ngại về an ninh, việc làm. Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 3, OpenAI cho thấy generative AI có thể đảm nhận ít nhất 10% nhiệm vụ của 80% lực lượng lao động ở Mỹ.
Các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs đã dự đoán vào tháng trước rằng công nghệ giống ChatGPT có thể thay thế tới 1/4 công việc hiện tại, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý văn phòng và dịch vụ pháp lý.
Goldman Sachs ước tính có 300 triệu công việc ở Mỹ và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi các generative AI như ChatGPT.
Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho rằng generative AI có thể tạo nên sự thay đổi đáng kể cho năng suất và tăng trưởng GDP.
Các nền kinh tế tiên tiến đã trải qua sự suy giảm trong tăng trưởng năng suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, ảnh hưởng đáng kể tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo Goldman Sachs, các hệ thống generative AI có thể tạo ra những nội dung không thể phân biệt được so với hoạt động sáng tạo của con người. Điều này có thể kích hoạt sự bùng nổ năng suất, giúp nâng GDP toàn cầu tăng thêm 7% hàng năm trong 10 năm tới.
“Sự kết hợp giữa tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho những người lao động không bị đào thải mở ra khả năng cho cuộc cách mạng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chúng tôi ước tính rằng AI có thể giúp tăng GDP toàn cầu hàng năm lên 7%”, theo báo cáo của Goldman Sachs.
Báo cáo này nhận định những tiến bộ đột phá của công nghệ AI có thể giúp tự động hóa 25% khối lượng công việc hiện nay ở Mỹ và khu vực 20 nước sử dụng đồng euro (eurozone).
Nếu chứng minh được như kỳ vọng, generative AI cũng sẽ gây ra sự rối loạn đáng kể trên thị trường lao động, có thể khiến tương đương 300 triệu công việc ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ châu Âu bị tự động hóa, Joseph Briggs và Devesh Kodnani, hai tác giả của báo cáo nhận định.
Báo cáo cho rằng công việc của luật sư và nhân viên hành chính sẽ nằm trong số những công việc có nguy cơ dư thừa cao nhất do sự phổ cập của generative AI.
Ước tính khoảng 2/3 số lượng công việc ở Mỹ và châu Âu có rủi ro bị tự động hóa ở một mức độ nhất định vì sự xuất hiện của generative AI. Hầu hết người lao động ở hai nền kinh tế này sẽ chứng kiến dưới 50% khối lượng công việc của họ được tự động hóa. Những người lao động này sẽ tiếp tục làm việc nhưng một phần thời gian của họ được chuyển sang cho các hoạt động hiệu quả hơn.
Ở Mỹ, generative AI sẽ đảm nhận bớt phần việc của 63% lực lượng lao động. Báo cáo của Goldman Sachs nhận định khoảng 7% lực lượng lao động Mỹ đang làm những công việc mà ít nhất một nửa khối lượng nhiệm vụ của họ có thể thực hiện thông qua công nghệ AI và rất dễ bị thay thế. Các công việc tay chân hoặc ngoài trời, không đòi hỏi tính sáng tạo cao, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Goldman Sachs cũng chỉ ra tác động tương tự của generative AI với thị trường việc làm của châu Âu. Ở cấp độ toàn cầu, do công việc chân tay chiếm tỷ trọng lớn hơn ở thị trường việc làm của các nước đang phát triển, Goldman Sachs ước tính AI có thể đảm nhận khoảng 20% trong tổng số công việc hiện nay.
Các ước tính của Goldman Sachs dựa trên phân tích dữ liệu của Mỹ và châu Âu về các nhiệm vụ thường được thực hiện trong hàng ngàn nghề nghiệp khác nhau. Các nhà nghiên cứu Goldman Sachs nhận định AI sẽ có khả năng thực hiện những nhiệm vụ như hoàn thành tờ khai thuế cho doanh nghiệp nhỏ; đánh giá một yêu cầu đòi bồi thường bảo hiểm phức tạp hoặc ghi lại kết quả điều tra hiện trường vụ án…
Tuy nhiên, họ không cho rằng AI sẽ được ứng dụng cho các nhiệm vụ nhạy cảm hơn như phán quyết của tòa án, kiểm tra tình trạng bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, hoặc nghiên cứu luật thuế quốc tế.
Báo cáo trên có thể châm ngòi cuộc tranh luận về tiềm năng của công nghệ AI trong nỗ lực phục hồi tăng trưởng năng suất đang trì trệ ở các nước giàu cũng như tạo ra một thế hệ nhân viên “cổ cồn trắng” (thuật ngữ để chỉ người làm công việc văn phòng hoặc trí óc) bị AI giành việc.
