Trong nhiều năm, doanh nhân Ilias Sabirov cung cấp cho quân đội Nga những con chip máy tính hiệu suất cao được sản xuất tại Mỹ.

Mỹ điều tra vì sao chip công nghệ quân sự vẫn tuồn vào Nga bất chấp lệnh cấm

Cẩm Bình | 04/05/2022, 09:23

Trong nhiều năm, doanh nhân Ilias Sabirov cung cấp cho quân đội Nga những con chip máy tính hiệu suất cao được sản xuất tại Mỹ.

Tới năm 2014 xảy ra sự kiện Nga sáp nhập Crimea của Ukraine, chính phủ Mỹ áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu mới đối với Nga, trong đó có hạn chế bán chip các loại. Nhưng điều này không thể ngăn Sabirov lấy được nhiều hàng hơn.

Hồ sơ hải quan Nga cùng một cáo trạng liên bang của Mỹ chỉ ra rằng vào mùa xuân năm 2015, một lô hàng hơn 100 chip chế tạo đặc biệt để chịu được bức xạ và nhiệt độ khắc nghiệt - linh kiện quan trọng trong tên lửa cùng vệ tinh quân sự - được vận chuyển đến địa chỉ kinh doanh của Sabirov tại Moscow.

Công tố viên Mỹ xác định số chip có nguồn gốc từ công ty Silicon Space Technology (SST) ở Austin thuộc bang Texas, lách hạn chế xuất khẩu bằng cách vận chuyển thông qua một công ty của Bulgaria.

pc26p3tzrrb4tfnjrq5hryqvea.jpg
Chip chế tại đặc biệt chịu được bức xạ và nhiệt độ cao là linh kiện quan trọng trong tên lửa cùng vệ tinh quân sự - Ảnh: Reuters

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2 vừa qua, Mỹ cùng hơn 30 quốc gia khác phản ứng bằng nhiều biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu bổ sung. Nhưng câu chuyện lô chip xuất khẩu từ Texas sang Moscow kể trên cho thấy công nghệ nhạy cảm của phương Tây vẫn có thể xuất hiện ở Nga bất chấp hạn chế nghiêm ngặt.

Vụ việc liên quan đến doanh nhân Sabirov nêu bật những thách thức trong áp đặt kiểm soát xuất khẩu, nhất là với mặt hàng có thể phục vụ cả mục đích dân sự lẫn mục đích quân sự.

Xem xét vụ việc trên cùng không ít án hình sự khác của Mỹ, hãng tin Reuters phát hiện được cả một đường dây gồm các nhà cung cấp, công ty bình phong sẵn sàng khai khống rằng sản phẩm chỉ phục vụ mục đích dân sự. Sản phẩm thường là chip và công cụ chính xác bán cho quân đội Nga.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Sue Gough cho biết trong chiến tranh, chip đóng vai trò rất quan trọng với hoạt động thông tin liên lạc, tình báo và giám sát.

“Để quốc gia hiếu chiến sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga có được công nghệ sản xuất chip chống lại bức xạ sẽ khiến an ninh quốc tế thêm bất ổn. Vì vậy những con chip này là cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ”, theo phát ngôn viên Gough.

Cục Điều tra an ninh nội địa Mỹ (HSI) xác định hiện nay nỗ lực lách hạn chế xuất khẩu Mỹ áp đặt để tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Nga thực hiện đang gia tăng. Một đơn vị chuyên trách phát hiện hàng hóa bất thường gồm 25 thành viên từ tháng 2 đã chuyển trọng tâm từ Trung Quốc sang Nga.

Ngày 21.4 lúc gặp gỡ Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố cơ quan của bà đang tập trung lấy đi sản phẩm cùng công nghệ mà Nga cần để duy trì chiến tranh.

5h2vpobwnfg63alfyhzcxburv4.jpg
Hạn chế xuất khẩu công nghệ quân sự rất khó kiểm soát - Ảnh: Reuters

Việc đảm bảo thực thi được hạn chế cũng cực kỳ khó khăn: Kể từ năm 2018, Nga đã không trao quyền cho quan chức phụ trách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ tiến hành kiểm tra tại chỗ để đảm bảo hàng hóa nhạy cảm được sử dụng đúng mục đích kê khai, theo nguồn thạo tin.

Ngay cả khi phát hiện sai phạm, các vụ việc có thể mất đến vài năm để điều tra và xét xử trong khi đối tượng bị buộc tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chẳng hạn như vụ vận chuyển chip từ Texas sang Moscow, giới chức Mỹ mất gần 5 năm mới khởi tố hình sự rồi đưa ra hình phạt.

Năm 2020, doanh nhân Sabirov cùng hai người Bulgaria khác bị khởi tố với tội danh xuất khẩu trái phép chip sang Nga và rửa tiền, còn công ty SST bị phạt 497.000 USD.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, Sabirov một mực phủ nhận cáo buộc. Ông ta khẳng định số chip SST cung cấp chưa bao giờ đến Moscow và bản thân không rửa tiền. Doanh nhân này cùng hai người Bulgaria hiện vẫn được tại ngoại.

