Kỳ 34: Tranh luận tại tòa Bạch Ốc “Mỗi ngày tình hình mỗi khác”
Kỳ 33: Tổng thống Johnson “Tôi sẵn sàng chơi bất cứ ván bài nào miễn là có kết quả”
CHƯƠNG 9 – NGÀY CÀNG RẮC RỐI (31.1.1965 – 19.5.1967)
Vào lúc tôi bắt đầu chương này một quyển sách của George C.Herring xuất hiện. Tác giả là một nhà sử học ra sức nghiên cứu cuộc chiến tranh VN trong hơn chục năm.
Herring viết : “Ảnh hưởng của McNamara bắt đầu suy giảm từ sau cuộc ngưng oanh kích tháng 12.1965. Bộ trưởng Quốc phòng đã thúc đẩy cuộc ngưng oanh kích này và sáng kiến hòa bình kèm theo đó mà TT Johnson đã dự đoán, McNamara đã tỏ ra mình cũng có thể sai lầm và Tổng thống đã trút trách nhiệm thất bại chính trị to lớn này lên đầu McNamara.
Sau tháng 12.1965, hơn bao giờ hết, vị Bộ trưởng Quốc phòng một thời nổi tiếng là không thể khuất phục được đã tỏ ra ngày càng hoài nghi hơn về một khả năng chiến thắng về mặt chính sách, ảnh hưởng của ông (do đó) càng suy giảm đi. Đến nỗi ngay trong chức trách của ông, ông cũng bị giấu diếm thông tin do lẽ ông ngày càng chống lại chiến tranh và do những ngờ vực về các quan hệ của ông với nghị sĩ Robert Kennedy”.
Bản thân tôi, tôi cũng mong rằng Herring có lý.
Thật ra ảnh hưởng của tôi – và tất nhiên trách nhiệm của tôi như là một người tham gia quyết định then chốt các chính sách về VN – vẫn còn cho đến khi tôi rời Ngũ giác đài vào cuối tháng 2.1968. Tôi đã có một cái nhìn ngày càng hoài nghi về khả năng thành đạt các mục tiêu của chúng ta tại VN qua các phương tiện chiến tranh thật đấy, song điều đó không làm giảm đi những can dự của tôi vào việc hoạch định chính sách về VN.
Trong thời gian 15 tháng tiếp theo cuộc ngưng oanh kích, chiến tranh cùng các tổn thất tăng một cách đáng kể; cứ phải họp hành mãi về chiến lược bộ chiến, bình định và gia tăng oanh kích. Các hiện tượng chống đối bắt đầu tăng dẫu rằng sự ủng hộ của quần chúng nói chung vẫn còn mạnh mẽ. 3 cố gắng khởi động thương thuyết đầy tính tài tử và chập chờn thất bại. Cuối cùng thì tướng Westmoreland lại yêu cầu thêm quân để leo thang.
Lần này ông ta đòi 200.000 quân đồng thời với việc mở rộng địa bàn chiến tranh. Cả tướng Westmoreland và các tướng chỉ huy liên quân đều tin rằng kế hoạch này sẽ đòi hỏi huy động quân trừ bị và cả bộ máy quân sự, kể cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Họ thừa nhận rằng các hành động này sẽ có thể dẫn đến việc đối đầu với Trung Quốc hoặc Liên Xô tại Đông Nam Á hoặc một nơi nào khác, song họ cho rằng nhờ những bước kế hoạch này nhất định sẽ rút ngắn được thời hạn mà họ đã dự báo sẽ kéo dài đến 5 năm nữa.
Tất cả những điều này chứng tỏ chính sách của chúng ta đã thất bại: oanh kích, bộ chiến đều chẳng thành công, các sáng kiến ngoại giao tỏ ra vụng về và vô hiệu quả.
Những thực tế đớn đau này khiến tôi kết luận, trong một bản phúc trình gây tranh luận rất nhiều gửi đến Tổng thống Johnson hôm 19-5-1967: đã đến lúc thay đổi mục tiêu của chúng ta tại VN cũng như các phương tiện cần thiết để đạt đến các mục tiêu đó.
Bản phúc trình này báo trước cho sự nứt rạn trong nhóm chúng tôi về vấn đề VN mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc tôi ra đi.
Năm 1966 bắt đầu bằng một sự kiện làm tôi vô cùng chán nản: cố vấn an ninh McBundy rời bỏ nội các (đi nhận chức Chủ tịch tổ chức Ford Foundation).
Tôi đoán chừng rằng lý do thực sự khiến Mc Bundy bỏ đi là vì ngán ngẩm chiến tranh.
Tôi tin rằng không những Mc Bundy chán ngán thái độ của Tổng thống đối với chiến tranh mà còn vì cơ cấu quyết định ở cấp cao tột đỉnh cả ở Washington lẫn ở Sài Gòn. Walt Rostow thế chỗ McBundy. Do bản chất lạc quan sẵn có, ông ta có khuynh hướng hồ nghi bất cứ bản báo cáo nào cho rằng chúng ta đang không đạt đến tiến bộ.
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)