Microsoft phát triển chip AI bí mật để giảm chi phí chạy các mô hình generative AI
Trong nỗ lực giảm chi phí chạy các mô hình generative AI, Microsoft đang phát triển chip AI có tên Athena, theo trang The Information. Dự án bắt đầu vào năm 2019, diễn ra nhiều năm sau khi Microsoft thực hiện thỏa thuận trị giá 1 tỉ USD với OpenAI, yêu cầu công ty khởi nghiệp có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) chạy các mô hình của mình độc quyền trên máy chủ đám mây Microsoft Azure.
Theo The Information, ý tưởng đằng sau Athena có hai mục đích. Các lãnh đạo Microsoft nhận ra rằng công ty đang tụt lại phía sau Google và Amazon trong nỗ lực xây dựng chip nội bộ của riêng mình, một nguồn tin am hiểu về vấn đề này nói với The Information.
Ngoài ra, Microsoft được cho đang tìm kiếm các giải pháp thay thế rẻ hơn (các mô hình AI của họ hiện chạy trên bộ xử lý đồ họa Nvidia) và quyết định xây dựng một chip ít tốn kém hơn.
Việc rất nhiều người trên thế giới sử dụng ChatGPT có thể làm OpenAI tiêu tốn hơn 700.000 USD mỗi ngày do cơ sở hạ tầng công nghệ đắt tiền mà chatbot AI này chạy trên đó, theo Dylan Patel, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu bán dẫn SemiAnalysis.
Lý do vì ChatGPT yêu cầu sức mạnh tính toán khổng lồ để phản hồi yêu cầu của người dùng.
"Hầu hết chi phí này dựa trên các máy chủ đắt tiền mà OpenAI cần", Dylan Patel nói với trang The Information.
Trong cuộc gọi điện thoại với trang Insider, Dylan Patel cho biết việc OpenAI vận hành ChatGPT bây giờ thậm chí còn tốn kém hơn, vì ước tính ban đầu của ông dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.
GPT-4, mô hình mới nhất của OpenAI, thậm chí còn hao tốn tiền bạc hơn để chạy, Dylan Patel nói.
GPT do nhà nghiên cứu AI có tên Alec Radford viết, sau đó được OpenAI phát triển và gần đây nâng cấp lên phiên bản GPT-4 mạnh mẽ.
Hơn 300 nhân viên Microsoft đang làm việc trên chip Athena, The Information đưa tin. Athena có thể được phát hành để sử dụng nội bộ bởi Microsoft và OpenAI vào đầu năm tới, hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với The Information.
Hôm 23.1, Microsoft cho biết đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong một thỏa thuận kéo dài nhiều năm sẽ chứng kiến gã khổng lồ phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ đám mây độc quyền cho “cha đẻ” ChatGPT.
Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, nói: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung nhằm thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến một cách có trách nhiệm và dân chủ hóa AI như một nền tảng công nghệ mới. Ở giai đoạn hợp tác tiếp theo của chúng tôi, các nhà phát triển và tổ chức trong các ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất với Azure để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.
Thỏa thuận này sẽ chứng kiến Microsoft tăng cường đầu tư vào việc phát triển và triển khai các hệ thống siêu máy tính để hỗ trợ nghiên cứu của OpenAI. Phần quan trọng của thỏa thuận: Microsoft là đối tác đám mây độc quyền cho OpenAI. Các dịch vụ đám mây của Microsoft sẽ hỗ trợ tất cả khối lượng công việc của OpenAI trên các sản phẩm, dịch vụ API và nghiên cứu.
Microsoft triển khai các mô hình của OpenAI trên nhiều sản phẩm dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Hơn nữa, Microsoft thách thức Google với việc tích hợp ChatGPT vào Bing phiên bản mới. Nhà sản xuất hệ điều hành Windows cũng tích hợp AI vào các ứng dụng Word, PowerPoint và Outlook của mình.
Microsoft không tiết lộ chính xác số tiền họ đã đầu tư vào OpenAI nhưng đang tìm cách sử dụng mối quan hệ thân thiết này để tiếp tục thương mại hóa dịch vụ Azure OpenAI của mình.
Các mô hình ngôn ngữ lớn cần đến việc sử dụng hàng ngàn chip Nvidia cùng lúc để huấn luyện hệ thống AI qua kho dữ liệu khổng lồ. Ví dụ, Microsoft đã xây dựng một hệ thống với hơn 10.000 chip Nvidia cho để sử dụng trong việc phát triển các công nghệ làm nền tảng cho ChatGPT, cụ thể là GPT.