Đó là khẳng định của nhà sản xuất phim "Đất rừng phương Nam" sau khi đón nhận những ý kiến trái chiều từ phía người xem.
Trước những phản ứng nhiều chiều của dư luận, sáng 17.10, nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam đã thông tin về nội dung liên quan đến việc chỉnh sửa một số chi tiết trong phim trước ngày công chiếu trên toàn quốc.
Trong thông cáo báo chí gửi cho các cơ quan truyền thông, nhà sản xuất viết: “Thay mặt đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và các đơn vị đồng sản xuất: Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê - HKFilm, Công ty cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town, êkíp làm phim tiếp thu ý kiến của khán giả. Sau cuộc đối thoại, trao đổi liên quan một số chi tiết trong phim với cơ quan chức năng, đoàn làm phim điện ảnh Đất rừng phương Nam đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa...".
Theo đó, các chi tiết trong phim Đất rừng phương Nam sẽ được chỉnh sửa như sau:
1. Dòng chữ “Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim Đất phương Nam” được đưa lên đầu phim. Điều chỉnh này nhằm làm rõ sự tương đồng về bối cảnh không gian và thời gian (vào những năm 1920 – 1930) của phim điện ảnh Đất rừng phương Nam và phim truyền hình Đất phương Nam. Bối cảnh này khác với bối cảnh không gian, thời gian của tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi (vào năm 1945).
2. Bổ sung thêm nội dung cho câu giới thiệu “Hành trình vẫn còn phía trước” thành “Hết phần 1 - Hành trình vẫn còn phía trước”. Sự điều chỉnh này nhằm khẳng định rõ hơn dự định của nhà sản xuất cho phần 2, kể về hành trình của nhân vật An trong tương lai.
3. Điều chỉnh “Nghĩa hòa đoàn” thành “Nam hòa đoàn”, “Thiên địa hội” thành “Chính nghĩa hội” trong tất cả các câu thoại liên quan tới 2 cụm từ này trong phim điện ảnh Đất rừng phương Nam. Các tình tiết phim liên quan tới 2 cụm từ trên đều là những tình tiết hư cấu được lấy cảm hứng từ các sự kiện trong lịch sử. Việc chỉnh sửa này nhằm tránh mọi liên tưởng không đúng về 2 cụm từ này.
Ngoài các chi tiết nói trên nhà sản xuất phim cũng khẳng định: “Các đơn vị đồng sản xuất thống nhất về quan điểm với đoàn làm phim và chúng tôi mong muốn thông qua việc chỉnh sửa như trên, khán giả sẽ được tiếp cận và trải nghiệm tốt nhất bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam. Chúng tôi khẳng định rằng những chỉnh sửa nêu trên không làm thay đổi nội dung của bộ phim. Bản phim Đất rừng phương Nam đã được chỉnh sửa và trình lên Cục Điện ảnh theo đúng quy định của pháp luật".
"Đất rừng phương Nam" là một ví dụ cụ thể về sự khác biệt giữa ngôn ngữ truyền hình nhiều tập và ngôn ngữ điện ảnh. Bộ phim cho thấy cả một quá trình nỗ lực sáng tạo của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và đoàn phim dựa trên những chất liệu cũ.
Một kịch bản thông minh chọn lọc những nhân vật và sự kiện thích hợp phục vụ cho một ý tưởng mới. An và Út Lục Lâm, một cặp nhân vật đầy xung đột và khó lường, dẫn khán giả xuyên suốt bộ phim với nhiều tâm trạng thú vị.
Một vài nhân vật mỏng đi nhường chỗ cho vài nhân vật dày lên: Ông Tiều Tiến Luật, Tư Mắm Băng Di thực sự ấn tượng với lối diễn đa dạng. Và cao trào đã bất ngờ tạo cho bác Ba Phi Trấn Thành một chiều sâu nhân vật. Những sự kiện sôi động xen kẽ với những khoảng lặng đầy chất thơ, dính kết nhau tạo nên một bữa tiệc nhiều mùi vị.
Đạo diễn khôn khéo dùng giọng điệu hóm hỉnh (nhưng không phải hài trào phúng) để kể về một thời bi tráng hào hùng của vùng đất phương Nam, với những người hùng áo vải đúng nghĩa. Dàn diễn viên hợp vai, sinh động, đặc biệt Tuấn Trần (Út Lục Lâm) và bé Hạo Khang (An).
Và những thế mạnh của điện ảnh gồm: hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, bối cảnh hoành tráng được khai thác tối đa đầy hiệu quả.
Cứ một phim mới ra đời, tôi lại nghĩ đến hình ảnh người nông dân sàng gạo: những hạt lép rơi xuống, đọng lại trên sàng một ít những hạt đẹp. "Đất rừng phương Nam" sẽ nằm trong số những phim ghi dấu chặng đường phát triển của điện ảnh nước nhà.
Nguyễn Vinh Sơn - Đạo diễn phim "Đất phương Nam" ( bản TH 1997)
Xem video chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn về bản điện ảnh Đất rừng phương Nam: