Nghệ sĩ hài Trung Dân là người tham gia cả hai phim "Đất Phương Nam" bản truyền hình và "Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh. Anh cũng gắn với hình ảnh bác Ba Phi trong thời gian dài qua hai chương trình "Cười cùng bác Ba Phi" trên kênh truyền hình Vĩnh Long và "Bác Ba Phi xưa và nay" trên kênh VTV Cần Thơ.

Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi vẫn tiếp tục hình tượng bác Ba Phi!

Nguyễn Huy (thực hiện) | 18/10/2023, 15:31

Nghệ sĩ hài Trung Dân là người tham gia cả hai phim "Đất Phương Nam" bản truyền hình và "Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh. Anh cũng gắn với hình ảnh bác Ba Phi trong thời gian dài qua hai chương trình "Cười cùng bác Ba Phi" trên kênh truyền hình Vĩnh Long và "Bác Ba Phi xưa và nay" trên kênh VTV Cần Thơ.

Nhân dịp phim Đất rừng Phương Nam gây chú ý với công chúng, Một Thế Giới có buổi trò chuyện với nghệ sĩ Trung Dân đôi nét về văn hóa Nam Bộ.

MTG: Chào nghệ sĩ Trung Dân, anh có một vai nhỏ trong phim Đất rừng phương Nam đang gây chú ý trong dư luật. Xin anh cho biết đánh giá về bộ phim này?

Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi nghĩ khán giả nhận xét sẽ khách quan và công tâm hơn tôi.

Ngày trước, anh từng đóng vai Út Lục Lâm bản truyền hình Đất phương Nam. Anh có kỷ niệm gì đáng nhớ trong vai diễn này không?

- Hồi ấy, tôi mới vừa nổi tiếng “chút chút” qua vài vai diễn “ông Mười hớt tóc” trong kịch Quán café bồ đà của chương trình Trong nhà ngoài phố. Nhờ đó, đạo diễn Vinh Sơn biết đến và mời tôi tham gia phim. Ngày đầu tiên họp ê kíp đoàn phim, chúng tôi gặp đạo diễn tại phòng tiếp khách của HTV. Đạo diễn Vinh Sơn hỏi tôi: “Trung Dân biết chèo xuồng và biết bơi không?”. Tôi trả lời: “Thưa có”. Thế là tôi được ký hợp đồng luôn mà không cần thử vai.

Nhà tôi ở vùng ngoại thành Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) nên tôi biết chèo xuồng và bơi lội tốt. Tôi trả lời thật lòng chứ không phải nói để được vai diễn. Điều kiện thời đó thiếu thiết bị kỹ thuật, chỉ quay một máy nên có khi một cảnh chúng tôi quay tới 20 lần. Không khí đoàn phim rất vui vẻ, ấm áp như một gia đình. Tôi không nhớ lúc đó tiền lương của mình được bao nhiêu. Chỉ biết quay miệt mài vì tôi yêu văn hóa Nam Bộ chứ không nghĩ đây sẽ là một tác phẩm gây tiếng vang.

Trong lúc quay, tôi được phát 2 bộ đồ bà ba. Một màu trắng, một màu xám. Cái quần rộng quá nên tôi phải lấy dây chuối buộc lại, còn cái áo phải nhờ thợ may của đoàn bóp cho vừa. Bộ màu xám khán giả thấy trong cảnh tôi chui vô cái trống. Lúc đó, bên trong cái trống đinh nhọn lòi ra, tôi chui vô bị quẹt rách da, chảy máu nhưng mải diễn quá quên đau. Bộ bà ba màu sáng tôi mặc trong cảnh móc túi. Lúc bị rượt chạy tôi đạp cây đinh lủng bàn chân. Chảy máu ròng ròng nhưng vẫn diễn say sưa. Xong, tôi gặp chủ nhiệm phim nhờ cho ít thuốc sát trùng. Nói chung, lúc quay, dù cực và trầy da tróc vảy nhưng tôi rất vui.

Hai năm sau, phim phát sóng. Một lần tôi mướn xe hơi về Cần Giờ. Lúc xuống phà, tôi hạ kính xuống để hít thở. Bà con thấy tôi nên tò mò kéo đến. Họ kêu: Út Lục Lâm, Út Lục Lâm. Bận về, bà con chờ đón còn đông hơn lượt đi vì đường đi Sài Gòn – Cần Giờ có một lối thôi, họ biết tôi sẽ quay lại đường này. Tình cảm củakhán giả khiến tôi phải xuống xe, chào từng người. Cảm động vô cùng.

393281028_1158338618460274_1133267862452837963_n.jpg
Nghệ sĩ Trung Dân trong hình ảnh áo bà ba

Anh thường gắn với hình ảnh áo bà ba và khăn rằn. Lý do xuất phát từ đâu, thưa anh?

- Như tôi đã nói, tôi sinh ra ở Hóc Môn. Ngày tôi còn nhỏ, ba tôi mặc bà ba ở nhà trong lúc lao động. Ông chỉ mặc quần tây với áo sơ-mi khi ra ngoài có việc. Bà còn xung quanh tôi, từ đàn ông tới phụ nữ đều mặc bà ba. Đàn ông mặc bộ sẫm màu, phụ nữ mặc bà ba màu sắng. Lúc quần áo còn mới, họ mặc đi chợ hay dự giỗ chạp, khi nó sờn cũ thì họ mặc làm nông. Tôi yêu quý trang phục Nam Bộ cũng như cái cốt cách mộc mạc, chân tình của người nông dân. Chiếc khăn rằn đàn ông quấn quanh trán lúc cuốc đất ngoài ruộng, hoặc quấn ngang cổ để lau mồ hôi lúc lao động. Phụ nữ đội khăn giống đội nón. Tôi lớn lên cùng những điều giản dị như thế.

