“Nguồn gốc mọi quyền lực là ở nhân dân, vậy thì chính họ phải được trực tiếp tham gia giám sát vì lợi ích của mình”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam chia sẻ.
Câu chuyện về “nhất thể hóa”, tức là thống nhất chức danh có vị trí và vai trò tương đương của Đảng và chính quyền vốn đã được thảo luận khá nhiều ở nước ta, tuy nhiên việc áp dụng mới chỉ được thực hiện một cách dè dặt ở một số địa phương. Thời gian gần đây, việc “nhất thể hóa” lại được dư luận quan tâm trở lại.
Trước sự quan tâm đó, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam để cung cấp thêm góc nhìn về vấn đề này.
Thông lệ chung của thế giới
- Quan điểm của ông thế nào về mô hình người đứng đầu đảng cầm quyền đồng thời đứng đầu nhà nước?
LSNguyễn Tiến Lập: Chúng ta đang nói về mô hình nhất thể hoá chứ không phải việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước như một giải pháp tình huống, có tính ngẫu nhiên và nhất thời.
Tôi cho rằng mô hình này hợp logic bởi nó phản ánh đúng đặc tính hay nguyên lý tập trung và thống nhất quyền lực trong hệ thống chính trị của Việt Nam, và nó cũng là thực tế ở Trung Quốc và nhiều nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây.
Có nghĩa rằng về mặt nhà nước, mọi quyền lực tập trung vào cơ quan dân cử và Quốc hội, Quốc hội lại do Đảng lãnh đạo theo cả quy định của Hiến pháp 2013 lẫn trên thực tế. Người đại diện cao nhất cho Đảng là Tổng bí thư, vậy theo logic ấy thì tại sao người nắm cương vị này lại không thể đồng thời là nguyên thủ quốc gia?
Ở Trung Quốc, mô hình này được thực hiện triệt để ở cấp trung ương. Theo đó, Tổng Bí thư Đảng đồng thời là Chủ tịch nước và Chủ tịch Uỷ ban Quân sự trung ương. Sự tập trung cao độ quyền lực chính trị và nhà nước vào một cá nhân như vậy ít nhất thể hiện tính rõ ràng và minh bạch về cả quyền và trách nhiệm.
Thông lệ chung của thế giới cũng đi theo hướng rõ ràng như vậy, cho dù đó là hệ thống nào.
- Vậy theo ông, nếu áp dụng mô hình này sẽ có lợi ích gì?
LSNguyễn Tiến Lập:Theo Điều lệ Đảng, Tổng bí thư là người đứng đầu nhưng lại không có quyền lực cá nhân, bởi theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, quyền quyết định thuộc về tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp, Chủ tịch nước lại hoàn toàn có các quyền cá nhân. Đó là quyền quyết định về nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như công bố luật, đề nghị Quốc hội bầu và bãi miễn các chức vụ của các cơ quan quyền lực hàng đầu như Thủ tướng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, phong, thăng và giáng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang, công bố tình trạng chiến tranh và tình trạng khẩn cấp...
Như vậy, nếu “nhất thể hoá” hai chức vụ này thì Tổng bí thư, ngoài đại diện cho quyền lực tập thể sẽ có thêm các quyền cá nhân như trên, hay nói một cách khác, sẽ có quyền lực mạnh hơn, rộng hơn và cả chính thống hơn.
Trong quan hệ của Chủ tịch nước với Thủ tướng Chính phủ, vị thế nguyên thủ quốc gia của Chủ tịch nước cũng sẽ mạnh và thực chất hơn trong trường hợp thực hiện quyền yêu cầu Thủ tướng họp bàn về các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 90 của Hiến pháp. Quyền này vốn chưa từng được vị Chủ tịch nước nào thực hiện cả.
Còn đối với xã hội và người dân, có lẽ họ đã chờ đợi từ lâu để có được một cá nhân cụ thể nào đó xứng đáng và xứng tầm, không chỉ quy tụ quyền lực mà còn chịu trách nhiệm tối cao đối với vận mệnh của đất nước. Sự rõ ràng và chính thống luôn luôn là điều kiện tiên quyết để nhân dân giám sát quyền lực công và đó chính là cái được.
Có thể phải giải trình trước Quốc hội
- Thưa ông, trong thực tế, Tổng bí thư chỉ chịu trách nhiệm giải trình với Ban chấp hành Trung ương Đảng, chứ không phải Quốc hội - cơ quan dân bầu. Nếu nhất thể hóa, liệu có nên quy định Tổng bí thư (đồng thời là Chủ tịch nước) giải trình trước Quốc hội hay không?
LSNguyễn Tiến Lập:Tôi không nhìn vấn đề đơn giản và theo lối hình thức như thế bởi trong hệ thống của chúng ta, chưa có cái gọi là “trách nhiệm giải trình” theo đúng thông lệ, mà thay vào đó là cơ chế kiểm điểm trách nhiệm.
“Kiểm điểm” là khi có vấn đề thì anh trình bày lý do, tự phê bình và được người khác phê bình, sau đó rút kinh nghiệm hay chịu kỷ luật, tức lấy các tiêu chí đạo đức và quy tắc nội bộ làm căn cứ.
