Cuộc chiến dai dẳng và quyết liệt trên thị trường dầu thế giới bắt đầu từ cuối năm 2014 đến thời điểm hiện tại, dường như cuối cùng cũng đã có những kết quả phân định thắng bại dù mới chỉ là sơ bộ.

Nga và Saudi gục ngã trước Mỹ trong cuộc chiến giá dầu?

03/04/2016, 07:54

Cuộc chiến dai dẳng và quyết liệt trên thị trường dầu thế giới bắt đầu từ cuối năm 2014 đến thời điểm hiện tại, dường như cuối cùng cũng đã có những kết quả phân định thắng bại dù mới chỉ là sơ bộ.

Trong khi hai trong ba người chơi chính trong cuộc chiến là Nga và Ả Rập Saudi đang tất bật với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận Doha cho phép hai cường quốc này nâng giá dầu bằng cách đóng băng sản lượng khai thác của mình – một dấu hiệu của sự kiệt sức, thì người chơi còn lại là Mỹ lại gần như không có dấu hiệu gì cho thấy mình đã đuối sức. Trong khi dầu Mỹ đang xuất khẩu đi khắp nơi thì thị phần của cả Nga lẫn Ả Rập Saudi đều đang suy giảm chóng mặt. Có phải đã đến lúc, Saudi nên quỳ gối trước Mỹ trong cuộc chiến giá dầu?

Những tin tức mới nhất đang vẽ ra một thực tế, trong đó Ả Rập Saudi và Nga đang tỏ ra đuổi sức hoàn toàn trước sức mạnh của ngành khai thác dầu lửa của Mỹ. Theo báo cáo mới nhất, thì Ả Rập Saudi với tư cách cường quốc xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới hiện đã đánh mất thị phần tại 9 trên 15 thị trường quan trọng nhất của mình trong 3 năm qua, bất chấp việc nước này đã tăng mức sản lượng khai thác của mình lên mức kỷ lục và thường xuyên có những động thái giảm giá sâu để chiếm thị phần. Theo dữ liệu mới nhất của công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy (FGE) có trụ sở tại Singapore, thì thị phần xuất khẩu dầu của Saudi tại Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ đã giảm mạnh kể từ năm 2013.

Cụ thể, tỷ trọng dầu xuất khẩu của Saudi vào Trung Quốc đã giảm từ 19% trong năm 2013 xuống còn 15% vào năm 2015. Tại Nam Phi, mức sụt giảm của thị phần dầu từ Saudi còn lớn hơn nhiều, khi chỉ còn 22% trong năm 2015 từ mức 53% năm 2013 do sự cạnh tranh gay gắt của Nigeria và Angola. Tại Mỹ, tỷ trọng dầu của Saudi giảm từ 17% năm 2013 xuống còn 14% năm 2015 do sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ khiến nhu cầu nhập khẩu dầu của nước này giảm mạnh.

Sự sụt giảm nghiêm trọng thị phần này trong bối cảnh Ả Rập Saudi đã thúc đẩy chính sách tăng sản lượng khai thác lên mức kỷ lục để giữ thị phần, gần như là một đòn nặng giáng vào tham vọng của Riyadh, và đang buộc nước này phải liên kết với Nga trong thỏa thuận Doha theo đó hai cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cùng bắt tay nhau đóng băng sản lượng để vực dậy giá dầu. Đây có thể xem như dấu hiệu của sự đuối sức, khi cả Nga lẫn Saudi đều đã phải gánh những khoản thâm hụt quá lớn kể từ khi giá dầu lao dốc vào cuối năm 2014.

Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của cả Nga lẫn Saudi là Mỹ thì lại đang không có dấu hiệu gì cho thấy nước này đã đuối sức. Sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu phiến đang khiến cho Mỹ không những giảm lượng dầu nhập khẩu từ chính Ả Rập Saudi để cung cấp cho nhu cầu của nền kinh tế lên đến gần 18 triệu thùng/ngày của nước này, mà Mỹ còn đang dư cung để bắt đầu xuất khẩu dầu ra nước ngoài. Các tàu chở dầu của Mỹ để vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu tại Đức và Thụy Sĩ đã bắt đầu từ tháng 1.2016, báo hiệu cho một tương lai ngày càng tươi sáng của ngành năng lượng của Mỹ.

Kể cả các số liệu thống kê về tình hình khai thác cũng đang đứng về phía Mỹ. Nếu chỉ nhìn sơ qua các bản báo cáo và con số thống kê thì có vẻ như ngành dầu Mỹ cũng đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng, chẳng hạn như từ đầu năm 2015 đến nay đã có khoảng hơn 50 công ty và tập đoàn khai thác dầu của Mỹ nộp đơn xin phá sản, và từ đầu năm 2016 đến nay là 9 công ty, trong đó có cả những tập đoàn tên tuổi như SandRidge – một trong những công ty dầu lửa lớn nhất Bắc Mỹ. Ngoài ra tổng số người bị mất việc trong ngành dầu Mỹ từ cuối năm 2014 đến hết năm 2015 đã lên tới khoảng 46.000 người. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, thì tất cả những thống kê có vẻ như tồi tệ này lại đang là những dẫn chứng có sức nặng nhất cho thấy sức mạnh ghê gớm của ngành dầu Mỹ.