Khi học trường nghệ thuật, tôi cũng được mặc áo bà ba cho các nhân vật của mình. Đó chính là tiền đề để tôi xác định sẽ chuyên sâu vào tính cách dân dã mộc mạc của người nông dân Nam Bộ. Đa số những vở tuồng cải lương, vở kịch, tiểu phẩm, phim ảnh của tôi xoay quanh mảnh vườn, bờ ruộng, con mương, dòng sông. Bộ đồ này hợp với bối cảnh và tính cách nhân vật của tôi nhất. Mỗi khi mặc trang phục này, tôi thấy thoải mái nên thi thoảng, tôi mặc đi chơi hay đi tiệc tùng.

Anh từng hóa thân thành bác Ba Phi trên cả hai chương trình của hai đài truyền hình. Anh có biết lý do vì sao mình được chọn?

- Bác Ba Phi là nhân vật mang tính biểu tượng văn hóa Nam Bộ. Khi đài VTV Cần Thơ làm chương trình giải trí liên quan đến Nam Bộ, họ đã chọn hình ảnh này. Ông là người nông dân có tính cách vui nhộn, ăn nói rổn rảng nhưng thâm thúy. Nhà đài thấy tôi thường hay hóa thân vào nhân vật lão nông đả kích thói hư tật xấu của miền quê nên họ mời. Đầu tiên là chương trình "Bác Ba Phi xưa và nay" của VTV Cần Thơ. Làm được 5,6 năm khán giả thích nhưng vì lý do gì đó kênh này đóng cửa, tôi ngưng. Ngay sau đó, đài Vĩnh Long thực hiện "Cười cùng Bác Ba Phi" và cũng mời tôi trực tiếp vào vai này. Chương trình này có lượng khán giả yêu thích rất lớn cho tới bây giờ. Tôi vẫn tiếp tục tham gia và có nhiều cảm xúc với nhân vật, cũng như chương trình, vì qua đó tôi gửi gắm được nhiều điều đến bà con miền quê.

Có khán giả xem kỹ đến mức một lỗi nhỏ họ cũng phát hiện ra. Ví dụ, có hôm tôi quên nên vẫn đeo đồng hồ để quay. Vì tay áo dài che khuất nên biên tập và mọi người không để ý. Vậy mà đến khi chương trình phát sóng, có cô kia phát hiện ra. Hôm đó, tôi ghé quán ven đường uống nước dừa, cô ấy nói: "Bác Ba Phi gì mà đeo đồng hồ sang quá vậy"? Tôi cười ngất vì sự tinh ý này, đành nói “xin lỗi” và hẹn không tái phạm.

393297805_289962927183954_6983763620244725576_n.jpg
Áo bà ba và chiếc khăn rằn là trang phục quen thuộc của người dân Nam Bộ 

Hồi đầu năm, anh tuyên bố trở về mái nhà xưa, phải chăng là sân khấu Idecaf?

- Có lẽ vì lịch diễn bên Idecaf quá dày nên vở đầu tiên tôi về chỉ diễn 2 suất rồi tạm ngưng. Tôi là diễn viên cộng tác nên khi nào có lịch diễn thì diễn, không thì chạy lo việc khác. Cá nhân tôi chuẩn bị sẵn hai kịch bản đậm chất liệu Nam Bộ do tôi viết kịch bản, đó là, vở Lá sầu đâu, và vở Người đàn bà bên kia sông. Kỳ này, tôi sẽ đạo diễn và chọn diễn viên. Tôi nhắm đến hai người có kỹ năng diễn tốt và ca cải lương hay là danh ca Mộng Tuyền đã 76 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, minh mẫn, ca diễn ngọt và Quỳnh Hương. Các vai còn lại dành cho Quốc Thịnh, Lê Khâm, và các diễn viên khác.

Với hai vở diễn này, nếu ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đồng ý, tôi sẽ diễn ở Idecaf. Nếu anh Tuấn thấy không phù hợp, tôi sẽ chọn điểm diễn khác. Tất cả tùy duyên.

Có lúc vì cảm xúc cá nhân, tôi muốn ngừng diễn kịch dài vĩnh viễn để tránh những buồn vui của đời nghệ sĩvà chỉ tập trung vào vài chương trình truyền hình gắn với ruộng đồng. Xong thì rồi về nhà chăm vườn rau, đọc sách. Nhưng thú thật, tôi mê kịch dài vì đó là nơi để tôi có thể thăng hoa hết cảm xúc của mình. Những vở diễn mà tôi tâm đắc, có khi, không hợp với tiêu chí sân khấu này thì tôi sẽ chọn nơi khác chào đón. Bây giờ nhiều sân khấu sẵn sàng hợp tác theo hình thức như thế, nên nếu có thể, mỗi năm tôi sẽ dựng hai vở.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Trung Dân: Tôi vẫn tiếp tục hình tượng bác Ba Phi!