Còn “giải trình” là một cơ chế pháp lý và đòi hỏi một quy trình chuyên nghiệp, chẳng hạn ít nhất nó gắn với yêu cầu công khai, minh bạch hoá về thực thi quyền lực và trách nhiệm. Ở các nước, “giải trình” là sự chất vấn công khai và có thể kết thúc bằng luận tội (empeachment).
Trở lại với hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước, dù cho chỉ có một người đảm nhiệm thì đó vẫn là hai cương vị độc lập với các quyền hạn và nhiệm vụ khác nhau. Do đó, về mặt pháp lý, không thể có việc Tổng bí thư lại “giải trình” trước Quốc hội.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, một khi người là Chủ tịch nước lại đảm nhiệm cả cương vị Tổng bí thư phải giải trình trước Quốc hội về một vấn đề nào đó thì chất lượng của cả giải trình và chất vấn, nếu có, sẽ cao và thực chất hơn, xét từ góc độ truy cứu trách nhiệm. Người đó khó có thể nói rằng tôi không tuân theo yêu cầu của Quốc hội được vì phải chấp hành yêu cầu của Đảng.
Người dân phải được giám sát quyền lực
- Theo ông, khi nhất thể hóa, việc kiểm soát quyền lực cần được thực hiện như thế nào? Ông có gợi ý gì về giải pháp cho việc này?
LSNguyễn Tiến Lập:Quyền lực xuất phát từ con người và do con người thực hiện. Nếu những người có liên quan không có ý định tuân thủ quy định hay nguyên tắc thì các quy định và nguyên tắc ấy còn có ý nghĩa gì? Và đó chính là điều mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng đang đau đáu và kêu gọi: Chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực.
Nhìn từ góc độ khác, chúng ta mới nói đến cơ chế kiểm soát quyền lực nội bộ mà chưa bàn đến kiểm soát quyền lực công khai, hay nói một cách khác là làm cho nhân dân có điều kiện kiểm soát và giám sát việc thực thi quyền lực của những người được giao trọng trách.
Hai cơ chế này có giá trị bổ sung và hỗ trợ nhau. Nếu chỉ cố gắng kiểm soát quyền lực trong nội bộ mà thiếu vắng sự tham gia và vai trò của người dân và xã hội thì sẽ dẫn đến hai tình huống: Hoặc là việc kiểm soát sẽ thiếu tính khả thi xét về tổng thể và lâu dài, hoặc là việc kiểm soát sẽ dẫn đến việc tập trung quyền lực tuyệt đối và như người ta nói, đó là chính là bờ vực của sự tha hoá ở cấp độ cao.
- Vậy làm sao để người dân được trực tiếp tham gia giám sát quyền lực? Thưa ông?
LSNguyễn Tiến Lập:Một câu hỏi thiết thực cần được trả lời, đó là kiểm soát quyền lực nhằm đạt mục tiêu gì? Nguồn gốc mọi quyền lực là ở nhân dân, vậy thì chính họ phải được trực tiếp tham gia giám sát vì lợi ích của mình.
Trên thực tế, pháp luật đã có nhiều quy định về quyền của người dân được tham gia giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, tuy nhiên các quyền này lại không gắn với cơ chế và công cụ cụ thể để thực thi.
Không có người dân bình thường nào có thể thực hiện các quyền giám sát vốn vô cùng phức tạp ấy một cách đơn lẻ và trực tiếp. Người dân cũng chỉ có thể làm điều đó một khi họ quan tâm đến đời sống chính trị, coi chính trị là thiết thực với mình, đồng thời có các tổ chức và thiết chế thích hợp để hành động.
Trong thực tại khách quan và hệ thống mà chúng ta đang thuộc về, tôi cho rằng chỉ cần sử dụng và phát huy các cơ chế, công cụ để đề cao tính gương mẫu về đạo đức, công khai hoá thông tin và giải trình minh bạch về pháp lý đối với thực thi quyền lực trước người dân thì việc kiểm soát đã tăng hiệu qủa rất nhiều rồi.
Cuối cùng, trong thực thi quyền lực, cái cơ chế đồng thuận (consensus) vốn là truyền thống tốt đẹp bao năm qua nhằm bảo đảm đoàn kết nội bộ có lẽ không còn thích hợp ở thời đại ngày nay. Lỗi không phải ở bản thân cơ chế này mà vì cuộc sống đã thay đổi theo nhiều khía cạnh và sự thay đổi đó đang hàng ngày, hàng giờ chi phối vào việc nắm giữ và thực thi quyền lực.
Cuộc sống ngày nay chứa đựng các yếu tố khác biệt, đa dạng và phong phú hơn, thay đổi nhanh chóng hơn và cũng chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn. Vì vậy, giả sử rằng có một quyết định có đồng thuận cao khi ban hành, nhưng hoặc do bị chậm nên mất tính kịp thời, phải chiếu cố quá nhiều quan điểm khác biệt nên không còn “bản sắc”; hoặc thậm chí sau đó bị tác động làm méo móbởi các nhân tố thực tiễn trong quá trình thực hiện, nên cuối cùng chẳng còn mang lại ý nghĩa gì cả.
Do đó, tập trung quyền lực ở mức độ hợp lý có thể coi là một giải pháp để vừa có thể ban hành các quyết định nhanh chóng và kịp thời, nhưng cũng đồng thời để sửa nó, nếu sai, một cách nhanh chóng và kịp thời.
- Xin cảm ơn ông!
Trí Lâmthực hiện