Chính quyền Biden đang xem xét việc đóng lỗ hổng cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận chip trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ thông qua các đơn vị đặt ở nước ngoài, theo bốn người quen thuộc với vấn đề này.
Mỹ năm ngoái đã làm rung chuyển mối quan hệ với Trung Quốc khi công bố những hạn chế mới với việc vận chuyển chip AI và công cụ sản xuất chip sang Trung Quốc, nhằm tìm cách cản trở những tiến bộ quân sự của nước này. Những quy định đó sẽ được thắt chặt trong thời gian tới. Theo Reuters, một người nắm rõ tình hình cho biết biện pháp nêu trên có thể được đưa vào những hạn chế mới đó.
Trong đợt hạn chế đầu tiên, chính quyền Biden đã để cho các đơn vị ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc có quyền tiếp cận tự do vào các chip AI, nghĩa là chúng có thể dễ dàng được tuồn lậu vào Trung Quốc hoặc bị người dùng ở Trung Quốc truy cập từ xa.
Vào tháng 6, Reuters đưa tin những chip bị cấm theo quy định của Mỹ có thể được mua từ các nhà cung cấp trong khu điện tử Hoa Cường Bắc nổi tiếng ở thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc.
Các nguồn tin cho biết Mỹ đang cân nhắc các cách để bịt lỗ hổng này, một động thái chưa từng được báo cáo trước đây.
Những nỗ lực này cho thấy chính quyền Biden đang nỗ lực để loại công nghệ AI hàng đầu khỏi Trung Quốc và việc bịt mọi lỗ hổng trong kiểm soát xuất khẩu gặp khó khăn như thế nào.
Greg Allen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Chắc chắn các công ty Trung Quốc đang mua chip để sử dụng trong các trung tâm dữ liệu ở nước ngoài”. Ông lưu ý rằng Singapore là một trung tâm lớn về điện toán đám mây.
Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay lập tức câu hỏi của Reuters.
Bộ Thương mại Trung Quốc trước đây đã cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và kêu gọi nước này “chấm dứt việc đàn áp vô lý với các công ty Trung Quốc”.
Theo các chuyên gia, dù việc vận chuyển những chip AI đó đến Trung Quốc là bất hợp pháp, nhưng Mỹ rất khó kiểm soát các giao dịch này, đồng thời lưu ý rằng các nhân viên ở Trung Quốc có thể tiếp cận hợp pháp các chip đặt tại các công ty con ở nước ngoài từ xa.
Hanna Dohmen, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) của Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi thực sự không biết vấn đề này lớn đến mức nào”.
Theo một báo cáo trên Tạp chí Quan hệ Quốc tế, liên kết với Trường Quan hệ Quốc tế của Đại học George Washington, Mỹ đang tìm cách ngăn chặn sự gia tăng năng lực AI của Trung Quốc, vốn giúp quân đội nước này phát triển các hệ thống chiến đấu không người lái.
Khả năng AI của Trung Quốc phụ thuộc vào việc tiếp cận chip Mỹ. Ở một báo cáo tháng 6.2022, CSET nhận thấy rằng trong số 97 chip AI riêng lẻ được mua thông qua các cuộc đấu thầu của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian 8 tháng vào năm 2020, gần như tất cả chúng đều được thiết kế bởi các công ty Nvidia, Xilinx, Intel và Microsemi có trụ sở tại Mỹ.
Mỹ đang nỗ lực lấp các lỗ hổng khác cho phép chip AI vào Trung Quốc. Vào tháng 8, chính quyền Biden đã yêu cầu Nvidia và AMD hạn chế vận chuyển chip AI tiên tiến sang các khu vực khác, gồm cả một số quốc gia ở Trung Đông, chứ không riêng Trung Quốc.
Nvidia cho biết các hạn chế ảnh hưởng đến bộ xử lý đồ họa (GPU) A100 và H100, nhưng sẽ không có "tác động vật chất ngay lập tức" đến kết quả kinh doanh của hãng.
AMD nói thêm rằng động thái này không ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của hãng.
Vẫn chưa rõ ngay những rủi ro nào sẽ xuất hiện khi Mỹ kiểm soát xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Đông.
Các quan chức Mỹ thường áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Một động thái tương tự được công bố năm ngoái báo hiệu sự leo thang trong việc Mỹ tăng cường hạn chế năng lực công nghệ của Trung Quốc.
