Nhu cầu đi lại bằng máy bay vài thập kỷ gần đây không ngừng gia tăng khiến ngành hàng không phát thải nhiều hơn đường sắt, đường bộ, đường thủy.
Khoa học - công nghệ

Kiểu dáng máy bay mới giúp giảm phát thải

Cẩm Bình 04/11/2024 16:56

Nhu cầu đi lại bằng máy bay vài thập kỷ gần đây không ngừng gia tăng khiến ngành hàng không phát thải nhiều hơn đường sắt, đường bộ, đường thủy.

Nỗ lực giảm phát thải đang được triển khai; nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có thể cắt giảm 80% lượng khí thải trên một chuyến bay nếu được sản xuất và sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, nguồn cung SAF hiện không dồi dào, và ở kịch bản lạc quan nhất thì năm nay loại nhiên liệu này chỉ chiếm 0,53% tổng lượng nhiên liệu hàng không được sử dụng, không đủ để đem lại tác động lớn.

Một số kỹ sư tìm kiếm giải pháp ở kiểu dáng máy bay. Họ muốn loại bỏ thiết kế truyền thống tồn tại hơn 1 thế kỷ để chuyển sang thiết kế cánh liền thân (cánh chiếm phần lớn diện tích thân). Năm 2020, Airbus trình làng mẫu máy bay trình diễn cỡ nhỏ để thử nghiệm một thiết kế mà hãng xác định giúp tiết kiệm 20% nhiên liệu. Ba năm sau, JetZero công bố kế hoạch sản xuất máy bay với thiết kế tương tự có sức chứa 200 hành khách. Natilus cũng tham gia cuộc đua bằng nguyên mẫu phương tiện cánh liền thân Horizon, chở được khoảng 200 hành khách, sử dụng ít nhiên liệu hơn Boeing 737 và Airbus A320 đến 30% và lượng khí thải chỉ bằng một nửa.

2024-11-04-134856.png
Một thiết kế máy bay mới nhằm giảm sử dụng nhiên liệu

Trải nghiệm mới

Thành lập năm 2016, Natilus từng ra mắt máy bay chở hàng không người lái tên Kona có kiểu dáng cánh liền thân. Kona đã nhận được hơn 400 đơn đặt hàng. Phiên bản hoàn chỉnh sẽ đi vào hoạt động trong vòng 2 năm tới.

Phần lớn công nghệ từ Kona sẽ chuyển sang cho Horizon, nhưng máy bay chở khách này có buồng lái cùng đội bay như thông thường. Công ty đặt ra mục tiêu vô cùng tham vọng: đưa phương tiện vào hoạt động trong năm 2030. Từ trước đến nay chưa dòng máy bay hoàn toàn mới nào trải qua quá trình từ thiết kế đến nhận đầy đủ chứng nhận chỉ mất 6 năm.

2024-11-04-134907(3).png
Nỗ lực giảm phát thải đang được triển khai thông qua việc thiết kế máy bay

Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Natilus Aleksey Matyushev cho biết: “Một trong số thách thức của thiết kế cánh liền thân là độ ổn định cùng khả năng điều khiển. Tôi nghĩ đây là nơi mà McDonnell Douglas hay Boeing đã vấp ngã”.

Một cách để giữ ổn định máy bay là dùng đến nhiều hệ thống máy tính điều khiển bay phức tạp. Nếu không thì cần cải tiến bề mặt máy bay nhằm đem lại thay đổi về khí động học, Natilus chọn giải pháp này.

Kiểu dáng mới có thể giảm 30% lực cản, đồng thời giảm trọng lượng nhưng vẫn đủ sức chứa cùng lượng hàng hóa hay hành khách như kiểu dáng truyền thống. Theo Giám đốc Matyushev: “Máy bay nhỏ dùng động cơ nhỏ đốt cháy ít nhiên liệu hơn. Như vậy lượng khí thải trên mỗi ghế hành khách giảm khoảng 50%”. Không những vậy, phần thân máy bay mở rộng giúp tăng 30% diện tích sàn.

Không phải mọi thứ trong Horizon đều mới. Máy bay sẽ vẫn dùng công nghệ động cơ hiện tại vì chuyển sang động cơ điện hoặc hydro nhiên liệu quá rủi ro. Chúng cũng không đặt ra nhu cầu phải thay đổi cơ sở hạ tầng sân bay.

Chuyên gia hàng không Gary Crichlow (tạp chí Aviation News) đánh giá mục tiêu đưa máy bay kiểu dáng cánh liền thân vào hoạt động trong năm 2030 đầy thách thức: Về hoạt động bay trong điều kiện thực tế, việc bảo dưỡng và quá trình cấp chứng nhận chưa chắc suôn sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểu dáng máy bay mới giúp giảm phát thải