Microsoft vẫn tiếp tục duy trì một thế mạnh với thị trường phần mềm văn phòng, bất chấp những nỗ lực hết mình của Google và ảnh hưởng từ đại dịch, dữ liệu mới cho thấy.

Microsoft đè bẹp Google trong chiến trường quan trọng

Sơn Vân | 28/05/2022, 12:21

Microsoft vẫn tiếp tục duy trì một thế mạnh với thị trường phần mềm văn phòng, bất chấp những nỗ lực hết mình của Google và ảnh hưởng từ đại dịch, dữ liệu mới cho thấy.

Theo một cuộc khảo sát 500 người do OnePulse thực hiện thay mặt cho trang TechRadar Pro, Microsoft 365 là bộ sản phẩm phần mềm năng suất được đa số doanh nghiệp Mỹ lựa chọn (58,20%), trong khi Google Workspace chỉ được sử dụng 15%.

OnePulse là công cụ khảo sát trực tuyến và nền tảng thông tin chi tiết về người tiêu dùng, biến nghiên cứu thị trường thành cuộc trò chuyện thời gian thực, hấp dẫn.

Cuộc thăm dò cũng nhấn mạnh mức độ khó khăn mà những người chơi nhỏ phải đối mặt, với các lựa chọn thay thế như Zoho Workplace, Polaris Office và LibreOffice đều được sử dụng bởi ít hơn 3% số người được hỏi.

Có lẽ không nhiều người ngạc nhiên khi Microsoft đang dẫn đầu trong thị trường phần mềm văn phòng với bộ Microsoft 365 nổi tiếng của mình. Song việc Microsoft dẫn đầu lĩnh vực này và bỏ xa Google có thể gây bất ngờ, do danh tiếng của các ứng dụng như Google Docs, Google Sheets, Google Slides và nhiều hơn nữa.

Một trong những đặc điểm nổi bật của sản phẩm mà Microsoft cung cấp là tích hợp chặt chẽ giữa các ứng dụng và dịch vụ, mở rộng toàn bộ hệ điều hành Windows mà hầu hết các máy tính doanh nghiệp chạy trên đó.

Tuy nhiên, Google đã bắt kịp bước tiến của Microsoft khi nói đến mô hình cộng tác thời gian thực, theo đó phần mềm được phục vụ qua đám mây, điều này đã được chứng minh là vô cùng quan trọng kể từ khi chuyển đổi sang làm việc từ xa và kết hợp.

Vào năm 2020, Google cũng đổi tên G Suite thành Workspace, báo hiệu sự gia tăng đầu tư vào bộ phần mềm. Là một phần của quá trình này, Google tuyên bố sẽ nỗ lực phối hợp để tạo ra “trải nghiệm người dùng tích hợp sâu sắc hơn”, thu hẹp khoảng cách so với đối thủ của mình.

Kể từ đó, Google đã tung ra hàng trăm bản nâng cấp nhằm thực hiện mục tiêu này và tinh chỉnh hơn nữa các dịch vụ của mình cho môi trường làm việc sau đại dịch.

Tuy nhiên, dữ liệu mới được cung cấp cho TechRadar Pro chứng tỏ những nỗ lực này của Google không thành công với tốc độ tăng trưởng người dùng hạn chế.

Dù khảo sát trên còn lâu mới toàn diện và không đưa ra bức tranh toàn cầu, kết quả đó được hỗ trợ bởi thông tin tài chính. Trong quý 1/2022, các dịch vụ đám mây của Google (bao gồm cả Workspace) có doanh thu 5 tỉ USD, trong khi mảng phần mềm năng suất của Microsoft đạt hơn 15 tỉ USD.

Nói cách khác, Google còn một chặng đường dài trước khi có thể thực sự thách thức vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.

microsoft-danh-bai-google-trong-chien-truong-quan-trong.jpg
Google còn lâu mới đuổi kịp Microsoft trên thị trường phần mềm văn phòng

Trong quý 1/2022, doanh thu của Microsoft đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, tăng 20% so với trong quý 4/2021.

Theo Refinitiv, trong quý 1/2022, Microsoft đạt thu nhập 2,22 USD trên mỗi cổ phiếu, tăng 0,03 USD so với dự kiến của các nhà phân tích.

Tổng doanh thu mà Microsoft thu về đạt 49,36 tỉ USD, vượt mức 49,05 tỉ USD mà các nhà phân tích mong đợi.

Tổng chi phí bán hàng và tiếp thị của Microsoft đạt 5,6 tỉ USD, cao hơn 10% so với quý năm trước và là mức tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 3 năm qua.

Phân khúc dịch vụ đám mây thông minh của Microsoft, bao gồm đám mây công cộng Azure để lưu trữ ứng dụng, cùng với SQL Server, Windows Server và các dịch vụ doanh nghiệp, đã tạo ra doanh thu 19,05 tỉ USD.

Con số đó tăng 26% và cao hơn mức 18,90 tỉ USD mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò ý kiến do StreetAccount tiến hành.

Phân khúc phần mềm của Microsoft, bao gồm phần mềm Office, LinkedIn và Dynamics, đạt doanh thu 15,79 tỉ USD trong quý 1/2022, tăng khoảng 17% và nhiều hơn một chút so với ước tính của StreetAccount là 15,75 tỉ USD.

Microsoft đã tăng giá một số đăng ký phần mềm Office 365 trong quý 1/2022. Phân khúc hệ điều hành và máy tính cá nhân, bao gồm Windows, Xbox, quảng cáo tìm kiếm và Surface, đã đạt doanh thu 14,52 tỉ USD, tăng 11% và cao hơn mức ước tính của StreetAccount là 14,27 tỉ USD.

Microsoft cho biết doanh thu từ việc bán bản quyền Windows cho các nhà sản xuất PC đã tăng 11% trong quý 1/2022.

Trong quý 1/2022, Microsoft đã công bố kế hoạch mua lại Activision Blizzard (nhà sản xuất game Call of Duty) với giá 68,7 tỉ USD. Đây là giao dịch lớn nhất trong lịch sử 47 năm của Microsoft và cũng là thương vụ lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp game.

Thỏa thuận hoàn toàn bằng tiền mặt được Microsoft công bố hôm 18.1.2022. Qua đó, Microsoft muốn củng cố sức mạnh trong thị trường game đang bùng nổ, nơi có sự tham gia của 2 hãng hàng đầu là Tencent và Sony.

Động thái này cũng thể hiện sự đặt cược của Microsoft vào thế giới trực tuyến ảo metaverse, nơi mọi người có thể làm việc, vui chơi và giao lưu, như nhiều đối thủ cạnh tranh lớn nhất đã làm.

"Game là thể loại năng động và thú vị nhất trong giải trí trên tất cả các nền tảng hiện nay, sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng metaverse", Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella cho biết.

Microsoft cũng hoàn tất việc mua lại Nuance Communications (tập đoàn công nghệ phần mềm máy tính đa quốc gia của Mỹ) và đưa ra chiến lược mở rộng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Bài liên quan
Microsoft chặn đứng âm mưu tấn công Ukraine, Mỹ, EU của nhóm hacker quân sự Nga
Microsoft cho biết đã làm gián đoạn các nỗ lực tấn công của gián điệp quân sự Nga nhằm đột nhập vào các mục tiêu Ukraine, Liên minh châu Âu và Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Microsoft đè bẹp Google trong chiến trường quan trọng