Trong một tuyên bố riêng, Nvidia cho biết: “Yêu cầu cấp phép mới không ảnh hưởng đến một phần đáng kể doanh thu của chúng tôi. Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Mỹ để giải quyết vấn đề này”.
Tháng 9.2022, AMD cho biết đã nhận được các yêu cầu cấp phép mới sẽ tạm dừng xuất khẩu chip AI MI250 sang Trung Quốc. Nvidia, AMD và Intel kể từ đó đều tiết lộ kế hoạch tạo ra những chip AI kém mạnh mẽ hơn để có thể xuất khẩu sang thị trường nước này.
Năm ngoái, Nvidia cho biết các quan chức Mỹ đã thông báo cho họ rằng quy định này “sẽ giải quyết rủi ro rằng các sản phẩm có thể được sử dụng hoặc chuyển hướng sang mục đích sử dụng cuối cho quân sự ở Trung Quốc".
Nvidia không nêu rõ quốc gia nào ở Trung Đông bị ảnh hưởng. Trong quý tài chính thứ 2 kết thúc vào ngày 30.7, hãng chip có giá trị lớn nhất thế giới thu được phần lớn doanh thu 13,5 tỉ USD từ Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Khoảng 13,9% doanh thu của Nvidia đến từ tất cả các quốc gia khác cộng lại và công ty không đạt được đột phá về doanh thu từ Trung Đông.
Nvidia cho biết: “Trong quý 2, chính phủ Mỹ đã thông báo cho chúng tôi về yêu cầu cấp phép bổ sung với một tập hợp con các sản phẩm A100 và H100 dành cho một số khách hàng và khu vực khác, gồm cả các quốc gia ở Trung Đông”.
Đài Loan là nơi sản xuất chip cho Nvidia và hầu hết các hãng chip lớn khác.
Các nguồn tin cho biết quy định mới về chip AI dự kiến được công bố trong tháng 10 này có thể sẽ áp dụng những hạn chế tương tự đó một cách rộng rãi hơn cho tất cả công ty trên thị trường.
Không rõ làm thế nào chính phủ Mỹ có thể đóng lỗ hổng cho phép các bên Trung Quốc truy cập vào các nhà cung cấp đám mây của Mỹ như Amazon Web Services, nơi cung cấp cho khách hàng quyền truy cập vào các khả năng AI tương tự. Thế nhưng, các nguồn tin cho biết chính quyền Biden cũng đang vật lộn với vấn đề đó.
Timothy Fist, thành viên tại Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ có trụ sở tại Washington, nói: “Người Trung Quốc hoàn toàn có thể truy cập hợp pháp các chip giống nhau từ mọi nơi trên thế giới. Không có quy định nào về cách truy cập chúng”.
Đầu tháng 10, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ chính quyền Biden đã cảnh báo phía Trung Quốc về kế hoạch cập nhật loạt hạn chế xuất khẩu chip AI lẫn công cụ sản xuất chip cho quốc gia châu Á vào tháng này.
Bộ Thương mại Mỹ đang nghiên cứu kế hoạch, cập nhật mới để hạn chế tiếp cận nhiều công cụ sản xuất hơn nữa nhưng vẫn phù hợp với luật pháp của hai nước thống trị ngành công cụ chip là Hà Lan và Nhật, đồng thời khắc phục một số lỗ hổng trong loạt hạn chế xuất khẩu chip AI trước đó.
Reuters nhận định cảnh báo trước là nỗ lực nhằm giữ ổn định quan hệ song phương giữa vô vàn căng thẳng, bên cạnh hoạt động công du và hội đàm cấp cao suốt 2 tháng qua.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc Mỹ lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia và hạn chế xuất khẩu để gây khó khăn cho doanh nghiệp Trung Quốc một cách tùy tiện”.
Chính quyền Biden được cho đang cố thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco tháng 11 tới. Đây là lý do Mỹ tránh công bố cập nhật hạn chế xuất khẩu chip sát thềm sự kiện, theo nguồn tin. Cập nhật mới nếu không được công bố vào đầu tháng 10 thì phải chờ đến sau hội nghị APEC.
Vì ông Tập Cận Bình không sang Ấn Độ dự hội nghị cấp cao G20 tháng trước, nên hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ đã không gặp mặt trực tiếp kể từ tháng 11.2022 đến nay.