Theo một nghiên cứu nhỏ, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron nhẹ có thể lây vi rút cho người khác trong 6 đến hơn 8 ngày kể từ khi có triệu chứng.

Người nhiễm Omicron phát tán vi rút trong bao lâu kể từ khi có triệu chứng?

Sơn Vân | 08/03/2022, 11:50

Theo một nghiên cứu nhỏ, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron nhẹ có thể lây vi rút cho người khác trong 6 đến hơn 8 ngày kể từ khi có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 56 bệnh nhân mới được chẩn đoán, trong đó có 37 người bị nhiễm Delta và 19 người nhiễm Omicron. Tất cả đều bị bệnh nhẹ, chẳng hạn như với các triệu chứng giống như cúm, không ai phải nhập viện.

Bất kể biến thể nào hoặc họ đã được tiêm vắc xin hoặc nhận mũi tăng cường hay chưa, những người tham gia nghiên cứu "trung bình phát tán vi rút trong khoảng 6 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu” và cứ 4 người thì có 1 người phát tán vi rút hơn 8 ngày.

Tiến sĩ Amy Barczak của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở thành phố Boston (Mỹ) đã đăng báo cáo này trên trang medRxiv trước khi được đánh giá đồng cấp.

Amy Barczak nói: “Dù không biết chính xác cần bao nhiêu vi rút để truyền bệnh cho người khác, nhưng chúng tôi lấy những dữ liệu này để gợi ý rằng những người mắc COVID-19 nhẹ có thể lây nhiễm trung bình trong 6 ngày và đôi khi lâu hơn. Các quyết định về cách ly và đeo khẩu trang phải tính đến những thông tin đó, bất kể biến thể hoặc tình trạng tiêm chủng trước đó".

nguoi-nhiem-omicron-phat-tan-vi-rut-trong-bao-lau-ke-tu-khi-co-trieu-chung.jpg
Người nhiễm biến thể Omicron nhẹ có thể phát tán trong 6 đến hơn 8 ngày kể từ khi có triệu chứng - Ảnh: Internet

Thuốc điều trị phù mạch hứa hẹn với COVID-19

Các nhà nghiên cứu cho biết một loại thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng mạch máu gọi là phù mạch cho thấy nhiều hứa hẹn như phương pháp điều trị COVID-19 trong các thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Icatibant, được bán với tên Firazyr bởi Công ty dược phẩm Takeda (Nhật Bản), ngăn chặn một protein gọi là thụ thể bradykinin b2 trong hệ thống kinin. Protein này được điều chỉnh bởi protein ACE2 trên bề mặt tế bào, mà vi rút SARS-CoV-2 sử dụng như một cửa ngõ để lây nhiễm.

Khi phân tích các tế bào mũi thu được từ bệnh nhân COVID-19 mới được chẩn đoán, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ tăng cao của thụ thể bradykinin b2, khiến họ tự hỏi liệu việc ngăn chặn protein đó bằng Icatibant có thể bảo vệ các tế bào niêm mạc đường thở chống lại SARS-CoV-2 hay không.

Adam Chaker của Đại học Kỹ thuật Munich, người thuộc nhóm nghiên cứu đã báo cáo kết quả của họ trên Tạp chí Y học Phân tử: “Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, icatibant đã làm giảm hơn 90% tải lượng vi rút và bảo vệ các tế bào đường thở khỏi bị chết khi nhiễm SARS-CoV-2”. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Icatibant sử dụng các quá trình trao đổi sinh hóa khác nhau để bảo vệ đường thở so với steroid.

Trong các thí nghiệm trên ống nghiệm của họ, việc dùng Icatibant lặp lại không ngăn chặn hoàn toàn nhiễm SARS-CoV-2, nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các nghiên cứu quan sát nhỏ trước đây gợi ý rằng Icatibant có thể mang lại một số lợi ích cho bệnh nhân COVID-19.

Adam Chaker nói giờ đã đến lúc "các thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng với giả dược được tiến hành ở những bệnh nhân có nguy cơ cao và nhận thấy tiềm năng sử dụng icatibant như một phương pháp điều trị bổ sung ở giai đoạn đầu của bệnh COVID-19".

Dị tật tim làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng và tử vong

Các nhà nghiên cứu cho biết những người sinh ra với các dị tật tim, mắc COVID-19 phải nhập viện có nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn.

Phát hiện được rút ra từ một nghiên cứu so sánh 421 bệnh nhân bị dị tật tim nhập viện vì COVID-19 với 235.638 F0 nhập viện có trái tim bình thường.

Sau khi các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố nguy cơ khác của bệnh nhân COVID-19, những người bị dị tật tim bẩm sinh có nguy cơ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt cao hơn 40%, cần thở máy cao hơn 80% và tử vong khi nhập viện cao hơn 2 lần so với các bệnh nhân trong nhóm đối chứng, theo báo cáo được công bố trên Tạp chí Circulation.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những F0 nhập viện với dị tật tim bẩm sinh và một bệnh nền khác thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ mắc COVID-19 nặng cao hơn.

"Những người bị dị tật tim nên được khuyến khích tiêm vắc xin COVID-19 và mũi tăng cường, tiếp tục thực hành các biện pháp phòng ngừa bổ sung, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội", trưởng nhóm nghiên cứu Karrie Downing của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết.

Bài liên quan
Người nhiễm Omicron có thể tái nhiễm biến thể 'tàng hình' và các triệu chứng cần chú ý
Quan chức y tế bang Washington, Mỹ cho biết các triệu chứng đáng chú ý ban đầu do BA.2 (biến thể Omicron “tàng hình”) gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nhiễm Omicron phát tán vi rút trong bao lâu kể từ khi có triệu chứng?