Theo báo cáo mới từ trang TheElec, Vivo và Transsion (công ty mẹ Infinix, Itel và Tecno) đang lên kế hoạch ra mắt smartphone có kiểu dáng trượt và màn hình cuộn vào cuối năm tới.
Trích dẫn các nguồn tin trong ngành, TheElec (Hàn Quốc) tuyên bố rằng Vivo và Transsion đặt mục tiêu ra mắt điện thoại di động dạng trượt đầu tiên trên thế giới sở hữu màn hình có thể cuộn, vượt Samsung Electronics trong cuộc đua.
Các công ty Trung Quốc đã nhận thức rằng không thể đánh bại Samsung Electronics trên thị trường smartphone màn hình gập với Galaxy Z Fold 5 và Galaxy Z Flip 5 là mẫu mới nhất với giao diện One UI 6.0 rực rỡ. Để bù đắp cho điều đó, họ đang đặt mục tiêu trở thành nhóm công ty đầu tiên đưa điện thoại di động trượt có màn hình cuộn ra thị trường và chứng minh cho chính phủ Trung Quốc rằng đang đi trước phần còn lại của thế giới trong việc phát triển sản phẩm với các yếu tố hình thức mới.
Vivo có thể lấy nguồn màn hình cuộn từ Samsung Display
Transsion đã giới thiệu một chiếc smartphone kiểu dáng trượt và màn hình có thể cuộn vào tháng 9.2022. Nó được gọi là Transion Phantom Ultimate, sử dụng màn hình do CSOT sản xuất. Theo TheElec, Transsion cũng có thể mua màn hình có thể cuộn từ CSOT cho smartphone trượt sắp ra mắt của mình.
Mặt khác, Vivo được cho là đang đàm phán với CSOT cũng như Samsung Display để được cung cấp màn hình có thể cuộn cho điện thoại nắp trượt sắp ra mắt của mình.
Màn hình dạng này có khả năng thu lại thành dạng cuộn, không có nếp gấp như chúng ta thường thấy trên màn hình gập lại. Chỉ một lý do đó thôi có thể giúp smartphone màn hình trượt trở nên phổ biến hơn điện thoại màn hình gập.
Ngoài ra, màn hình có thể cuộn sẽ cho phép các nhà sản xuất cung cấp màn hình lớn hơn với diện tích nhỏ hơn, mở ra một thế giới về các khả năng hoàn toàn mới.
Samsung Electronics đã giới thiệu màn hình có thể cuộn và dự kiến sẽ ra mắt smartphone màn hình có thể cuộn vào năm 2025, sau gần một năm so với các công ty Trung Quốc.
Năm 2021, Oppo đã giới thiệu chiếc smartphone màn hình cuộn đầu tiên trên thế giới là X 2021.
Đến năm 2022, Samsung Electronics công bố thiết kế màn hình có thể cuộn cho smartphone, được gọi là slideables, tại sự kiện DSCC 2022.
Công ty Hàn Quốc đặt tên cho thiết kế này là màn hình trượt dọc. Khi sử dụng bình thường, nó là màn hình 16:9 nhỏ gọn cho smartphone để bạn dễ dàng nhét vào túi. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có không gian hiển thị lớn hơn, màn hình sau đó có thể được mở rộng thành tấm nền AMOLED 6.7 inch tỷ lệ 22:9 trượt ra ở phía trên.
Tỷ lệ khung hình 22:9 này phục vụ tốt hơn khi người dùng lướt web và mạng xã hội. Một ưu điểm khác là bạn có smatphone màn hình 6.7 inch lớn hơn trong túi trong một thân máy mỏng hơn nhiều so với trước đây.
Gặp thuận lợi trong cuộc đua ra mắt điện thoại trượt có màn hình cuộn nhưng Vivo gặp vấn đề pháp lý ở Ấn Độ khi các lãnh đạo công ty bị bắt.
Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cho biết nhiều nhân viên hãng sản xuất smartphone Vivo (Trung Quốc) và các chi nhánh công ty ở Ấn Độ đã giấu thông tin về công việc của họ khi xin thị thực (visa).
Tuyên bố đó được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng về các hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc. Trước đó, Ấn Độ thắt chặt việc đầu tư đến nước này và cấm hàng trăm ứng dụng Trung Quốc sau các cuộc đụng độ ở biên giới vào năm 2020 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ cùng 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Các cáo buộc của Cục Thực thi pháp luật (cơ quan chống tội phạm tài chính), được trình bày chi tiết hôm 11.10 trong một hồ sơ tòa án không công khai, sau vụ Ấn Độ bắt giữ Guanwen Kuang - lãnh đạo Vivo trong một cuộc điều tra rửa tiền được tiến hành vào năm 2022 với hãng smartphone lớn thứ hai ở Ấn Độ.
