Kỳ 36: Đếm xác, căn bệnh ám ảnh thời chiến
Kỳ 35: Khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Mùa xuân 1966, tôi khuyến cáo Tổng thống nên tổ chức lại chương trình bình định – cho đến lúc đó là dưới sự kiểm soát của Đại sứ Mỹ tại NVN. Tôi yêu cầu đặt cả chiến dịch bình định lẫn các chiến dịch quân sự trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh phái bộ quân sự Mỹ tại NVN.
Ý kiến này làm cho các quan chức (Mỹ) cả tại Sài Gòn và Washington nhảy nhổm phản đối, khiến tôi phải thay đổi chiến thuật. Tôi khuyến cáo tập trung cơ cấu chỉ huy và phân rõ trách nhiệm: chiến dịch hành quân thì trao cho tướng Westmoreland, công tác bình định thì trao cho Phó Đại sứ William Porter. Sau một thời gian thử nghiệm, nếu không thành công, sẽ trao hết cả cho tướng Westmoreland chỉ huy.
Khuyến cáo này đã không được thực hiện và đó chính là một sai lầm nghiêm trọng.
Với một chính quyền Sài Gòn tham ô và với một sự phối hợp nghèo nàn giữa chính quyền Sài Gòn và người Mỹ (cũng như giữa người Mỹ với nhau), các nỗ lực của chúng tôi bị xói mòn. Các ngân khoản dành cho rất nhiều dự án không bao giờ đến nơi cần đến. Nhiều quan chức địa phương còn nghĩ rằng chiến dịch bình định đe dọa quyền uy của họ. Thành ra dân làng vốn đã bị tổn thất vì chiến tranh rồi lại đâm ra ác cảm hoặc dè chừng trước mọi cố gắng (dân sự vụ) của chúng tôi. Càng cố gắng thúc đẩy bình định, chúng tôi càng nhanh chóng thất bại.
Trong khi đó cuộc chiến tranh trên không gia tăng. Số phi vụ tấn công BV tăng từ 25.000 lên đến 79.000 năm 1966 rồi đến 108.000 vào năm 1967; số bom cũng tăng từ 63.000 tấn lên 136.000 tấn và đến 226.000 tấn trong thời gian đó. Không kích gây ra thiệt hại cho BV, làm phân tán nhân lực và tài nguyên mà lẽ ra có thể được dùng cho mục tiêu quân sự, làm vướng hoạt động chuyển quân và tiếp liệu vào miền Nam.
Song cái giá lại rất đắt: tổn thất phi công Mỹ, bị Hà Nội bắt giữ; số thường dân thương vong cũng tăng nhiều lần. Hơn bao giờ hết việc một nước bé liên tục bị một siêu cường nện đã cung cấp cho BV một công cụ tuyên truyền rất mạnh mẽ.
Và cuối cùng thì không kích cũng đã không đạt đến các mục tiêu cơ bản; trong khi chiến dịch “Sấm Cuộn” gia tăng, tình báo Mỹ đánh giá rằng mức độ xâm nhập cũng gia tăng theo, từ khoảng 35.000 người năm 1965 lên đến 90.000 người năm 1967, ấy thế mà ý chí gánh chịu cuộc chiến tranh của Hà Nội vẫn không suy suyển.
Tôi không nghĩ rằng oanh kích sẽ có hiệu quả trừ phi nhằm trúng các mục tiêu là các nguồn sản xuất, triệt tiêu nguồn nhu yếu phẩm, ngăn chặn được việc thay thế các sản phẩm và phương tiện đó. Thế nhưng nguồn sản xuất cho BV và VC lại dựa vào Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ đâu thể nhắm vào các nguồn cung cấp này trừ phi sử dụng các phương tiện chính trị.
Tất cả khiến tôi kết luận rằng chẳng một khối lượng bom nào đổ xuống miền Bắc có thể kết thúc được chiến tranh, trừ phi là một sự tàn phá diệt chủng, mà điều này thì chẳng ai chấp nhận được.
Các tướng chỉ huy liên quân lại nghĩ khác và cứ đòi tổ chức một chiến dịch không kích cuồng vọng hơn vào mùa xuân 1966. Họ nghiêng về một cuộc tấn công vào các kho xăng dầu ở gần Hà Nội và Hải Phòng, lập luận rằng đây sẽ là một đòn trí mạng đánh vào BV.
Tổng thống và tôi ngần ngại trước kế hoạch này vì nhiều lý do, trong đó có cả nguy cơ vô tình đánh trúng một tàu Liên Xô nào gần đó, tạo ra một đe dọa đụng độ giữa siêu cường nguyên tử.
Cuối cùng vào cuối tháng 6/1966, chúng tôi cho phép tấn công. Các kho xăng dầu bị đánh bom, song tổn thất chỉ gây trở ngại cho BV trong một thời gian ngắn. Họ nhanh chóng thích nghi bằng cách phân tán nhiên liệu trong các hồ ngầm dưới đất và che giấu các thùng phuy khắp đất nước đồng thời bù đắp lại các thiệt hại bởi nguồn tiếp liệu bằng đường sắt từ Trung Quốc và bằng cách chuyển dầu ngoài khơi từ các tàu của Liên Xô qua các sà lan đến các điểm chứa dầu rải rác dọc theo các cửa biển đồng bằng sông Hồng…
Các cuộc oanh kích tháng 6 đó đã thất bại đáng kể trong việc ngăn trở ý chí và khả năng duy trì tiếp liệu của BV cho chiến trường miền Nam. Điều đó buộc tôi phải nghĩ đến nhiều phương án khác.
Mùa hè năm 1966, tôi yêu cầu một nhóm khoa học gia danh tiếng đang hợp đồng làm việc cho phân bộ Jason của Viện Phân tích quốc phòng thuộc Ngũ Giác đài – trong số đó có cựu cố vấn khoa học của Tổng thống Eiswnhower, George Kistiakowsky, và Jerome Wiesner, Chủ tịch Học viện kỹ thuật MIT – nghiên cứu vấn đề. Họ kết luận quả thật oanh kích là vô hiệu quả và khuyến cáo xây dựng một “hàng rào” như là một công cụ kiểm soát sự xâm nhập. Khái niệm này, tôi đã chú ý đến từ mùa xuân năm 1966, sẽ gồm việc trải một vành đai mìn rất phức tạp cùng các cuộc không kích địch quân đang di chuyển. Giá của hàng rào đó sẽ rất đắt, song do lẽ oanh kích (như đã qua) không hiệu quả, nên tôi đã cho phép xây dựng nó và bổ nhiệm Trung tướng Alfred D. Starbird phụ trách toàn thể công việc triển khai.
Các tướng chỉ huy liên quân phản ứng lạnh nhạt với kế hoạch này nhưng không chống lại nó lắm. Một khi hàng rào được thiết lập xong, mục tiêu của nó là làm cho các vụ xâm nhập phải chịu thêm tổn thất. Và điều đó đã xảy ra.
Tổng kết của tôi về tác dụng của hàng rào cấm xâm nhập (mà một số người gọi là phòng tuyến McNamara) dựa trên các thu nhập sau này thay vì trên các báo cáo của thời đó phần lớn vì lẽ hồ sơ về công trình nghiên cứu tháng 8/1966 mang tên JASON này vẫn chưa được giải tỏa ra khỏi những cấm kỵ bí mật quốc gia.
Danh Đức dịch (Tiêu đề của Một Thế Giới)