Hơn 4 triệu người dùng điện thoại di động tại Philippines tiến hành đăng ký SIM để tuân thủ luật mới vừa có hiệu lực. Nhưng quản lý một cửa hàng máy tính nhỏ ở thủ đô Manila lại tỏ ra băn khoăn về luật mới này.

Luật SIM điện thoại của Philippines gây tranh cãi

Cẩm Bình | 02/01/2023, 15:07

Hơn 4 triệu người dùng điện thoại di động tại Philippines tiến hành đăng ký SIM để tuân thủ luật mới vừa có hiệu lực. Nhưng quản lý một cửa hàng máy tính nhỏ ở thủ đô Manila lại tỏ ra băn khoăn về luật mới này.

Nhân viên của cửa hàng cho biết: “Họ thu thập dữ liệu cá nhân. Bạn không biết họ sẽ làm gì với dữ liệu”.

Tháng 10.2022, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr ký ban hành Đạo luật Đăng ký SIM nhằm xử lý nạn lừa đảo qua điện thoại di động và nhiều hành vi phạm tội khác. Tuy nhiên, luật mới làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và lạm dụng dữ liệu.

Lo ngại xuất phát từ một điều khoản trong luật cho phép lực lượng chức năng giả mạo SIM đăng ký khi thực hiện “các hoạt động được cơ quan thực thi pháp luật ủy quyền”.

Ủy ban Viễn thông liên bang Mỹ định nghĩa giả mạo là hành vi người gọi làm sai lệch thông tin hiển thị trên màn hình điện thoại phía người nghe hòng che giấu danh tính. Nói cách khác, người gọi có thể hiển thị số của công ty, cơ quan nhà nước, người mà nạn nhân biết hoặc tin tưởng.

phil.jpg
Ở Philippines, người sử dụng điện thoại phải đăng ký SIM - Ảnh: SCMP

Cựu quan chức Ủy ban Quyền riêng tư quốc gia Philippines Jamael Jacob lưu ý rằng, luật mới không đòi hỏi chủ SIM là cơ quan nhà nước phải đăng ký. Lỗ hổng này cùng điều khoản cho phép giả mạo số điện thoại khiến việc bắt cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về hành vi sai trái rất khó.

Ông nói thêm: “Luật mới cũng không diễn giải rõ những gì được xem là hoạt động được cơ quan thực thi pháp luật ủy quyền, nên dễ bị lạm dụng hoặc dùng sai mục đích khiến một số quyền của người hứng chịu cáo buộc gặp rủi ro”.

“Tuy cơ quan thực thi pháp luật đôi lúc được phép thực hiện hành vi lừa dối vì công việc, chẳng hạn như gài bẫy tội phạm, nhưng cũng cần có biện pháp thích hợp để quyền hạn không bị lạm dụng hay dùng sai mục đích”, theo cựu quan chức Jacob.

Giới chức Philippines cho biết, khoảng 150 triệu chủ SIM - kể cả người Philippines đang ở nước ngoài - tiến hành đăng ký đến tháng 4, có thể kể kéo dài đến tháng 8. Trường hợp không đăng ký đúng hạn sẽ bị khóa SIM.

Luật sư Ariel Tubayan (làm việc cho tập đoàn viễn thông Philippines Globe Telecom) chỉ ra, luật mới cho phép xuất trình đến 17 loại giấy tờ chứng minh nhân thân khác nhau, kể cả giấy cấp bởi trưởng làng (barangay) trong trường hợp nơi sinh chưa từng được đăng ký với chính quyền. Nhưng cựu quan chức Jacob cho biết, nhiều người thuộc nhóm dân số dễ tổn thương không thể trình ra giấy tờ chứng minh nhân thân, bị khóa SIM làm giảm khả năng giao tiếp qua điện thoại di động của họ.

Theo luật sư Tubayan, luật mới sẽ giúp giảm tin nhắn rác. Ông cũng khẳng định quyền hạn giả mạo SIM đăng ký trong luật mới có thể bị hạn chế bởi tòa án tối cao, như từng làm với đạo luật an ninh mạng.

Cựu quan chức Jacob cũng lo lắng về an toàn của cơ sở dữ liệu SIM đăng ký. Bài học từ Malaysia, Indonesia, Úc cho thấy rủi ro rất cao.

Năm 2017, một cuộc tấn công mạng làm lộ 46,2 triệu số điện thoại kèm địa chỉ nhà được lưu trữ bởi các công ty viễn thông ở Malaysia. Năm 2021, tin tặc đánh cắp hàng chục nghìn dữ liệu SIM từ kho lưu trữ đám mây của công ty Úc Telstra. Dữ liệu 1,3 tỉ người dùng điện thoại ở Indonesia bị một tin tặc tên Bjorka tung lên mạng vào tháng 8.2022.

Còn theo quan điểm của cựu nghị sĩ Carlos Zarate, luật mới trao cho chính quyền khả năng theo dõi người bất đồng chính kiến.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật SIM điện thoại của Philippines gây tranh cãi