Trong hồ sơ dài 32 trang, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ cho biết ít nhất 30 cá nhân Trung Quốc vào Ấn Độ bằng thị thực kinh doanh và làm nhân viên Vivo, nhưng mẫu đơn đăng ký của họ “không bao giờ tiết lộ” làm cho công ty Trung Quốc này.
“Nhiều công dân Trung Quốc đã đi du lịch khắp Ấn Độ, gồm cả những địa điểm nhạy cảm ở Jammu, Kashmir và Ladakh, vi phạm trắng trợn các điều kiện thị thực của Ấn Độ”, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ tiết lộ thêm và lần đầu tiên làm sáng tỏ những cáo buộc phạm tội.
Cơ quan này cho biết trong hồ sơ: “Nhiều nhân viên của các công ty thuộc tập đoàn Vivo đã làm việc ở Ấn Độ mà không có thị thực thích hợp. Họ đã che giấu thông tin liên quan đến chủ lao động của mình trong đơn xin thị thực và lừa dối đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện Ấn Độ ở Trung Quốc”.
Khi được đề nghị bình luận, công ty có trụ sở tại thành phố Đông Hoản (Trung Quốc) chia sẻ với trang SCMP: “Vivo tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc đạo đức của mình và luôn cam kết tuân thủ pháp luật. Vụ bắt giữ gần đây khiến chúng tôi lo ngại sâu sắc. Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các lựa chọn pháp lý có sẵn”.
Trong tranh chấp biên giới kéo dài hàng thập kỷ, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với những vùng đất rộng lớn do bên kia kiểm soát ở phía tây dãy Himalaya.
Ấn Độ cấm người nước ngoài vào hoặc lưu trú tại các khu vực Ladakh và một phần Jammu cùng Kashmir mà nước này chỉ định là "được bảo vệ", trừ khi họ có giấy phép của chính quyền - tách biệt với thị thực.
Năm ngoái, Cục Thực thi pháp luật Ấn Độ đã đột kích 48 địa điểm có liên quan đến Vivo và các cộng sự của hãng này trong cuộc điều tra rửa tiền. Cục này cáo buộc Vivo chuyển tiền bất hợp pháp sang Trung Quốc để trốn thuế Ấn Độ thông qua các công ty mà họ gián tiếp kiểm soát.
Hồ sơ tòa án tuần này cho biết 1,07 ngàn tỉ rupee (khoảng 12,87 tỉ USD) đã được Vivo chuyển ra bên ngoài Ấn Độ cho một số công ty thương mại do hãng kiểm soát, mà Cục Thực thi Ấn Độ gọi là "lớp che đậy" nhằm tránh sự chú ý của chính phủ.
"Trong các báo cáo theo quy định từ năm 2014-2015 đến 2019-2020 không thể thấy bất kỳ lợi nhuận nào và không có thuế thu nhập nào được nộp, nhưng một số tiền lớn đã được chuyển ra khỏi Ấn Độ", Cơ quan chống tội phạm tài chính Ấn Độ cho biết thêm.
Vào tháng 7.2022, cơ quan này ước tính Vivo đã chuyển 624,7 tỉ rupee (khoảng 7,5 tỉ USD) chủ yếu sang Trung Quốc.
Chính quyền Ấn Độ đã đột kích hàng chục văn phòng của Vivo vào tháng 7.2022 vì nghi ngờ rửa tiền, sau những hành động tương tự để điều tra các công ty Trung Quốc là Xiaomi và Huawei.
Tháng 12.2022, đơn vị tình báo thuế thu nhập, thuộc Bộ Tài chính của Ấn Độ đã tịch thu khoảng 27.000 smartphone Vivo trị giá gần 15 triệu USD tại sân bay New Delhi, ngăn cản công ty con ở Ấn Độ của công ty này xuất khẩu thiết bị sang các thị trường lân cận, theo bản tin của Bloomberg thời điểm đó.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, Vivo là nhà cung cấp smartphone lớn thứ 5 thế giới về doanh số trong quý 2/2023. Tại Ấn Độ, Vivo đứng thứ hai trong quý 2/2023 với 17% thị phần, xếp sau Samsung Electronics (18% thị phần) và đứng trước Xiaomi (15% thị phần).