Trên thực tế là, tổng sản lượng của hơn 50 công ty và tập đoàn khai thác dầu đã nộp đơn xin phá sản từ đầu năm 2015 cho đến nay chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng khai thác của toàn bộ ngành dầu Mỹ. Điều này có nghĩa là kể cả khi hơn 50 doanh nghiệp này có ngừng hoạt động đi nữa, thì cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến sản lượng toàn ngành. Đó là chưa kể, dù đã nộp đơn xin phá sản, thì không có nghĩa là hơn 50 công ty này đều ngừng hoạt động. Trên thực tế, có rất nhiều các công ty dù đã nộp đơn xin phá sản, thì hiện chúng vẫn đang tiếp tục hoạt động, với sản lượng khai thác thậm chí còn lớn hơn trước, chủ yếu là do các công ty này đã nhận được các khoản vốn vay trợ cấp để tiếp tục hoạt động.

Công ty khai thác Magnum Hunter Resource có trụ sở tại Texas là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Magnum Hunter xếp thứ hai về sản lượng khai thác trong số các công ty đã nộp đơn xin phá sản, và dù công ty này đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 12 thì từ đó cho đến nay sản lượng dầu và khí đốt mà công ty khai thác đã tăng gần 1/3. Lý giải cho điều này, giám đốc điều hành của công ty là Gary Evans cho biết Magnum Hunter đã nhận được khoản vay trị giá 200 triệu USD để tiếp tục hoạt động, và thậm chí là có thể đưa công ty lên vị trí định hướng cho thị trường khai thác trong tương lai. Khoản tiền này đến từ quỹ DIP được tài trợ bởi các ngân hàng và các công ty tài chính như một biện pháp hỗ trợ các công ty dầu tiếp tục hoạt động.

Nguyên nhân chủ yếu của việc hình thành quỹ hỗ trợ cho vay vốn DIP này là vì triển vọng của ngành khai thác dầu phiến Mỹ đang ngày càng lớn. Theo cơ quan thông tin năng lượng (EIA) thì sản lượng khai thác trung bình tại một giếng dầu được khoan trong năm 2015 tăng gấp đôi so với một giếng được khoan trong năm 2013. Điều này cùng với việc cải tiến công nghệ khai thác liên tục đã khiến cho giá thành khai thác dầu đá phiến ở Mỹ trở nên rất rẻ, chỉ dao động trong khoảng 17-23 USD/thùng, và hầu hết các công ty dầu Mỹ hiện đã đạt được mức phí khai thác là dưới 20 USD/thùng. Với mức giá dầu trên thị trường thế giới hiện tại ở mức gần 40 USD/thùng thì đây rõ ràng là một mức hời rất lớn, và đủ để thuyết phục các ngân hàng và các quỹ đầu tư bỏ tiền ra cho vay để giúp các công ty khai thác đang gặp khó khăn về tài chính tiếp tục hoạt động.

Ở thời điểm hiện tại, rõ ràng dư địa để ngành dầu Mỹ tăng sản lượng khai thác vẫn còn rất nhiều. Trước hết là mục tiêu cung cấp đủ cho nhu cầu của nền kinh tế Mỹ là khoảng gần 18 triệu thùng/ngày, và cùng với đó là xuất khẩu ra nước ngoài vì hiện có khá nhiều nền kinh tế đang quan tâm tới dầu xuất khẩu của Mỹ. Châu Âu đang nhập khẩu dầu từ Mỹ để đa dạng hóa nguồn cung bên cạnh dầu nhập khẩu từ Nga và Ả Rập Saudi, các nước Mỹ Latinh như Mexico hay Venezuela cũng có nhu cầu với dầu ngọt nhẹ của Mỹ vốn có thể pha vào các loại dầu nặng của những nước này để xuất khẩu.

So với hai kẻ đang thất thế là Nga và Saudi, thì rõ ràng ngành dầu Mỹ đang thắng thế một cách áp đảo, và chẳng bao lâu nữa có lẽ bức tranh thị trường dầu thế giới sẽ được vẽ lại bởi người Mỹ.

Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)

Bài liên quan
Ứng viên vị trí đặc phái viên của ông Trump phụ trách vấn đề Nga - Ukraine
Hãng Reuters dẫn nguồn tin tiết lộ Tổng thống đắc cử Donald Trump cân nhắc chọn cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell làm đặc phái viên phụ trách vấn đề Nga - Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga và Saudi gục ngã trước Mỹ trong cuộc chiến giá dầu?