Trong một vụ việc khác, Alexander Brazhnikov Jr - công dân Mỹ gốc Nga - cùng cha từ năm 2008 đến năm 2014 đã buôn lậu số vi mạch trị giá hơn 65 triệu USD từ New Jersey đến các công ty ở Moscow có liên hệ với một số chương trình quân sự, tình báo, thiết kế đầu đạn hạt nhân của Nga.

Năm 2015, Brazhnikov Jr nhận tội mua chip tại Mỹ, đóng gói và dán nhãn lại rồi xuất sang Nga cho cha mình. Đã có 1.923 chuyến hàng thành công và tiền hàng được rửa bằng 50 công ty bình phong đăng ký ở hàng loạt quốc gia như quần đảo Marshall hay Panama, Belize.

Brazhnikov Jr nhận bản án 70 tháng tù, mãn hạn vào tháng 12.2018. Người cha vẫn chưa bị bắt. Peter Gaeta - một trong những công tố viên của vụ án - cho biết: “Quy mô vụ này thật đáng kinh ngạc. Nhưng đây không phải hoạt động đơn độc mà đang diễn ra trên diện rộng”.

Ở một vụ khác, công dân mang hai quốc tịch Mỹ và Nga Alexander Fishenko từng thực hiện kế hoạch mua và vận chuyển sản phẩm chip nhạy cảm từ nhiều công ty đặt trụ sở tại Mỹ cho khách hàng là giới chức Nga trong đó có cơ quan tình báo quân sự cùng tình báo suốt nhiều năm.

Fishenko sở hữu một công ty xuất khẩu ở Houston (Texas) đồng thời cũng giữ chức giám đốc điều hành một công ty ở Moscow. Trong giai đoạn 2002-2012, công ty xuất khẩu chuyển nhiều hàng, thiết bị điện tử dùng cho radar, hệ thống giám sát, hệ thống dẫn đường vũ khí, thiết bị kích nổ qua New York đến hàng loạt đối tác tại Phần Lan, Canada, Đức. Số đối tác này lại đưa hàng sang Nga.

Fishenko cùng 10 người khác bị truy tố vào năm 2012 vì tham gia vào âm mưu bán công thuộc diện chịu kiểm soát nghiêm ngặt cho Nga mà không có giấy phép bắt buộc. Đối tượng còn nhận thêm tội danh làm gián điệp cho Nga, tổng án tù là hơn 7 năm.

Vài năm qua, Nga cố gắng tăng sản xuất sản phẩm công nghệ quân sự trong nước cũng như chuyển sang hợp tác với các nhà cung cấp ở quốc gia thân thiện như Trung Quốc. Tuy nhiên công ty Nga vẫn phải phụ thuộc thiết bị chính xác cao và sản phẩm bán dẫn hiệu suất cao từ phương Tây, chẳng hạn chip chế tạo đặc biệt để chống lại bức xạ và nhiệt độ khắc nghiệt mà doanh nhân Sabirov xuất khẩu.

Theo giám đốc điều hành một công ty bán dẫn Mỹ: “Nếu một vệ tinh Nga quay quanh Trái đất mà không gặp trục trặc, chắc chắn nó dùng thiết bị điện tử phương Tây”. Người này khẳng định khoảng cách công nghệ Mỹ - Nga vẫn chưa bị thu hẹp mặc dù Moscow đầu tư rất nhiều.

Để cung cấp công nghệ tối tân cho quân đội mình, Nga tiếp cận nhiều nhà cung cấp phương Tây. Một trong số những vụ việc đáng chú ý là nhà sản xuất hệ thống tên lửa phòng không Nga Almaz-Antey vượt qua loạt hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt Đức đặt ra và mua được máy gia công kim loại chính xác cao trị giá gần 10 triệu USD. Nguồn thạo tin tiết lộ giấy phép xuất khẩu ghi rằng máy được chuyển đến một số nhà sản xuất hàng dân dụng thành phố Yekaterinburg trong khi điểm đến thực tế là nhà máy của Almaz-Antey gần đó.

Giáo sư Suzette Grillot thuộc Đại học Oklahoma cho biết hạn chế thương mại với Nga sở dĩ có tác dụng trong thời Chiến tranh lạnh là vì khi đó phương Tây thống trị thương mại thế giới. Nhưng với bối cảnh thời đại ngày nay thì trừng phạt thời Chiến tranh lạnh khó đạt hiệu quả, bởi vì Nga đã tiếp cận công nghệ phương Tây gần như không giới hạn trong 30 năm qua và cũng có thể dựa vào nhà cung cấp ở Trung Quốc hay Ấn Độ.

Bài liên quan
Ứng viên thân Nga dẫn đầu bầu cử tổng thống Romania nhờ TikTok?
Calin Georgescu, một chính trị gia cực hữu ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã bất ngờ dẫn đầu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Romania.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ điều tra vì sao chip công nghệ quân sự vẫn tuồn vào Nga bất chấp lệnh cấm